Đi tìm người đại biểu đích thực của dân

Đi tìm người đại biểu đích thực của dân
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII đang được khởi động với những tín hiệu tốt đẹp. Để đi tìm những người đại biểu đích thực của nhân dân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đi tìm người đại biểu đích thực của dân ảnh 1

Ông Nguyễn Trung sinh năm 1935 tại Hà Nội, có thâm niên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao, từng là đại sứ VN tại Thái Lan. Sau khi từ Thái Lan trở về nước, ông làm tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, rồi làm trợ lý cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ảnh : Tuổi trẻ.

Phóng viên: Theo ông, cuộc bầu cử Quốc hội (QH) khóa XII lần này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh của đất nước hoàn toàn hội nhập với thế giới hiện nay?

- Ông Nguyễn Trung: So với tất cả 11 khóa bầu cử QH, bầu cử QH khóa XII có một nét tương đồng rất đặc biệt, chỉ xếp sau cuộc bầu cử QH khóa I. QH khóa I thiết lập nên Nhà nước VNDCCH và CHXHCNVN hôm nay.

QH khóa XII mở đầu một thời kỳ mới của CHXHCNVN: Với tính cách là một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế VN bắt đầu tham gia toàn diện vào quá trình toàn cầu hóa và đời sống chính trị thế giới. Thực tế này đặt ra nhiều đòi hỏi, nhiều trọng trách mới cho nước ta, cho nhân dân ta, cũng có nghĩa là cho QH khóa XII.

Luật Bầu cử đang có hiệu lực có còn phù hợp trong xu thế dân chủ như hiện nay? Tôi muốn nói đến chất lượng các vòng hiệp thương để chọn ứng cử viên, làm sao để hiệp thương đạt kết quả tốt nhất?

- Nước ta đã bước sang một thời kỳ phát triển mới, Luật Bầu cử hiện hành có nhiều chỗ không còn phù hợp, song bây giờ không phải lúc nói chuyện sửa luật.

Quan trọng hơn, nếu làm tốt những điều cơ bản trong luật hiện hành, vẫn có khả năng bầu ra được một QH phù hợp với ý nguyện của nhân dân: Thực sự tiến hành bầu cử, chứ không phải chỉ đơn thuần có “cử” và “bầu”. Với bầu cử thực sự như vậy, vấn đề hiệp thương, vấn đề tranh cử nếu được tiến hành có thực chất, sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đem lại thành công.

Muốn vậy, nội dung hiệp thương rất không nên chỉ bàn một việc bầu ai hay không bầu ai. Hiệp thương nên bắt đầu từ những câu hỏi đặt ra cho cả hai bên (A) cử tri và (B) các ứng cử viên các loại: Trong tình hình mới của đất nước hiện nay nên có một QH như thế nào? Đòi hỏi gì ở khả năng và phẩm chất của đại biểu (ĐB) QH... để sao cho QH làm tốt nhiệm vụ lập pháp với tính cách là cơ quan quyền lực tối cao của cả nước trong tình hình và nhiệm vụ mới?

Và tiếp theo đó là những cuộc tranh luận, vừa nhằm thống nhất ý kiến vừa mang tính tranh cử thực sự. Ngày nay nước ta có đầy đủ điều kiện vật chất kỹ thuật tại tất cả 64 tỉnh, thành để tiến hành hiệp thương có nội dung thực chất như vậy, vẫn còn đủ thời gian để làm việc này.

Định hướng của QH khóa XII là tăng số lượng ĐB chuyên trách. Điều đó cũng có nghĩa là phải “chuyên môn hóa” QH. Theo ông, xu hướng này sẽ có tác dụng gì?

- Lập pháp là một lĩnh vực cực kỳ khó trong thể chế quốc gia. Vì thế có nhiều ĐB chuyên trách đủ năng lực và phẩm chất trong QH là điều rất đáng mong muốn để QH khóa XII thực hiện được nhiệm vụ của mình. Đây là xu thế tốt phải quan tâm nuôi dưỡng trong tương lai.

Cái khó nằm ở chỗ bầu được ai đó làm ĐB chuyên trách thì không nhất thiết người đó đáp ứng được mong đợi của nhân dân về ĐB chuyên trách. ĐB chuyên trách với đúng nghĩa của nó và như nhân dân mong đợi chỉ có thể “ra đời” trên nền tảng của một xã hội dân sự phát triển – đây là tương lai nước ta đang hướng tới.

Trong tình hình hiện tại nên làm tốt hai việc: Một là, tranh cử thật sự để có ĐB chuyên trách được lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hiện tại cho phép. Hai là, trao quyền thật sự cho họ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm việc (kể cả việc bồi dưỡng thêm bản lĩnh, thông tin, kiến thức và chuyên môn).

Thế theo ông, chân dung của một vị ĐBQH ở thời kỳ hội nhập này phải như thế nào?

