Đi tới tận cùng vấn đề

Liên tục 25 tin bài đã được đăng tải trên Tiền Phong về vụ 7.000 lít dầu độc bên bờ vịnh Hạ Long
Liên tục 25 tin bài đã được đăng tải trên Tiền Phong về vụ 7.000 lít dầu độc bên bờ vịnh Hạ Long
TP - Nói về làm báo, tôi có được một bài học trong nghề, đã nêu vấn đề thì phải đeo bám đến cùng, cũng như kể một câu chuyện phải có mở đầu, diễn biến, kết thúc. Loạt bài về 7.000 lít hóa chất siêu độc bên bờ vịnh Hạ Long là câu chuyện mà Tiền Phong đã kể trọn vẹn như thế.

Ngày 8/8/2014, loạt bài “7.000 lít hóa chất siêu độc bên bờ vịnh Hạ Long- Hiểm họa đe dọa di sản thế giới” khởi đăng, phản ánh vụ việc gần 7.000 lít hóa chất PCB độc chỉ sau dioxin tồn tại suốt 7 năm qua, ngay sát bờ vịnh Hạ Long, điều kiện bảo quản không an toàn. Ở Bỉ, 25 lít hóa chất này tràn ra môi trường, nước này mất hơn một tỷ USD khắc phục hậu quả.  Một chuyên gia bên lề hội thảo về thứ hóa chất cực độc này nói với tôi: “Số dầu này mà trôi xuống biển thì vịnh Hạ Long đi tong, hủy hoại toàn bộ môi trường, vĩnh viễn không khôi phục được”.

Bài đăng lên, đang âm ỉ niềm vui được đồng nghiệp khen “vấn đề quá hay”,  thì anh Việt Hùng, Phó Tổng thư ký Tòa soạn kiêm trưởng ban Khoa giáo (ban tôi làm việc) gọi xuống bảo “Em xem trong đống tài liệu (trước đó, lúc lên báo cáo đề tài, tôi có mang theo tập tài liệu chục quyển về PCB) có thông tin gì thì làm tiếp đi, nuôi vấn đề. Cái này phải theo đến cùng!”. Liên tiếp 10 ngày, nhiều khía cạnh của câu chuyện được khai thác, 7.000 lít hóa chất siêu độc: khó vận chuyển đi nơi khác, Nếu chây ỳ, phải cưỡng chế, Cha chung không ai khóc, Trách nhiệm thuộc về công ty Cửu Long, 7.000 lít dầu độc lọt vào bờ vịnh Hạ Long thế nào? Hầu hết đều là bài trung tâm chính, phụ của số báo. Anh phóng viên Ban Thời sự, hễ gặp lại trêu “A, dầu độc hả! Sắp chuyển chửa?”. Làm nghề được hỏi như thế cũng vui, nhất là người mới vào nghề như tôi, nhưng trong lòng lại thấy như lửa đốt…

Vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Không chỉ tôi và anh Đỗ Hoàng, phóng viên thường trú ở Quảng Ninh, viết bài, tòa soạn huy động thêm phóng viên mảng văn hóa, mảng thời sự vào cuộc, lấy ý kiến của ngành văn hóa, đại biểu quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Quảng Ninh...

Đi tới tận cùng vấn đề ảnh 1 PV Nguyễn Hoài

Bài đầu tiên đăng, bốn ngày sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đi khảo sát, yêu cầu tăng cường biện pháp bảo vệ với lô hóa chất này. Hai tuần sau, một cuộc họp nhiều bên từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan, các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh đề xuất phương án xử lý. Phương án di dời được đưa ra, nhiều địa phương, dân phản ứng, quan cũng phản ứng vì ngại nhận về “của nợ” này. Lâu lâu chưa tìm được phương án. Anh Việt Hùng gặp tôi ở văn phòng lại nhắc “Sao vẫn chưa chuyển? Làm thêm bài nữa đi! Thi thoảng phải lên dây cót để họ đẩy nhanh tiến độ xử lý chứ”.

Sau khi Tiền Phong phản ánh, VTV, VOV, VTC và nhiều báo, đài khác cũng vào cuộc. Ngày 13/10/2014, lô hóa chất độc hại được chuyển khỏi Hạ Long và xử lý thành công tại Kiên Giang.  

Cuối cùng, 7.000 lít dầu độc đã được di dời khỏi bờ vịnh Hạ Long. Có được kết cục tốt đẹp này từ loạt bài, chỉ nhiệt huyết của phóng viên thôi chưa đủ nếu không có sự cộng hưởng, quyết tâm của tòa soạn đi tới tận cùng vấn đề.

Loạt bài 7.000 lít dầu độc bên bờ vịnh Hạ Long đoạt giải báo chí quốc gia

Loạt bài gồm 25 bài và tin. Từ lúc phản ánh sự việc đến lúc vận chuyển, xử lý thành công số hóa chất độc hại, có sự tham gia viết bài của các ban Khoa giáo, Văn nghệ, Thời sự, TKTS và phóng viên thường trú tại Quảng Ninh. Tác phẩm nhận giải khuyến khích Giải báo chí quốc gia lần thứ 9, năm 2014 ở hạng mục báo in.

MỚI - NÓNG