Vận hành liên hồ chứa Vu Gia - Thu Bồn mùa cạn:

Địa phương cần thêm nước, thủy điện đòi tăng giá

Sông Vu Gia đoạn dưới thủy điện Đăk Mi 4 trơ đáy vào mùa cạn. Ảnh: Nam Cường
Sông Vu Gia đoạn dưới thủy điện Đăk Mi 4 trơ đáy vào mùa cạn. Ảnh: Nam Cường
TP - Trong khi Đà Nẵng nói cần có thêm nước về hạ du, phía chủ đầu tư thủy điện Đắc Mi 4 kêu rằng, với dự thảo hiện tại, đơn vị này chịu thiệt hại nặng nề và đề nghị được tăng giá bán điện cho EVN.

Cục Quản lý Tài nguyên nước: “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Bộ TN&MT hôm qua tổ chức họp lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tại buổi họp, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng quan tâm nhiều đến việc vận hành xả nước từ hồ thủy điện Đắc Mi 4 về hạ lưu sông Vu Gia.

Theo ông, quy định trong dự thảo là mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m thì hồ thủy điện vận hành xả nước liên tục với lưu lượng 25m3/s.

Tuy nhiên, Đà Nẵng đề xuất nâng mực nước giới hạn ở trạm thủy văn Ái Nghĩa lên 2,8m, tức là khi mực nước ở Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,8m thì thủy điện xả liên tục với lưu lượng 25m3/s, trong trường hợp mực nước ở Ái Nghĩa từ 2,8m đến 2,93m thì xả nước liên tục 12,5m3/s, nếu mực nước ở Ái Nghĩa lớn hơn 2,93m thì xả nước liên tục 5m3/s.

Ông Viết cho hay, từ năm 2012 trở lại đây, tình trạng xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Vu Gia diễn ra trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu và hạn hán. Vì vậy, ban soạn thảo quy trình vận hành liên hồ chứa Vu Gia - Thu Bồn nên lấy thực tế nguồn nước ba năm qua làm cơ sở tính toán để đảm bảo nhu cầu nước cho vùng hạ du.

Trong trường hợp quy trình vận hành liên hồ không đảm bảo được nhu cầu như mong muốn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ông Viết đề nghị, Bộ TN&MT tham mưu cho Chính phủ cân đối ngân sách để các địa phương có kinh phí thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước.

Đà Nẵng không dọa kiện Bộ TN&MT

Tại cuộc họp hôm qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chính thức lên tiếng về thông tin Đà Nẵng dọa kiện Bộ TN&MT. Ông Viết cho hay, lãnh đạo thành phố chưa bao giờ có phát ngôn như thế.

Liên quan việc giám sát thực hiện việc vận hành các hồ theo quy trình, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, không nên giao cho Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) thực hiện nhiệm vụ này. Ông Phùng Tấn Viết cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng Cục quản lý Tài nguyên nước vừa làm đơn vị tham mưu xây dựng quy trình lại là cơ quan giám sát thì giống như vừa đá bóng vừa thổi còi. Việc giám sát nên giao cho một cơ quan độc lập.

Đắc Mi 4 muốn nâng giá bán điện cho EVN

Trong khi Đà Nẵng cho rằng cần có thêm nước về hạ du thì phía chủ đầu tư thủy điện Đắc Mi 4 là Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho rằng, với dự thảo hiện tại, đơn vị này đã chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Đào Minh Tiến, Phó Tổng giám đốc IDICO cho biết, trong trường hợp phải xả tối đa 25m3/s khi mực nước ở Ái Nghĩa là 2,53 m thì lượng điện sẽ giảm 144,58 triệu kWh (chiếm 17,6% tổng sản lượng điện hàng năm), tương đương 149,3 tỷ đồng, đồng thời gây thiệt hại cho hệ thống điện quốc gia là 142 tỷ đồng. Vì thế, việc vận hành nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 theo dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa không những gây lãng phí về điện năng mà còn lãng phí toàn bô chi phí đầu tư nhà máy do dự án không còn hiệu quả.

Đơn vị này kiến nghị trong trường hợp dự án phải vận hành theo dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, tính toán lại giá bán điện của thủy điện Đắc Mi 4 để đảm bảo dòng tiền trả nợ của dự án. Đồng thời Đắc Mi 4 cũng không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lan, tổ soạn thảo quy trình vận hành liên hồ chứa Vu Gia – Thu Bồn mùa cạn sẽ rà soát, tính toán theo đề xuất của các bên. Cố gắng trong năm nay sẽ trình Chính phủ. Việc điều chỉnh, bố sung quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp với thực tế có thể thực hiện trong quá trình vận hành quy trình.

MỚI - NÓNG