Di nguyện của 'cung nữ đặc biệt' Triều Nguyễn

Cụ bà Lê Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn lúc sinh thời Ảnh: TL
Cụ bà Lê Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn lúc sinh thời Ảnh: TL
TP - Bà Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng và là “cung nữ đặc biệt” triều Nguyễn vừa qua đời tại Huế, hưởng thọ 102 tuổi. Trước lúc đi xa, bà để lại di nguyện đầy cảm động cho con cháu về lòng tôn kính, hiếu thảo với tổ tiên, dòng tộc.

Cung nữ đặc biệt

Từ bao năm nay, tại phủ Kiên Thái Vương (đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, TP Huế) có một phụ nữ cao tuổi đã dành quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời để ngày ngày chăm lo công việc hết sức đặc biệt, cùng các con cháu chuyên phụng thờ, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn gồm Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại. Người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn ấy nay đành phải kết thúc công việc đặc biệt để về với tiên tổ, ông bà.

Đó là vào chiều 21/2/2021 (nhằm mồng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Lúc 13 giờ 45 phút, nhiều người không khỏi ngậm ngùi tiếc thương khi hay tin người cung nữ Lê Thị Dinh trút hơi thở cuối cùng tại một vương phủ nổi tiếng xứ Huế. Đó là phủ Kiên Thái Vương, nơi bà Dinh dành toàn bộ tâm sức cuối đời để nguyện lo hương khói phụng thờ cho 5 vị vua triều Nguyễn nay thuộc địa chỉ 179 Phan Đình Phùng (TP Huế). Đây vốn là vương phủ của Kiên Thái Vương Hồng Cai, con trai thứ hai mươi sáu của vua Thiệu Trị. 

Theo sử liệu, Kiên Thái Vương là thân phụ của ba hoàng đế Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Trong ba vị vua, chỉ có hoàng đế Đồng Khánh tại vị ở ngai vàng cho đến suốt đời và được thờ ở Thế Miếu. Kiến Phúc làm vua được 8 tháng, ông mất lúc mới mười lăm tuổi. Vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, sau bị đày sang Angiêri.

Bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai của 3 vua vừa nêu là Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Ông Nguyễn Như Trị (sinh năm 1943) con trai bà Dinh, sinh sống sau phủ Kiên Thái Vương cho biết, bà Dinh sinh ngày 1/1/1920 (năm Tân Dậu) tại làng Hòa Duân, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, TT-Huế). Đến khi mất tính theo âm lịch, bà Dinh hưởng thọ tròn 102 tuổi. Cũng theo lời con trai bà Dinh, năm vừa lên 8 tuổi, mẹ ông được gọi vào cung phục vụ cho Thánh Cung Hoàng hậu - vợ vua Đồng Khánh và bà Hoàng Thái hậu Từ Cung - vợ vua Khải Định.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại về ở tại cung An Định (Huế) để chăm lo cho Hoàng Thái hậu. Bà là người hầu cận đức Từ Cung cho đến ngày Hoàng Thái hậu qua đời tại Huế vào năm 1980. Sau khi đức Từ Cung mất, bà Dinh về ở tại phủ Kiên Thái Vương cùng các con và chuyên lo thờ tự, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại. Những năm qua, bà Dinh được biết đến là cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn (1802-1945). Bà được xem là “cung nữ đặc biệt”, cháu ngoại của hoàng thân quốc thích triều Nguyễn.

Thêm một điều đặc biệt, chồng bà Dinh là lái xe cho một vị vua triều Nguyễn. Chồng bà là ông Nguyễn Như Đào, từng làm tài xế cho vua Bảo Đại, sau tập kết ra Bắc. Sau khi chồng tập kết, bà Dinh ở lại Huế một mình nuôi 2 người con trai, trong đó, người con đầu đã mất do tai nạn, còn người con trai sau là ông Nguyễn Như Trị.

Theo các nhà nghiên cứu, bà Dinh là một trong các nhân chứng lịch sử hiếm hoi về triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam tại Cố đô Huế. Bà là người am tường nhiều lễ tiết, nghi thức, trang phục, trang điểm, ẩm thực, sinh hoạt chốn Cung đình Huế xưa. Sinh thời, lúc còn khỏe mạnh, bà Dinh từng là người cung cấp nhiều thông tin bổ ích, có giá trị giúp các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn, cũng như phóng viên báo chí, các đoàn làm phim khi tìm hiểu về đời sống cung đình.

Di nguyện của 'cung nữ đặc biệt' Triều Nguyễn ảnh 1 Phủ Kiên Thái Vương, nơi cụ Dinh gắn bó quãng đời còn lại để chuyên lo thờ tự, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn
Di nguyện cuối cùng

Từng sống, hầu cận các bậc tôn quý của Hoàng triều tại các cung phủ vàng son xứ Huế, cuối cuộc đời bà Dinh ra đi trong sự thanh thản, giản dị và như là tấm gương về lòng hiếu thảo với tổ tiên, dòng tộc. Theo người con trai Nguyễn Như Trị, cách đây 2 năm, sức khỏe cụ Dinh yếu dần, không còn minh mẫn khi tiếp xúc với mọi người. Sau khi mẹ mất, vì bà là con cháu của nhà Nguyễn, nên ban đầu gia đình có nguyện vọng muốn nhờ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ về nghi thức tang lễ.

Tuy nhiên, vì lý do phòng chống dịch bệnh COVID-19, con trai Nguyễn Như Trị và tang quyến quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo và lễ nghi truyền thống dân gian bình thường như bao người. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, gia đình bà Dinh từng đặt vấn đề nhờ trung tâm hỗ trợ nghi thức tang lễ, sau đó vì dịch bệnh nên không thực hiện theo yêu cầu này nữa. “Trung tâm đã cử người tham gia phụ giúp tại đám tang và sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu của người nhà cụ Dinh. Vì lý do dịch bệnh, người nhà chỉ yêu cầu trung tâm giúp cho một đội nhạc cung đình phục vụ trong vài ngày tới, trước khi đưa tang cụ Dinh”, ông Nhật cho hay.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Như Trị bùi ngùi cho biết, di nguyện của mẹ là mong lớp con cháu như ông tiếp tục công việc coi sóc hương khói tổ tiên, dòng tộc tại phủ Kiên Thái Vương. “Việc chăm lo hương khói tại phủ thờ là trách nhiệm của gia đình tôi, cũng là lòng thành kính đối với các bậc vua chúa triều Nguyễn. Đấy là niềm tự hào, phước phận mà gia đình tôi có được” - ông Trị bày tỏ. Được biết, vào ngày 17 tháng Giêng Tân Sửu (28/2) tới, tang quyến sẽ tổ chức di quan, an táng cụ bà Lê Thị Dinh tại nghĩa trang nhân dân phía nam Dạ Lê (thị xã Hương Thủy).

Người được Chủ tịch nước gửi thiếp mừng thọ 100 tuổi

Ngày 7/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký thiếp mừng thọ 100 tuổi (tính theo dương lịch) đối với cụ bà Lê Thị Dinh (sinh năm 1920, ngụ tại Tổ 3 phường Phú Thuận, TP Huế). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chúc với nội dung: “Chúc Cụ luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, tiếp tục động viên con, cháu vun đắp gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.