Đi viết ở tòa, về nhà bỏ cơm

Chủ cơ sở trông giữ trẻ Mẹ Mười - Đinh Thị Hồng ra tòa vì bạo hành trẻ em, suốt phiên xử liên tục khóc và chắp tay xin lỗi vì đã đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng Ảnh: Giang Thanh
Chủ cơ sở trông giữ trẻ Mẹ Mười - Đinh Thị Hồng ra tòa vì bạo hành trẻ em, suốt phiên xử liên tục khóc và chắp tay xin lỗi vì đã đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng Ảnh: Giang Thanh
TP - Vừa về văn phòng báo Tiền Phong ở Đà Nẵng được vài tháng, tôi “lấn sân” sang làm mảng pháp luật vì mảng này còn trống. Có những lần sau khi dự tòa để viết bài, tôi và đồng nghiệp về nhà không nuốt nổi cơm… 

1. Dự cả trăm phiên tòa, nhưng hình ảnh khiến tôi không thể nào quên được là hình ảnh bố mẹ của Mạc Văn Nhân (SN 1992, Quế Sơn, Quảng Nam) - thủ phạm vụ án cướp của, hiếp dâm, giết người ở quán cà phê T.A gây chấn động Đà thành. Họ - người trước, người sau - lầm lũi bước xuống những bậc thang dài ở TAND TP Đà Nẵng sau khi HĐXX tuyên con trai họ 30 năm tù giam.

Đây không phải lần đầu tiên Nhân phạm tội. Lần đầu tiên Nhân đi tù vào năm 17 tuổi, bố mẹ Nhân cũng lặn lội từ Quảng Nam vào tận TPHCM để dự tòa. Lần đó, Nhân chỉ “đi” vài năm, còn lần này họ cũng không biết khi con trai mình được ra, liệu họ có còn trên cõi đời?

Bố mẹ Nhân đã ly hôn từ lâu, cực chẳng đã hai ông bà mới phải gặp nhau mà lý do lại vì đứa con tù tội. Suốt phiên tòa, mẹ của Nhân chỉ khóc thút thít, còn bố Nhân cúi gằm mặt. Nhân không ngoái lại nhìn bố mẹ mình một lần nào. Tòa tuyên, mẹ Nhân khóc rống lên, còn bố Nhân chỉ quát: “Khóc chi mà khóc!”.

Hình ảnh hai ông bà chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi ra cổng ráng đợi chiếc xe tù chở con trai mình đi ngang qua khiến chúng tôi cứ day dứt mãi. Hai mái đầu bạc cứ ngóng đợi chiếc xe tù đi khuất rồi mới chạy xe về. Hôm đó, tôi và cô bạn đồng nghiệp ở chung nhà không nuốt nổi cơm.

2. Án tù cho những kẻ gây tội là thích đáng, nhưng bản án vô hình treo trên đầu những người thân của họ mới là những nỗi đau mãi không dứt. Đó là người mẹ già, vợ và đứa con mới 1 tháng tuổi của Nguyễn Hùng Dương (SN 1994, trú huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) – kẻ lừa đảo gần 2,3 tỷ đồng qua mạng - ngồi bơ vơ bên cầu thang tòa án. Bà nội ôm đứa cháu còn chưa được gặp mặt cha, nhắc đi nhắc lại với chúng tôi trong nước mắt: “Nó nhận tội thay cả bạn bè nó nữa, lừa đảo tiền tỷ mà có đồng nào trong người đâu”.

Đó là hình ảnh con gái của cặp vợ chồng giết chủ nợ phi tang xác ở vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bịt kín từ đầu đến chân đứng lầm lũi trong góc chung cư để nghe tòa xét xử lưu động bố mẹ mình. Cô bé vẫn còn là học sinh, từ ngày cả cha lẫn mẹ bị bắt, em bỏ học luôn bởi không chịu nổi điều tiếng.

Đó là hình ảnh Đinh Thị Hồng (SN 1972, trú tại phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) – chủ cơ sở Mẹ Mười bạo hành trẻ đứng trước bục khai báo chỉ khóc chắp tay xin quan tòa giảm án bởi “từ lúc bị cáo bị bắt, chồng bị cáo phải bán nhà, hai đứa con phải nghỉ học, bị cáo biết lỗi rồi”. Chồng và con của Hồng chỉ dám ngồi ở hàng ghế cuối cùng, né tránh ánh nhìn của những người dân dự phiên toà.

3. Vụ án mà tôi theo dõi và đưa tin dài hơi nhất kể từ khi làm báo, có lẽ là kỳ án Công ty Ngọc Hưng ở Quảng Trị buôn lậu gỗ trắc. Vụ án kéo dài hơn 10 năm với ba phiên sơ thẩm bị hoãn hoặc trả hồ sơ, một phiên xử sơ thẩm kéo dài 10 ngày và một phiên xử phúc thẩm kéo dài 3 tuần. Bản án phúc thẩm đã tuyên, ông Liệu hiện đang thi hành án, nhưng vẫn khắc khoải chờ được giám đốc thẩm. Nhưng điều khiến tôi day dứt, là người đàn ông đã ngoài 60 ấy mỗi phiên tòa tôi lại thấy tóc bạc thêm, và già đi thấy rõ.

