Đi tìm sự thật về vị Phó TGĐ Transerco bị vợ tố cáo

Đi tìm sự thật về vị Phó TGĐ Transerco bị vợ tố cáo
TP - Vừa qua, Tiền phong nhận được đơn của bà Trần Thị Kim Phượng tố cáo chồng là Nguyễn Thanh Cao Huy (SN 1957) - Phó TGĐ Transerco, Đại  biểu HĐND TP Hà Nội “đem tiền đi mua đất, xây nhà cho vợ bé tại TP Thái Nguyên”. Trong quá trình tác nghiệp tại Thái Nguyên, PV Tiền phong đã bị những kẻ lạ mặt vây giữ suốt hơn 3 giờ đồng hồ.
Đi tìm sự thật về vị Phó TGĐ Transerco bị vợ tố cáo ảnh 1
Bà Trần Thị Kim Phượng tại trụ sở báo Tiền Phong

Qua bà Phượng (SN 1957) - một trung tá công an về hưu kể, chúng tôi được biết một cuộc hành trình gian nan 2 tháng của bà Phượng, truy tìm dấu vết người mà bà gọi là “vợ bé”.

Bà Phượng kể: Từ cuối tháng 7/2006, có những ngày xuất hiện giọng phụ nữ từ nhiều số máy lạ gọi vào điện thoại nhà riêng và di động của bà, đe dọa và tỏ thái độ ghen ngược.

Bản năng nghề nghiệp trỗi dậy, khi bà Phượng muốn cắt nghĩa vì sao chồng mình gần đây có nhiều biểu hiện khác thường và muốn biết người phụ nữ gọi điện khủng bố kia là ai.

Vay mượn người thân, bạn bè được ít tiền, bà lên Thái Nguyên với manh mối duy nhất bà ngẫu nhiên tìm được: Người đàn bà đó tên là Hương, quen biết nhiều đối tượng giang hồ khét tiếng.

Mất nhiều ngày lăn lộn tại tỉnh Thái Nguyên, thậm chí phải nhờ đến cả mối quan hệ riêng với các đồng nghiệp cũ đang công tác để tìm kiếm, nhưng mọi thứ dường như vô vọng. Bà trở về Hà Nội và nỗi nghi ngại tăng theo cấp số nhân trong lòng những người thân quen.

Bỗng một ý nghĩ loé lên: Tìm cách tiếp cận giới “buôn phấn bán hương” tại Thái Nguyên để điều tra may ra... Thế là bà lại khăn gói quả mướp lên Thái Nguyên lần nữa.

Sau nhiều đêm trà trộn vào giới buôn phấn bán hương, cuối cùng bà Phượng cũng gặp được một tú bà có máu mặt. Qua người này, linh cảm nghề nghiệp mách bảo cho bà thấy “đối tượng” đang ở rất gần đâu đây.

Tuy nhiên, đâu dễ để bà có được tin chính xác. Mụ tú bà này đã dẫn bà đến gặp 2 đối tượng khác. Nhùng nhằng mãi, 3 ả ngã giá buộc bà phải chi ra 50 triệu đồng để đổi lấy thông tin.

Bà Phượng vừa khóc vừa kể lại gia cảnh nhà, rồi rút thẻ ngành CA ra để làm tin. Ba ả nọ nghi bà sỹ quan công an nghỉ hưu này hành nghề thám tử tư và có bộn tiền.

Để minh chứng mình không giàu sang gì, lần đầu tiên trong đời, nữ trung tá công an này đã phải để cho 3 kẻ giang hồ lục soát cả nội y. Sau khi lục khắp người bà chỉ thấy 10 triệu đồng, chúng đã lột sạch và cho ngay địa chỉ của người mà bà Phượng cần tìm.

Sáng hôm sau, bà Phượng đóng giả người đi đường tìm đến địa chỉ kia nhưng nhà đóng kín cửa. Phải đợi cả ngày trong tâm trạng thấp thỏm, đến tận 5 giờ chiều, ngôi nhà đó mới mở cửa.

Một thằng bé chập chững chạy ra, khiến bà Phượng không khỏi giật mình vì nó quá giống chồng bà. Những ngày sau đó, để củng cố thêm thông tin, bà nhiều lần tìm cách tiếp cận đối tượng.

Bằng nghiệp vụ CA, bà còn lấy được hồ sơ đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cháu bé nọ có ghi tên giống hệt tên chồng bà, các giấy tờ này liên quan trách nhiệm ông Ngô Sỹ Quốc - Chủ tịch UBND phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên), và bà Phượng còn tìm ra người bán mảnh đất xây nhà số 572, đường Cách Mạng Tháng 8, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Bà Phượng cho rằng đây là nhà do ông Huy bỏ tiền ra để cung cấp cho người đàn bà mà bà gọi là “cô vợ bé”.

Ba giờ rưỡi trong vòng vây giữ

Theo sự phân công của Ban Biên tập báo Tiền phong, tôi là một trong số các PV được cử đến tận nơi tìm hiểu sự thật về lời tố cáo ông Nguyễn Thanh Cao Huy có quan hệ ra sao với chủ ngôi nhà 572.

Khoảng 14 giờ ngày 21/3/2007, trên đường đến trụ sở UBND và Công an phường Gia Sàng làm việc, tôi ngang qua đoạn phố có ngôi nhà 572 (từ đây vào trụ sở 2 cơ quan này chỉ hơn 100m).