- Chân dung khác với chụp ảnh ở chỗ chỉ nêu lên những nét độc đáo. Để không phải nói dài, tôi chỉ xin nêu lên nét độc đáo nhất: ĐBQH nhất thiết cần ý thức đầy đủ mình là thành viên của cơ quan quyền hành tối cao của cả nước do nhân dân cử ra, chỉ thừa hành một nhiệm vụ duy nhất là thực hiện ý chí và nguyện vọng của cả nước, của dân tộc.

Tôi xin nói ngay: Đòi hỏi này cũng là khó nhất, nghiêm khắc nhất, quyết liệt nhất đối với mỗi ĐBQH, đối với ĐBQH là đảng viên Đảng Cộng sản VN lại càng như thế - lẽ đơn giản đã là đảng viên thì bắt buộc phải hoàn thành nhiệm vụ - ở đây là nhiệm vụ người ĐBQH - một cách gương mẫu.

ĐBQH thực ra là một “nghị sĩ”, họ phải là ĐB đại diện cho dân tham gia việc nước. Theo ông, để người dân lựa chọn cho mình một người đại diện, có cần công khai rộng rãi chương trình hành động của mình, tranh cử trực tiếp hay không?

- Không phải là cần, mà là bắt buộc cho tất cả những người được đề cử hoặc tự ứng cử – vì đây là đòi hỏi để có một QH với đúng nghĩa của nó.

Ở nhiều quốc gia khác, một nghị sĩ thường có văn phòng riêng với nhiều trợ lý giúp việc. Còn ở ta, mỗi địa phương chỉ có văn phòng đoàn ĐBQH. Vậy mỗi ĐBQH ở ta có nên lập văn phòng của mình?

- Nước ta còn ở trình độ phát triển thấp và nghèo, chưa thể cái gì muốn là làm được như QH các nước giàu có. Đúng sai thế nào chưa biết, nhưng cũng xin nói ngay ý kiến của tôi là cách tổ chức văn phòng ĐBQH các tỉnh như hiện nay thực chất chỉ làm biên chế bộ máy Nhà nước thêm cồng kềnh.

Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ làm sao duy trì mối liên hệ thường xuyên và có nội dung giữa ĐBQH và nhân dân nơi bầu ra mình, nhất là ĐBQH không được quên những điều nhân dân nơi bầu ra mình gửi gắm. Quan trọng hơn nữa ĐBQH phải là người am hiểu mọi vấn đề của đất nước. Đề nghị QH khóa XII quan tâm xử lý vấn đề cốt lõi này.

ĐBQH hay “nghị sĩ” thực chất là một chính khách. Theo ông, các ĐBQH của chúng ta vừa qua có phải là những chính khách?

- ĐBQH lý tưởng trước hết phải là một chính khách - với nghĩa là có tầm nhìn rộng, nhưng đồng thời cũng phải là người am hiểu nhiều vấn đề của cuộc sống, có kiến thức sâu về một vấn đề gì nữa thì càng đáng mong muốn.

Tôi xin lỗi trước khi trả lời: Trong con mắt tôi, nước ta còn rất ít chính khách trong đời sống chính trị, không riêng gì tại QH.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương, trong một lần trả lời trực tuyến với bạn đọc có nói: “Tôi làm việc ở Ban Tổ chức Trung ương, đã nhiều lần tham gia đóng góp, tuyển chọn nhân sự cho QH qua nhiều khóa. Nhiều năm gần đây, tôi là khách mời của QH, tôi thấy có nhiều ĐB trình độ quá kém, chưa kể có một số người về phẩm chất, tư cách không xứng đáng...”. Ông suy nghĩ gì về nhận định này?

- Đấy là những ý kiến đúng, tôi đánh giá cao và trân trọng. Tôi mong cử tri và những ứng cử viên cả nước lắng nghe những ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương.

Về vần đề tự ứng cử, có lẽ chưa có QH khóa nào có nhiều người tự ra ứng cử như cuộc bầu cử lần này. Như vậy, sẽ có cuộc “chạy đua” thực sự vào QH. Theo ông, để khuyến khích công dân tự ứng cử, cơ chế có nên thay đổi hay không?

- Có nhiều người tự ứng cử hơn trước là biểu hiện bầu cử lần này tốt hơn trước. Rất cần sự cổ vũ của dư luận xã hội cho việc họ tự ứng cử. Đang thiếu cả thời gian và sự sẵn sàng cho việc thay đổi cơ chế hiện nay, vì vậy nên tập trung mọi cố gắng vào tranh cử thật sự với nội dung xây dựng; người nên được bầu làm ĐBQH phải là người có nhiều ý tưởng về giải pháp cho những vấn đề của đất nước, chứ không nên chỉ đơn thuần là người giỏi kêu ca, giỏi đả kích. Nói như thế không có nghĩa hạ thấp nhiệm vụ giám sát của QH.

Trong bối cảnh hiện nay, ông có hy vọng rằng cuộc bầu cử QH khóa XII sẽ chọn ra được những vị ĐB xứng đáng đại diện cho dân lo việc nước?

