Dịch tiêu chảy cấp tiếp tục lan rộng

Dịch tiêu chảy cấp tiếp tục lan rộng
TP - Ngày 11/4, Bộ Y tế xác nhận thêm 3 địa phương là Cà Mau, Gia Lai và Đà Nẵng đã xuất hiện những ca tiêu chảy cấp đầu tiên. Như vậy, đến nay dịch tiêu chảy đã xuất hiện ở cả 3 miền đất nước và chưa có xu hướng chững lại.

Hôm nay (12/4), Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến kiểm soát, phòng lây lan dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Dịch tiêu chảy cấp tiếp tục lan rộng ảnh 1
Cần cẩn thận với thức ăn đường phố

TPHCM: Lấy mẫu rau sống kiểm tra khuẩn tả

Ngày 11/4, thông tin từ UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo TP sẽ đi kiểm tra đột xuất các hộ dân về kiến thức phòng chống tiêu chảy cấp. Nếu hộ dân nào nói không biết tiêu chảy cấp và các biện pháp phòng tránh thì chính quyền địa phương sẽ bị kiểm điểm.

Theo bác sĩ Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, qua cấy phân người  của  bệnh nhân mắc khuẩn tả từ Hải Phòng vào trước đó, và kiểm tra mẫu nước giếng khoan tại khu vực này thì thấy có khuẩn tả, nhưng phải chờ điều tra tiếp mới có kết luận.

Hiện tại, tất cả những khu vực có nguy cơ nhiễm khuẩn tả cao đã được khử khuẩn và các mẫu thực phẩm, mẫu nước giếng, nước cống tại khu vực nhà bà Mới (người đầu tiên ở TPHCM mắc bệnh) đã được gửi kiểm nghiệm. Khu vực đường ray xe lửa, ga Hòa Hưng được đặt trong tình trạng nguy cơ cao và được chỉ đạo giám sát, khử khuẩn, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm triệt để.

Thanh Hoá:  79 bệnh nhân tiêu chảy cấp

Từ ngày 25/3 –10/4,  toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 79 bệnh nhân bị bệnh tiêu chảy cấp tập trung ở các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Quảng Xương, Nga Sơn. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, bước đầu có 37 mẫu dương tính với phẩy khuẩn tả.

Ngoài số bệnh nhân được trị bệnh tại chỗ, các bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 36 lượt bệnh nhân, điều trị dự phòng cho 1.325 đối tượng. Lực lượng chống dịch đã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại 3.190 hộ gia đình ở 42 thôn, vùng có dịch; kiểm tra 39 mẫu nước ở 11 cơ sở cung cấp nước tập trung, đo nồng độ clo dư trong nước cuối nguồn tại các cơ sở cung cấp nước.

Quảng Ninh: 10 mẫu xét nghiệm nghi nhiễm khuẩn tả âm tính

Chiều qua (11/4), Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh (TTYTDP) cho biết, ngay sau khi phát hiện 2 bệnh nhân  mắc tiêu chảy cấp là Nguyễn Mạnh Đễ và Dương Thị The trú tại Mạo Khê, Đông Triều (Quảng Ninh), những người đã ăn rau sống và thịt chó tại Hà Nội trớc khi về tới Quảng Ninh, ngày 10/4 TTYTDP Quảng Ninh đã tiến hành xét mẫu phân của 10 người cùng ăn cùng ở với 2 bệnh nhân tiêu chảy cấp trên và đã cho kết quả âm tính với khuẩn tả.

TTYTDP cũng cho biết, hiện chỉ còn một bệnh nhân nữ tại Móng Cái đang được theo dõi vì bị nghi mắc tiêu chảy cấp và cơ quan chức năng đang tiến hành xét nghiệm kiểm tra.

Cà Mau: 11 người ngộ độc mắm tôm, thịt chó, cà pháo

Chiều ngày 11/4/2008, Đinh Công Sử, điều dưỡng trực Khoa nhiễm Bệnh viện Thới Bình, cho biết 11 ca ngộ độc thực phẩm đang hồi phục, điều trị tiếp. Trong đó, các bệnh nhân còn đau bụng, tiêu chảy, có 3 người còn truyền nước.

Trước đó, lúc 15 giờ 50 ngày 9/4/2008, Bệnh viện huyện Thới Bình tiếp nhận 11 người bị đau bụng, tiêu chảy sau bữa cơm trưa. Họ là công nhân của Cty xây lắp điện 4, xây dựng đường dây điện tại thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình). Các bệnh nhân cho biết, đã ăn thịt chó, mắm tôm, cà pháo, canh mồng tơi. Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vì nghi ngờ bệnh tả.

Trà Vinh: Cấp cứu 43 người có triệu chứng tiêu chảy cấp

Từ 8 - 11/4, Bệnh viện Đa khoa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) tiếp nhận cấp cứu 43 người bị sốt cao, đau bụng, đau đầu, ói, tiêu chảy ngoài nhiều lần với triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp. Trong đó, 9 người tương đối ổn định sức khỏe đã về nhà, còn 34 người đang nằm điều trị và phải truyền dịch.

Các bệnh nhân này ở rải rác 8 xã, thị trấn trong huyện đều ăn bánh mì mua ở thị trấn Cầu Kè. Bác sĩ Nguyễn Thành Quân, GĐ Bệnh viện cho biết đã gởi mẫu xét lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

MỚI - NÓNG