Dịch tiêu chảy cấp lan rộng tới 8 tỉnh

Dịch tiêu chảy cấp lan rộng tới 8 tỉnh
TP - Hôm qua 2/11, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp, nâng tổng số tỉnh có dịch lên 8 tỉnh. Điều nguy hiểm là đã phát hiện một số trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

>> Huy động cả hệ thống chính trị dập tắt dịch tiêu chảy

Dịch tiêu chảy cấp lan rộng tới 8 tỉnh ảnh 1
Bệnh nhân tiêu chảy cấp điều trị tại BV Đống Đa (Hà Nội).  Ảnh: M.H

Tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia, trung bình mỗi ngày có 40 - 50 bệnh nhân mới nhập viện, trong khi chỉ có 140 giường bệnh. Tính đến ngày 2/11, đã có 140 ca nghi mắc tiêu chảy cấp, trong đó 108 ca qua soi tươi xác định dương tính.

Viện đã giải phóng 2/3 số giường bệnh khác để nhường chỗ cho bệnh nhân tiêu chảy cấp nhưng người bệnh vẫn phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Các bác sĩ đã phải đề xuất mua thêm giường bạt và chiếu nằm để có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.

“Chúng tôi đề nghị tăng thêm số giường vì bệnh nhân vào ngày một đông, trong khi đó, để làm đầy đủ 2 - 3 lần xét nghiệm, mỗi bệnh nhân ít nhất phải lưu lại viện 10 ngày” - TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng, cho biết.

Tại Bệnh viện Đống Đa, trong sáng 2/11 có 35 bệnh nhân tiêu chảy cấp đang điều trị, trong đó 15 trường hợp xác định dương tính, 1 trường hợp nguy kịch phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Bệnh viện Saint - Paul đến nay đã có khoảng 50 bệnh nhân nhập viện. Riêng đêm 1/11, rạng sáng ngày 2/11 đã có 17 ca, trong đó có 2 ca sốt cao.

Bà Nguyễn Thị Bích Đào - Giám đốc Bệnh viện Đống Đa - cho biết: Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện lần này diễn biến phức tạp hơn, lan rộng hơn. Trước đây, dịch thường chỉ xuất hiện ở 1 - 2 quận và được dập nhanh chóng nhưng nay đã lan ra 12 quận và chưa được dập tắt.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Vệ sinh phòng dịch ngày 2/11, ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - đề nghị xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng tả. Đặc biệt, cần triển khai ở những vùng bị lũ lụt, cần thành lập một hội đồng để quyết định việc này.

Hiện tại Cty Vaccine và Sinh phẩm số 1 đã sản xuất được vaccine phòng tả và đã xuất khẩu ra một số nước.

Sẽ có quy trình tiêu hủy mắm tôm

Mắm tôm được coi là nguyên nhân số một gây ra dịch tiêu chảy cấp. Điều tra của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tại 7 cơ sở thuộc 2 xã Thanh Hải, Hậu Lộc (Thanh Hóa) chuyên sản xuất cho thấy, mắm tôm ở đây đặc quánh, trong khi mắm tôm bán tại Hà Nội lại loãng. Điều này cho thấy khi về đến các tỉnh phía Bắc, mắm tôm đã được pha chế.

Hà Tây: 100% bệnh nhân ăn thịt chó tại các đám cưới

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Tây - cho biết: “Đến tối 2/11, đã có 64 người mắc tiêu chảy, tập trung ở 9/14 huyện. Điều đặc biệt là tất cả đều ăn thịt chó tại các đám cưới. Có cháu bé mới 10 tháng tuổi, hoặc 2 tuổi cũng bị bệnh.

Hầu hết bệnh nhân đều ở mức độ nhẹ nên vẫn đang điều trị ở tuyến xã, huyện. Sáng nay 3/11, 7 đoàn kiểm tra của Sở đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở toàn tỉnh”.

Các mẫu mắm tôm lấy tại cơ sở này mang về xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, nên liệu khâu pha chế có phải là nguồn phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tiếp tục điều tra làm rõ nguồn nguyên phát, đồng thời khẩn trương xây dựng quy trình xử lý mắm tôm.

Hiện nay nhiều người dân băn khoăn không biết xử lý số mắm tôm hiện có như thế nào. Có ý kiến là đun sôi rồi đổ đi. Nhưng ai đun, đun thế nào, số chai lọ dính mắm tôm xử lý ra sao… cần được quy định rõ.

Ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - cho biết: Tuần tới Cục sẽ trình Bộ Y tế quy trình tiêu hủy mắm tôm để Bộ ban hành cho người dân thực hiện.

Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nếu dịch lan rộng

Dịch tiêu chảy cấp lan rộng tới 8 tỉnh ảnh 2

Chiều 2/11, TS Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Y tế - đã đi kiểm tra công tác vệ sinh thực phẩm ở chợ Hôm - Đức Viên và công tác điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng đã có Công điện số 1638/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Theo Công điện, hiện nay tại Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ... lũ lụt tạo điều kiện cho mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện và lan rộng, trong đó đã phát hiện một số trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh do ăn uống mất vệ sinh, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, rau sống... Đây là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan rộng thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng yêu cầu UBND các cấp, các Bộ, ngành chức năng tập trung huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, trước hết là giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt. Không ăn thức ăn tươi sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là không ăn các loại mắm, thực phẩm sống (tiết canh, gỏi hải sản, rau sống...).

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trực tiếp chỉ đạo và giám sát UBND tuyến huyện, xã triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức giám sát, phát hiện sớm khoanh vùng các ổ dịch tiêu chảy cấp, tập trung lực lượng xử lý triệt để ngay từ đầu, tuyệt đối không để được lây lan.

Đặc biệt chú trọng việc khử khuẩn, khử trùng nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, hàng quán ăn uống, bếp ăn tập thể, dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm hiện là nguồn lây truyền bệnh.

Xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bệnh viện, cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền để điều trị tích cực và hiệu quả ngay tại chỗ có bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc phòng lây nhiễm bệnh trong bệnh viện, hạn chế chuyển tuyến điều trị.

Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lan rộng. Định kỳ hàng ngày tổng hợp diễn biến tình hình, báo cáo Thủ tướng.  

MỚI - NÓNG