Dịch vụ chăm người ốm dịp Tết: 500.000 đ/ngày

Dịch vụ chăm người ốm dịp Tết: 500.000 đ/ngày
TPO - Chăm người ốm là công việc vốn đã kén người, vào dịp Tết lại càng khó khăn hơn. Tại Hà Nội, tiền công trông người bệnh vào dịp Tết lên tới 500.000 đồng/ngày, nhưng nhiều gia đình cũng không tìm được người chăm nếu không đặt lịch từ trước.

Vào mỗi dịp Tết, dịch vụ chăm sóc người bệnh lại trở nên nóng hơn bao giờ hết, do đa phần người làm việc này là người ngoại tỉnh – Tết đến ai cũng muốn sum họp với gia đình, nên vốn đã thiếu người nay lại càng thiếu hơn.

Tại khoa A1, bệnh viện 108, bà Lê  Thu Thảo có chồng bị bại liệt nhiều năm cho biết: “Gia đình tôi phải chật vật mãi mới tìm được người chăm sóc ưng ý và cũng phải thuyết phục mãi mới được họ đồng ý ở lại qua Tết chăm ông nhà”.

Trong khi tiền công chăm bệnh nhân vào ngày thường từ 130.000 – 170.000 đồng/ngày thì vào dịp Tết là 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Để tiện tính tiền công chăm nom ngày Tết của người chăm bệnh nhân được tính thành 10 ngày bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến mồng 5 Tết, nên sau Tết nhiều người cũng có một khoản để lo việc cho gia đình.

“Chị em làm nghề này cả năm đi làm suốt, đến Tết ai cũng muốn về quê với gia đình nên dù được trả công cao nhiều người cũng không chịu làm”. Chị Phạm Thị Thanh, (quê Cẩm Khê,  Phú Thọ) có thâm niên chăm sóc bệnh nhân chia sẻ.

Những người ở lại chăm bệnh nhân vào dịp Tết chủ yếu là những người có có kinh nghiệm và cũng vì gắn bó với bệnh nhân lâu ngày. Trong 10 ngày đó nhiều người linh động chia đôi, từ 25 đến 30 và từ 30 đến mùng 5 Tết để thay nhau về nhà.

“Tới thời gian này thuê người còn dễ chứ  tới ngày 25 Tết là khó đấy. Vì tới lúc đó người làm đã kín lịch, còn lại đã về quê lo Tết, muốn thuê thì phải xếp lịch ngay. Mức giá thì tùy theo tình trạng bệnh nhân, có nuôi ăn hay không, chăm tại bệnh viện hay chăm ở nhà, chăm ở nhà có làm thêm việc nhà không, chăm thường xuyên hay theo ca”. Cô Ngô Thị Chi một đầu mối cung cấp người chăm bệnh nhân tại bệnh viện Hữu Nghị hỏi rành rọt khi chúng tôi đề cập tìm người chăm cho người nhà vào dịp Tết.

Chị Chi cũng chia sẻ thêm: Ở đây chủ yếu là những người đã từng làm việc lâu năm chia sẻ thông tin cho nhau tránh gặp “cò mồi”. Chăm người ốm thì nam cũng có, nữ cũng có tùy theo như cầu của bệnh nhân và người nhà. Nam thì xốc vác khỏe mạnh nhưng phụ nữ thì tỉ mẩn và có thể tranh thủ làm thêm việc nhà. Có nhiều gia đình còn chọn cả hình thức dễ nhìn, đến chăm thậm chí phải khoác áo blu trắng để bệnh nhân cảm thấy yên tâm như đang có y tá chăm sóc!

Trao đổi với chúng tôi bà Thu Cúc, Công ty TM Việt Tín nói: Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân là nghề có thu nhập cao, nhưng đây là một công việc đặc thù không phải ai muốn làm cũng được. Không chỉ biết chăm ăn uống vệ sinh mà còn phải biết nói chuyện, động viên, đọc sách… và quan trọng nhất là phải biết cho người bệnh uống thuốc đúng lịch, đúng liều.

Cả làng đi chăm người ốm

Chị  Thanh (43 tuổi, quê Cẩm  Khê, Phú Thọ) cho biết từ khi làm công việc này cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn, cũng lo được cái  ăn cái mặc cho các cháu. Trong làng người này bảo người kia ai cũng muốn đi làm để có thêm thu nhập nên hầu như đến bệnh viện nào cũng có thể gặp người làng.

Nhưng không phải ai cũng làm được vì muốn làm công việc này đòi hỏi phải có tâm, phải coi bệnh nhân như người nhà. Thế nên nhiều người có thể sống tốt với nghề chăm sóc bệnh nhân, nhưng cũng nhiều người đã bỏ ngang vì không chịu được khổ.

Những ai ở lại chăm bệnh nhân vào dịp Tết dù là những người có kinh nghiệm nhưng đều không khỏi chạnh lòng khi Tết phải xa nhà.

Chị  Diến (30 tuổi, quê Thái Bình) bắt đầu công việc chăm bệnh nhân tại bệnh viên từ lúc tiền công còn 50.000 đồng/ngày cơm ăn 3000 đồng/ suất, đến nay thấm thoát đã 6 năm với 3 cái Tết trong bệnh viện. Chị đã làm từng làm ở bệnh viện E, Bạch Mai, Việt Đức, Thanh Nhàn, 108 trong đó 3 năm ăn Tết cùng bệnh nhân tại bệnh viện 108.

“Nhớ cái Tết đầu tiên ở bệnh viên, tôi thức chong chong vì nhớ nhà muốn khóc mà không dám khóc vì sợ ảnh hưởng tới bệnh nhân với lại Tết ai lại khóc! Nhưng rồi quen dần, chúng tôi coi nguời bệnh như nguời nhà nên cũng bớt phần tủi thân”.

Chị Thanh có hoàn cảnh khó khăn hơn khi có 2 con mà chồng lại nghỉ mất sức nên 4 năm đi làm thì 4 cái Tết chị đều ở lại chăm bệnh nhân. Chị nói: “Tết đến ai chẳng nhớ nhà, nhớ con nhưng nghĩ đến 2 đứa con đang học đại học thì phải cố, hi vọng ra Tết có thêm một khoản lo cho gia đình”.

MỚI - NÓNG