Đó là bị cáo đầu tiên trong những phiên tòa mà tôi dự cầm theo cả một tập hồ sơ dày cộp, chuẩn bị phần trả lời, tranh luận của mình kỹ càng và bài bản. Nếu bị cáo Liệu bước tới tòa mà mặc sơ mi trắng thắt cà vạt, chắc nhiều người nhầm tưởng ông là luật sư. Hình ảnh ông Liệu cặm cụi ngồi sắp xếp, tìm lại hồ sơ để trả lời HĐXX trong giờ giải lao khiến nhiều người dự tòa vì nể. Ông Liệu từng nói với HĐXX: “Gần chục năm trời, tôi từ một người dân bình thường chả bao giờ sờ đến quyển sách luật mà giờ lại thuộc làu làu”. Ông tranh luận với kiểm sát viên, trả lời câu hỏi của HĐXX rõ ràng, mạch lạc. Bởi ông nắm rõ vụ án của mình hơn cả, bởi vụ án đã đeo đẳng cả gia đình ông gần chục năm trời, khiến 2 đứa con đang du học ở nước ngoài cũng bỏ dở để trở về theo cha mẹ trong hành trình đi tìm công lý.

Hai lần tuyên án sơ thẩm và phúc thẩm, mọi người trong phòng xét xử - kể cả những phóng viên dự tòa đều cảm thấy bất ngờ vì bản án. Bởi những gì diễn ra trong quá trình tranh luận tại phiên tòa cho người ta dự cảm về một bản án có lợi cho hai vợ chồng ông Liệu. Tháng 8/2018, TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu mức án 1 năm 16 ngày tù (đúng bằng thời gian tạm giam nên được trả tự do ngay tại tòa), vợ ông là bà Trần Thị Dung 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử cũng tuyên trả lại tài sản cho vợ chồng ông Trương Huy Liệu gần 63 tỷ đồng là số tiền bán đấu giá lô gỗ nói trên.

Hai vợ chồng kháng án kêu oan. Thế nhưng phiên phúc thẩm của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng (tháng 7/2019) đã tăng hình phạt với ông Liệu lên mức án 7 năm tù giam, bà Trần Thị Dung 3 năm tù cho hưởng án treo! Đồng thời, Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu luôn “tang vật” là số tiền đấu giá gỗ mà tòa sơ thẩm đã tuyên trả lại!

Chua xót ở chỗ, là lô gỗ tang vật của vụ án đã bị cơ quan điều tra C44 (Bộ Công an) đem bán vào năm 2014 dù vụ án chưa được đưa ra xét xử. Lô gỗ tang vật được bán 63 tỷ đồng, trong khi theo chứng cứ mà Công ty Ngọc Hưng đưa ra, giá trị lô gỗ thời điểm đó lên tới 315 tỷ đồng. Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44). Cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh chỉ đạo bán lô gỗ trắc trên bị khởi tố với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”.

Có một hình ảnh ít ai để ý là trong những lần tuyên án, ông Liệu đều nắm lấy tay bà Dung - vợ ông. Sau khi tòa tuyên án bản án phúc thẩm, khi bà Dung nghẹn ngào kêu lên: “Oan quá! Oan quá!”, ông Liệu chỉ vỗ nhẹ vai bà rồi nói: “Không sao, vẫn còn phiên giám đốc thẩm nữa”. Vợ chồng ông vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng mình không có tội bởi họ kinh doanh và đóng thuế đầy đủ, bởi các phiên xử chỉ tuyên vợ chồng ông “buôn lậu”một phần gỗ dôi ra rất nhỏ so với số lượng gỗ mà Công ty Ngọc Hưng đã khai báo hải quan và đóng thuế đầy đủ. Chỉ là “không may”, lô gỗ bị bán mất trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Dự tòa, những vụ xử trẻ vị thành niên nhiều đến mức khiến tôi ngỡ ngàng. Lý do để những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, thậm chí chưa đủ 16 tuổi đó đánh chém nhau nhiều khi chỉ vì mời bia không uống, nghĩ là người khác nhìn đểu mình... Những thiếu niên chỉ ít phút trước còn tươi cười khi bước xuống khỏi xe chở phạm, vẫy chào “anh em” đến tham dự phiên tòa, ít phút sau nước mắt chảy dài vì những bản án kéo dài hết cả tuổi trẻ. Có lần, một nhóm thiếu niên vừa đuổi theo xe phạm, vừa khóc rống lên vì 5 người bạn của mình lĩnh mỗi người một án tù 5 - 10 năm chỉ vì “lập hội” chém nhau...

Đi viết ở tòa, về nhà bỏ cơm ảnh 1

Bị cáo Trương Huy Liệu cặm cụi sắp xếp hồ sơ vụ án để chuẩn bị tranh luận với kiểm sát viên

Đi viết ở tòa, về nhà bỏ cơm ảnh 2

Đôi vợ chồng can tội giết người quỵt nợ này (bị tuyên một án tử hình, một án chung thân) khiến đứa con gái của họ phải bỏ học cùng với nỗi đau đớn tột cùng suốt đời.         Ảnh: Giang Thanh     

MỚI - NÓNG