Dịch cúm gia cầm: Bùng phát thêm 22 điểm

Dịch cúm gia cầm: Bùng phát thêm 22 điểm
Theo Cục Thú y, trong ngày 31/1 dịch cúm gia cầm đã bùng phát thêm 22 điểm tại 13 xã, 9 huyện của 6 tỉnh là Long An, TP Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu, Phú Thọ và Hải Dương.

Số gia cầm chết, tiêu hủy là 12.384 gà, 19.113 vịt, ngan và 3000 chim cút. Những tỉnh phát dịch nặng  bao gồm: Long An liên tục từ ngày 1/1 đến 31/1/2005 đã có thêm 230 điểm phát dịch ở 69 xã thuộc 14/14 huyện, thị xã; số gia cầm chết và tiêu hủy là 90.449 gà, 89.171 vịt, ngan và 174.400 cút.

Bạc Liêu từ ngày 2 - 31/1 đã có 134 điểm phát dịch ở 33 xã thuộc 6/6 huyện, thị xã; số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.839 gà; 144.194 vịt, ngan. Hải Dương từ 17/1 đến 31/1/2005 đã có 21 điểm phát dịch ở 17 xã thuộc 8 huyện, thành phố. 

Trong thời gian 22 ngày (từ 9 - 31/1) 2 tỉnh Hà Nam và Bình Phước không phát thêm dịch. Nếu tính 20 ngày, từ 11 đến 31/1, Hậu Giang và Cà Mau không phát thêm dịch. 

Hà Nội: Bệnh nhân thứ hai nhiễm H5N1

Bác sỹ Nguyễn Thị Tường Vân – Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TW vừa khẳng định một bệnh nhân Hà Nội nhiễm virus H5N1.

Bệnh nhân này được đưa đến điều trị tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới từ ngày 25/1. Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đang tiến triển tốt. Bệnh nhân Hà Nội đầu tiên được khẳng định nhiễm virus H5N1 là ông Phạm Xuân Quỳ - 66 tuổi, nhập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ngày 23/1. 

Nghệ An: Dịch xuất hiện ở 3 huyện

Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu của Nghệ An. Tại Diễn Châu, dịch cúm xuất hiện tại trại gà của ông Nguyễn Đức Hơn thuộc xóm 16 xã Diễn Yên, đàn gà chết trên 1.000 con. Chi cục Thú y tỉnh lấy 4 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, kết quả xác định có virus cúm H5N1.

Tại Hồng Thành (huyện Yên Thành) có 2 đàn gà chăn nuôi tập trung bị chết, với biểu hiện của dịch cúm; ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu), một đàn gà chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Chi cục Thú y Nghệ An đã lấy mẫu xét nghiệm. Tổng số đàn gà đã chết, tiêu hủy của 3 huyện nói trên lên tới hơn 1.100 con. Đến nay chưa phát hiện dịch cúm tiếp diễn thêm ở địa phương nào trong tỉnh.  

TP. Hồ Chí Minh: Sau ngày 6/2, chuyển các trại vịt giống ra khỏi địa bàn

Ngày 1/2, Văn phòng UBND TPHCM đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thiện Nhân: Chậm nhất đến ngày 6/2, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải tổ chức ngay việc tiêu hủy toàn bộ số lượng đàn vịt đã nhiễm virus H5 xét nghiệm trước đó, đồng thời sau ngày 6/2, toàn bộ các trại vịt giống phải được di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố. Trên địa bàn TPHCM sẽ không nuôi, thả vịt.

MỚI - NÓNG