Dịch tiêu chảy cấp diễn biến nguy hiểm

Dịch tiêu chảy cấp diễn biến nguy hiểm
TP - Theo Bộ Y tế, đến ngày 31/10, tại 5 tỉnh/thành gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên đã có 111 ca nghi tiêu chảy cấp, trong đó đã xác định 33 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Dịch tiêu chảy cấp diễn biến nguy hiểm ảnh 1

Người tiêu dùng cần thận trọng để không mua phải các loại thực phẩm không đảm bảo VSATTP. Ảnh: Phạm Yên

Cảnh giác với dịch bệnh, nhiều người dân khi đau bụng, đi ngoài ở mức độ nào cũng tới nhập viện tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia khiến bệnh viện này lâm vào tình trạng quá tải. 

Có mặt tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia ngày 31/10, đã có thêm rất nhiều bệnh nhân nghi mắc tiêu chảy cấp nhập viện. Một bác sỹ của Viện cho biết, ngày 30/10 có khoảng 40 ca nhập viện, trong ngày 31/10 con số tăng gấp đôi, các bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi trung niên.

Phần lớn đều cho biết từng nhậu thịt chó mắm tôm hoặc ăn tiết canh. Rất nhiều người đã tự điều trị ở nhà bằng berberin nhưng không khỏi.

Cũng theo bác sỹ này, khi mắc vi khuẩn gây tiêu chảy cấp, thời gian ủ bệnh trung bình là 5 ngày, song cũng có trường hợp bị sau 2 tiếng đồng hồ ăn mắm tôm. Khi phát bệnh, người bệnh không sốt mà chỉ sôi bụng, nôn mửa và đi ngoài liên tục.

Các bác sỹ điều trị khuyến cáo người bệnh không nên tự điều trị bằng uống berberin hoặc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc cầm tiêu chảy nào khác. Việc đi ngoài cũng là con đường thải loại bớt vi khuẩn gây bệnh. Uống thuốc cầm có thể làm tắc ruột, dẫn đến vỡ ruột rất nguy hiểm.

Với bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, kháng sinh chỉ là biện pháp thứ phát. Quan trọng nhất là bù nước do mất nước. Vì vậy, người bệnh không nên tự điều trị mà nên đến ngay cơ sở y tế để khám và truyền dịch.

Tại Viện Nhi T.Ư, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết,  trong vòng 2 tuần, bệnh nhi mắc tiêu chảy cấp gia tăng đáng kể. Mỗi ngày có tới 30 – 40 bệnh nhân khám và nhập viện trong khi thông thường cao nhất chỉ từ 15 – 20 cháu.

Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi nhập viện muộn khiến quá trình điều trị kéo dài. Điều trị muộn khiến trẻ nhỏ mắc tiêu chảy cấp suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ hiện được xác định do Rotavirus - không giống tiêu chảy cấp nguy hiểm ở người lớn, nhưng vẫn cần phải tăng cường phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm nhạy cảm này.

Bác sĩ Lộc khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy trẻ mắc tiêu chảy nên đưa trẻ đi khám sớm. Để phòng bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn tươi, nấu chín; không được ăn thức ăn để lâu, thức ăn để trong tủ lạnh, tránh mua thức ăn sẵn cho trẻ, kể cả đồ siêu thị.

Huy động cả học sinh, sinh viên chống dịch

Sở Y tế Hà Nội đã có phương án, nếu dịch lan rộng sẽ huy động khoảng 1.700 học sinh các trường cao đẳng, đại học và lực lượng bộ đội tham gia tuyên truyền, phát tờ rơi, hỗ trợ chống dịch.

Trong ngày hôm nay (1/11), Bộ Y tế sẽ triệu tập các tỉnh phía Bắc tập huấn liên tục về giám sát bệnh, kỹ thuật xét nghiệm và phác đồ điều trị. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Vụ Điều trị, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi đơn vị thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát phòng chống dịch tiêu chảy.

Các đoàn công tác có nhiệm vụ triển khai công tác dập dịch khẩn cấp tại các tỉnh đang có dịch, khoanh vùng xử lý triệt để môi trường, chất thải bệnh nhân tiêu chảy cấp; hướng dẫn các tỉnh/huyện triển khai uống thuốc dự phòng cho gia đình các bệnh nhân.

Cục Quản lý Dược Việt Nam ngày 31/10 cũng có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm, khoa dược của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi địa bàn chuẩn bị cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp, các loại thuốc khử trùng vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra.

Tổng Cty Dược Việt Nam và các Cty sản xuất và xuất nhập khẩu thuốc có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp; khẩn trương khai thác nguồn hàng để sản xuất và nhập khẩu ngay dịch truyền và một số loại kháng sinh như Azithoromycin, Cefotaxime, kháng sinh thuộc nhóm Quinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin) phục vụ cho công tác điều trị và phòng chống dịch.

Cục Quản lý Dược Việt Nam sẽ trực 24/24h để giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc phòng chống dịch bệnh khi có đề nghị nhập khẩu của các đơn vị.

6 thông điệp an toàn thực phẩm phòng chống bệnh tiêu chảy cấp

Cục ATVSTP, Bộ Y tế đưa ra 6 thông điệp an toàn thực phẩm phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, cụ thể:

1. Thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống.
2. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống.
3. Dụng cụ, bát đũa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng nước sôi.
4. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, mưa gió, bụi bặm.
5. Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
6. Thực hiện 6 không:
(1) Không ăn rau sống.
(2) Không ăn tiết canh.
(3) Không ăn mắm tôm, mắm tép sống.
(4) Không ăn gỏi cá, hải sản sống
(5) Không ăn nem chạo, nem chua.
(6) Không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.

MỚI - NÓNG