- Ai cũng mong muốn như vậy. Nhân dân ta có ý thức chính trị cao lắm, vì thế tôi tin rằng với tất cả những gì có trong tay - kể cả Luật Bầu cử và cơ chế hiện hành - nước ta hoàn toàn có điều kiện thực hiện được một cuộc bầu cử tốt để có QH khóa XII như mong đợi. Đảng ta có ý chí và quyết tâm, cả nước có ý chí và quyết tâm, nhất định sẽ làm được.

Trân trọng cảm ơn ông.

Theo Người Lao động

Công dân – tôi tự kiểm điểm...

Tự nhiên tôi cảm thấy hứng thú về cuộc bầu cử QH khóa XII vào tháng 5 này. Hứng thú vì tôi cảm thấy tính dân chủ trong bầu cử được tôn trọng hơn. Và tự nhiên, con người – công dân trong tôi muốn tự kiểm điểm ý thức công dân của mình trong thời gian qua.

Tôi tự kiểm điểm và chợt giật mình: Kỳ bầu cử QH khóa XI tôi đã bầu cho những vị nào? Lạ, tôi không thể nhớ là tôi đã bầu cho ai; và người được mình bầu đã làm được gì, có đại diện cho tôi (công dân) và cho những công dân khác một cách xứng đáng hay không?

Tôi không nhớ mình đã bầu cho ai. Đó là khuyết điểm lớn nhất của công dân – tôi. Nhưng tôi chợt nghĩ lại: Vì sao trong suốt cả nhiệm kỳ QH, những người tôi bầu ra không tiếp xúc với cử tri? Hay là có tiếp xúc nhưng tôi không được biết, không được mời dự? Vắt óc nghĩ lại, tôi vẫn nhớ sau mỗi kỳ họp QH, báo chí có đăng tin đại biểu QH đi tiếp xúc với cử tri chỗ này chỗ nọ. Có, các đại biểu (ĐB) QH có làm điều đó. Nhưng tại sao tôi không được mời tham dự? Và tại sao tôi – công dân - chỉ có thể đi dự những cuộc gặp gỡ như vậy – nếu như có giấy mời? Như vậy phải kiểm điểm tôi – công dân tôi, đã không dám dự những cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại diện cho dân.

Tôi ước mong, một ngày nào đó ở hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên hoặc ở một nơi sinh hoạt công cộng nào đó có tấm bảng đề: “ĐB X. tiếp xúc với cử tri vào lúc... giờ. Trân trọng mời mọi công dân tham dự”. Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy, các vị ĐBQH sẽ hiểu được dân hơn, sẽ thấy được nhiều điều mà trên nghị trường không thể thấy.

Tôi không biết văn phòng của họ ở đâu?

ĐBQH của mình có văn phòng làm việc không? Đưa ra câu hỏi này thảo luận với bạn bè, người nói có, người nói không. Người nói có, bảo rằng đó là văn phòng đoàn ĐBQH. Nhưng đó đâu phải là văn phòng riêng của ĐB tôi cần gặp?

Một người bạn thân của tôi nói, ĐBQH của ta đa số là kiêm nhiệm, bận trăm công nghìn việc, nhiều khi họp QH cũng không tham dự đủ, huống chi phải ngồi ở văn phòng mình, tiếp xúc với cử tri. Nếu như vậy, tại sao mỗi vị ĐBQH không mở cho mình một văn phòng riêng?

Văn phòng ấy không cần ở mặt tiền quận 1 hay quận 3, nó hoàn toàn có thể nằm bất kỳ ở đâu và nên thông báo trên báo chí, để công dân biết. Tại văn phòng đó, vị ĐBQH nên thông báo lịch tiếp xúc với cử tri, ngoài ra nên có thư ký giúp việc thường trực. Có như vậy cử tri mới cảm thấy vị ĐBQH do mình bầu ra thực sự là đại diện cho mình.

Tôi đề xuất: Ngay QH khóa XII, mỗi vị ĐBQH nên có văn phòng riêng của mình và nếu chúng ta chưa có luật quy định như vậy thì nên bổ sung. Hãy thử tưởng tượng, một địa phương có 20 vị ĐBQH chẳng hạn và với 20 văn phòng như nói trên, sẽ là những kênh thông tin quan trọng để ĐBQH hiểu dân.

Có vị ĐBQH nào tự kiểm điểm chưa?

QH khóa XI sắp kết thúc. Đã có vị ĐBQH nào mãn nhiệm kỳ tự kiểm điểm trước cử tri mình chưa? Kiểm điểm, đánh giá lại những gì ĐB đó thực hiện trong suốt nhiệm kỳ qua là việc làm rất cần thiết của mỗi ĐBQH.

Kiểm điểm, để xem những gì mình hứa với cử tri, đã làm được tới đâu? Thực tế tôi chưa thấy các vị ĐBQH kiểm điểm trước dân, khi hết nhiệm kỳ. Vậy thì làm sao công dân có thể đánh giá những vị ĐBQH mình bầu ra đã làm được những gì?

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.