Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Dịch sởi, nóng chỉ đạo, lạnh thực hiện!

Dịch sởi đang nóng lên từng ngày cả trên thực tế lẫn công tác chỉ đạo. ảnh: Thái hà
Dịch sởi đang nóng lên từng ngày cả trên thực tế lẫn công tác chỉ đạo. ảnh: Thái hà
TP - Chiều qua (18/4), tại cuộc họp báo về dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam đã có dịch sởi. Ông Long cũng cho rằng: “Có chuyện nóng về chỉ đạo nhưng lạnh về triển khai thực hiện tại một số địa phương”. Liệu thực tế có đúng như vậy ?

Tại cuộc họp báo lần đầu tiên được tổ chức trong suốt hơn 4 tháng dịch sởi hoành hành, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhận được hàng chục câu hỏi của các phóng viên. Nhưng “nóng” nhất vẫn là vấn đề vì sao Bộ Y tế không công bố dịch.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách dịch bệnh vẫn “né” câu trả lời về nguyên nhân không công bố dịch sởi. Ông Long cho biết: “Không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Hiện VN đã có dịch sởi. Theo quy định chỉ cần 3 ca bệnh sởi trong đó có 2 ca dương tính với virus đã được gọi là dịch”. Ông Long cho biết thêm, hiện nay nhiều nước không dùng từ “công bố dịch” nữa mà dùng từ “thông báo dịch”.

Theo đó, nếu dịch bệnh diễn ra, quốc gia không thể kiểm soát được thì sẽ là thông báo tình trạng khẩn cấp hoặc công bố dịch. Lúc đó sẽ áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ như hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế và cách ly, đóng cửa trường học…

Trước chất vấn của các phóng viên về việc Bộ Y tế xử lý dịch chậm khiến nhiều ca tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp từ tiêm vét vắc-xin sởi, cùng với đó là hàng loạt công văn, công điện chỉ đạo, đề nghị chính quyền các địa phương vào cuộc. Tuy nhiên, có chuyện nóng về chỉ đạo nhưng lạnh về triển khai thực hiện tại một số địa phương”.

Liệu đã “nóng” về chỉ đạo?

Lý giải của Thứ trưởng Long cho rằng, “nóng trong chỉ đạo, song lạnh trong triển khai thực hiện” hẳn sẽ khó thuyết phục được dư luận. Bởi thực tế phải đợi đến sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân thị sát tình trạng dịch sởi trầm trọng tại BV Nhi T.Ư thì 1 ngày sau Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới xuống điểm nóng này, kể từ đầu vụ dịch. Tiếp đó, Thủ tướng liên tiếp có 2 quyết định đề nghị ngành y tế ráo riết dập dịch, xuất kho hỗ trợ máy thở cùng khoản tiền hơn 80 tỷ phòng chống dịch sởi thì Bộ Y tế mới có hướng dẫn phòng chống dịch, sau gần 4 tháng dịch gây họa khiến hơn 100 trẻ tử vong.

Dịch sởi, nóng chỉ đạo, lạnh thực hiện! ảnh 1

Một cháu bé mắc sởi đang điều trị tại BV Saint Paul (Hà Nội). Ảnh T.Hà

Lại nhớ chỉ 10 ngày trước (8/4), trong cuộc họp trực tuyến về dịch sởi, Bộ Y tế khẳng định đã qua đỉnh dịch và số mắc giảm nhiều, trong tuần thứ 14 của năm 2014 chỉ có 24 ca mắc. Đại diện y tế Hà Nội cũng hồ hởi cho hay hết tháng 4 sẽ không còn thêm bệnh nhân sởi mắc mới. Thế nhưng, tại thời điểm đó BV Nhi T.Ư vẫn tiếp nhận tới gần 40 bệnh nhân/ngày.

Sự chỉ đạo không quyết liệt, vào cuộc chậm, những báo cáo, nhận định của Bộ Y tế về dịch sởi luôn có sự “vênh” nhất định khiến người dân hoang mang. Phải chăng Bộ Y tế không đánh giá đúng diễn biến của dịch sởi dẫn tới bị động trong phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận?

Rà soát 112 ca tử vong tìm bất thường dịch sởi

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, đồng thời là Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ đã giao cho Viện chủ trì đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Đặc điểm dịch học, miễn dịch học, virus học và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở VN năm 2013-2014 ”. GS Hiển cho biết, trước thực trạng dịch sởi bất thường như hiện nay nên việc nghiên cứu là cấp bách để lý giải vì sao số trẻ tử vong lại cao, các ca bệnh lại nặng và tập trung nhiều ở lứa tuổi dưới 9 tháng...

“Trong dịch bệnh cần thông tin nhanh và minh bạch để có thể xử lý tốt, nếu công bố số ca tử vong sớm sẽ huy động được cộng đồng vào cuộc để hạn chế. Nhưng công bố dịch cũng lại phải tính đến các vấn đề khác như ngoại giao, giao thương,
du lịch...” .

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế T.Ư

Theo GS Hiển, trong hai năm 2009 và 2010 chỉ ghi nhận 4 ca tử vong do sởi nhưng trong hơn 4 tháng qua đã có tới 114 bệnh nhi tử vong vì sởi và các bệnh liên quan đến sởi là vấn đề bất thường cần nghiên cứu. Được biết các nhà khoa học sẽ hồi cứu lại hồ sơ bệnh án của 112 ca bệnh đã tử vong và các bệnh án của bệnh nhân từ nhẹ đến nặng để tìm sự khác biệt với các dịch sởi trước đây.

Tại Hà Nội, bệnh hiện nay chưa có chiều hướng giảm, mỗi tuần ghi nhận hơn 300 ca nghi sởi. Hôm qua, BV Nhi T.Ư đang điều trị cho 257 bệnh nhân sởi, còn tại BV Saint Paul cũng có gần 100 trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi đang điều trị, phải nằm ghép. Hiện mỗi ngày có khoảng 5-10 bệnh nhân nhập BV Nhi T.Ư vì sởi, giảm hơn so với vài ngày trước.

Để tránh tình trạng quá tải gây lây chéo bệnh, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho hay đã chuyển những bệnh nhi trong giai đoạn thoái trào bệnh về tuyến dưới hoặc về nhà rồi đến viện khám lại hằng ngày.

Ngày 18/4, Bộ Y tế cho biết đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng, chống bệnh sởi tại Hà Nội và TPHCM để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, giảm số ca mắc và tử vong do bệnh sởi, tăng cường truyền thông.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.