Tôi đứng trên vỉa hè và dải phân cách, chụp ảnh dọc đoạn phố từ khoảng số nhà 530 đến gần 600; trong đó chụp rõ ngôi nhà 572 từ vài góc độ. Ngôi nhà này, theo xác định của CA do Phạm Thúy Hương (SN 1980) làm chủ sở hữu.

Sau khi chụp cận cảnh, tôi vào quán bên hồ Gia Sàng (đối diện nhà 572 kể trên), định chụp thêm kiểu ảnh hồ Gia Sàng rồi vào trụ sở CA phường sở tại. Chưa kịp chụp thêm thì một phụ nữ khoảng gần 30 tuổi bất ngờ ập vào.

Lúc này trong quán không có ai ngoài mấy nhân viên, chủ yếu là nữ. Người phụ nữ túm lấy tôi hùng hổ: “Sao mày chụp ảnh nhà tao? Mày chụp thuê cho đứa nào? Đưa máy đây!” (Lưu ý tôi là một người đã có tuổi). Tôi hỏi: “Em là ai vậy?”.

Người phụ nữ tiếp tục xưng mày tao với tôi và xưng tên là Phạm Thuý Hương, chủ ngôi nhà và ra lệnh cho tôi đưa máy ảnh. Tôi giải thích: “Tôi chụp ảnh công khai trên đường, chứ không chụp trộm như em nói. Nhưng nếu trong số ảnh đó có ảnh chụp nhà em mà em không thích thì tôi xoá có sao đâu. Nhà liền kề mặt phố như nhà em thì ai và lúc nào chụp chẳng được”.

Hương tiếp tục sừng sộ, tôi đề nghị cùng ra Công an phường giải quyết. Tôi nhiều lần cố bước ra nhưng Hương kiên quyết kéo lại, đồng thời điện thoại di động cho ai đó.

Vài phút sau, một toán thanh niên vẻ mặt hầm hầm, trong người thập thò hung khí, xông vào vây chặt tôi. Hương la ầm rằng tôi xông vào nhà, chụp ảnh cô ta đang thay quần áo.

Một trong số những kẻ vừa đến quát lên: “Thế thì phải cho nó chết. Bỏ máy ảnh ra!”. Tôi nhắc lại rằng tôi không chụp như thế, tôi chụp ngoài đường. Một kẻ nói: “Kiểm tra ảnh, nếu có chụp nhà Hương thì thu máy ảnh rồi lôi nó về dần cho một trận”.

Hương nhắc đi nhắc lại lời đe dọa. Tôi cố gắng xoa dịu: “Em hãy bình tĩnh nghe, đừng nổi nóng”. Hương và toán người trên tiếp tục đòi lấy máy ảnh và giằng co với tôi. Tôi vẫn mềm mỏng giải thích như trên. Hương tiếp tục chửi bới, đe dọa.

Tôi đề nghị các nhân viên gọi hộ CA tới, nhưng Hương quát dọa giết ai dám gọi và nói: “Thằng này thích gọi CA, tao đã gọi rồi”. Vài phút sau, một người đàn ông khoảng gần 30 tuổi mặc thường phục, miệng nồng nặc hơi rượu, ngật ngưỡng bước vào.

Người này rút thẻ CA (tôi chỉ nhìn thấy, không được xem nội dung) và xưng tên là Dũng, cảnh sát 113. Dũng ngồi vắt chân chữ ngũ xưng “mày”, “tao” với tôi và hất hàm hỏi tôi sao chụp ảnh kiểu ngu thế.

Tôi xưng tên và nói mình là nhà báo. Dũng dịu lại, gọi tôi bằng “anh” và “ông”. Tôi đề nghị được đi cùng Dũng đến trụ sở CA nhưng Dũng khăng khăng: “Anh phải làm việc với chúng nó tại đây, nếu chụp ảnh nhà nó thì phải trả ảnh rồi xin lỗi nó”.

Cứ thế suốt gần 2 tiếng đồng hồ, tôi đề nghị thế nào Dũng cũng không nghe, cứ đẩy tôi ở lại và bỏ đi; còn mấy thanh niên kia thì giữ chặt tôi, có cả hung khí kề vào cổ.

Dũng đi rồi, mấy thanh niên nọ buộc tôi ngồi sau xe máy của họ phóng ra hiệu ảnh Thanh Tùng (đường Bắc Kạn, TP Thái Nguyên). Họ thu giữ toàn bộ số ảnh trong máy (có rất nhiều ảnh chụp ngoài ngôi nhà 572) và xoá hết dữ liệu trong thẻ nhớ.

Trong số ảnh mà tôi đã chụp, đương nhiên không có chiếc nào như Hương đã la lối. Hương đòi xem giấy tờ tuỳ thân, tôi đưa thẻ nhà báo; Hương đòi xem thêm giấy CMND rồi giữ luôn cả hai và buộc tôi lên xe, hỏi đi đâu không ai trả lời.

Bất chợt có 2 CSGT xuất hiện cách đó một quãng. Tôi chạy lại cầu cứu. Một trong 2 CSGT nhanh chóng đưa tôi về trụ sở Công an TP Thái Nguyên. Lúc đó là 17 giờ 30.

Kỳ sau: Ông Nguyễn Thanh Cao Huy nói gì?

MỚI - NÓNG