Dịch sốt xuất huyết gia tăng: Không để người dân phải chết oan

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống SXH tại TPHCM. Ảnh: Anh Tuấn
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống SXH tại TPHCM. Ảnh: Anh Tuấn
TP - Đây là yêu cầu của của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm 2019 sáng 19/7 tại TPHCM.

Hơn 96.000 người mắc

Theo số liệu kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến hiện tại, cả nước có 96.002 trường hợp mắc SXH, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có tổng cộng 7 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết, hiện số liệu dịch bệnh tại một số bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM đều đang ở trong tình trạng báo động. "Đơn cử như tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM thực kê chỉ có 1924 giường nhưng đến hiện tại đã có 2.034 bệnh nhân đang nằm nội trú điều trị; tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, số chênh lệch giữa giường bệnh và bệnh nhân đã hơn 130 người. Do đó, trước dự báo dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ quá tải bệnh viện là rất cao"- ông Khoa cho hay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận chính việc quá tải bệnh viện trong điều trị bệnh nhân dẫn đến việc cán bộ y tế lơ là trong việc sàng lọc và phân loại bệnh, để bệnh nhân SXH giai đoạn nặng nằm lẫn với bệnh nhân nhẹ và bệnh nhân mắc các bệnh khác.

 “Chỉ có 5-10% bệnh nhân nặng đã hoặc sắp vào sốc SXH, còn lại là những bệnh nhân thể nhẹ, có thể theo dõi, điều trị ở các cơ sở tuyến dưới. Tuy nhiên, vì phân loại bệnh không tốt và vì tự chủ tài chính, một số bệnh viện cứ bao nhiêu bệnh nhân vào cũng nhận khiến cho tình trạng lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân nặng và bệnh nhẹ với nhau"- Bộ trưởng lý giải đồng thời yêu cầu:"Phải khắc phục ngay tình trạng này, không thể cứ bao nhiêu bệnh nhân vào cũng nhận” và yêu cầu các y, bác sĩ của cần nhận định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân SXH, tránh việc xử trí trễ khiến bệnh nhân tử vong. “Không thể để bệnh nhân chết oan”, bà Tiến yêu cầu.

Nguy cơ bùng phát dịch diện rộng

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 80 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP. HCM.  Các tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết hàng tuần tăng cao và có số ca mắc tích luỹ tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 là Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Đắc Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp,Gia Lai, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long.

Các tỉnh có số ca mắc/100.000 nghìn dân cao nhất nước là Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2019 và duy trì 1 tuần/ 1 lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia. Ngành y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh. Tổ chức phun hoá chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hoá chất xử lý triệt để khi phát hiện những ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.

MỚI - NÓNG