Dịch vụ giao hàng nhộn nhịp thời dịch nCoV

Các shipper của Grab và GoViet đang xếp hàng nhận đơn từ một cửa hàng đồ uống trên đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội Ảnh: Võ Hóa
Các shipper của Grab và GoViet đang xếp hàng nhận đơn từ một cửa hàng đồ uống trên đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội Ảnh: Võ Hóa
TP - Thời dịch nCoV, thay vì đến các địa điểm đông người, nhiều người sử dụng dịch vụ shipper (người giao hàng) để mua sắm hàng hóa, thực phẩm. Dịch vụ này vì thế cũng đắt hàng và kèm theo nhiều nguy cơ.

Gần 22h00 đêm tại tòa nhà NC1, chung cư Coma18 (quận Hà Đông, Hà Nội), trời mưa, lạnh, Lê Quang Tòng vẫn cố liên hệ khách để giao nốt đơn hàng. Anh Tòng năm nay 35 tuổi, có thâm niên 3 năm trong nghề giao hàng ở Hà Nội. Những ngày qua, mặt hàng ship nhiều nhất là khẩu trang và nước rửa tay khô. Đang dịch nCoV, nhu cầu của người dân về mặt hàng này gia tăng nên số lượng gọi xe quá tải. Nhân viên đưa hàng làm việc liên tục vẫn không thể đúng hẹn, có nhiều người gọi điện liên tục, thậm chí còn dọa sẽ hạ điểm shipper.

Anh Tòng cho biết có thời điểm cả người nhận lẫn người giao rất căng thẳng, nhưng vì công việc nên anh vẫn phải chấp nhận.

“3 tuần nay, lượng người đặt hàng qua mạng tăng gần gấp đôi. Thông thường, mỗi ngày tôi chỉ giao khoảng 30 đơn, nhưng đợt này có ngày phải nhận 50 đơn, buộc phải làm thêm giờ. Ngoài một số đơn quan trọng phải giao ban ngày, tôi thường gom các đơn cùng trên địa bàn một quận rồi hẹn khách hàng vào khung giờ tối. Có nhiều người không hài lòng nhưng vì số lượng đơn tăng đột biến, tôi phải nói khó với họ, mong được  thông cảm. Nhiều đơn hàng không giao kịp, đành phải hẹn sang hôm sau. Trời lạnh, vất vả nhưng nếu cố gắng thì một ngày cũng có thể dư ra khoảng 600.000 đồng”, anh Tòng nói.

Ông Nguyễn Thanh Hải, tài xế xe ôm công nghệ của Grab thay vì chỉ chở khách như trước, quyết định mở thêm ứng dụng giao nhận hàng hóa, đồ ăn cho khách. Ông Hải cho biết, khi dịch corona lây lan, người dân hạn chế ra ngoài, lượng khách đặt xe giảm hẳn, trong khi đó dịch vụ giao, nhận hàng trên điện thoại di động tăng lên đáng kể.

“Ngày trước, thu nhập từ việc chở khách của tôi khá tốt, nếu chăm chỉ một ngày cũng thu về 300.000 - 500.000 đồng. Thế nhưng, từ thời điểm ra Tết, lượng khách giảm hẳn, trong khi các ứng dụng khác như giao nhận đồ đạc, thức ăn lại đông người sử dụng. Tìm hiểu mới biết vì dịch corona, người dân ngại đến các hàng quán đông người nên đặt hàng qua mạng”, ông Hải nói.

Để duy trì thu nhập, ông Hải quyết định nhận thêm việc giao nhận hàng hóa, đồ ăn thay vì chỉ chở khách. Tận dụng mối quan hệ, sắm thêm cho mình một túi đựng đồ ăn chuyên dụng, ông được một cửa hàng cơm tại trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận vào làm shipper.

“Lượng người đặt cơm trưa online nhiều, cửa hàng có 2 shipper mà giao hàng không xuể. Tính trung bình, mỗi người giao từ 60-80 suất, công việc nhiều nên cuối ngày được chủ thưởng thêm, thu nhập được hơn 600.000 đồng một ngày”, ông Hải nói thêm.

Ngoài việc mua hàng qua mạng, nhiều khách còn thuê shipper, tài xế xe ôm công nghệ đến bệnh viện, nhà thuốc xếp hàng mua khẩu trang, nước khử trùng. Có mặt tại cửa hàng thuốc tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) từ 5h00 sáng, anh Nguyễn Đăng Tuấn, 29 tuổi, chạy xe ôm công nghệ cho biết, được một khách hàng quen thuê với giá 200.000 đồng để mua 2 hộp khẩu trang.

“Chị khách hàng báo mấy ngày trước chạy khắp tuyến đường ở Hà Nội không một nơi nào bán khẩu trang, nên khi có thông tin nơi bán liền gọi điện vừa nhờ và thuê tôi xếp hàng để mua. Hơi lạnh nhưng cố dậy sớm cũng có một khoản tiền”, anh Tuấn nói.

Đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển, tiếp xúc với nhiều người nên không ít shipper chủ động chuẩn bị nước rửa tay khô và khẩu trang để bảo vệ bản thân. “Tôi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như mua khẩu trang, găng tay và áo khoác loại tốt. Sau khi giao nhận đồ ăn, hàng hóa cho khách thì rửa tay bằng xà phòng thật kỹ. Đồ dùng sau mỗi ngày đi làm về đều được giặt sạch, phơi khô rồi mới sử dụng lại. Chủ cửa hàng cũng hỗ trợ để chúng tôi mua các vật phẩm phòng bệnh cần thiết”, shipper Nguyễn Thanh Hải nói.

MỚI - NÓNG