Điếc không sợ... cá nóc!

Điếc không sợ... cá nóc!
Thịt cá nóc, một loại thực phẩm có nguy cơ chứa độc tố cao, đã cướp đi sinh mạng của không ít người. Nhưng dường như rất nhiều người vẫn chưa sợ.
Điếc không sợ... cá nóc! ảnh 1
Cá bống biển bán tại chợ cóc Phương Mai (Hà Nội)

Bất chấp sự nguy hiểm, nhiều người vẫn mua cá nóc về ăn, nhiều cơ sở vẫn chế biến, kinh doanh thịt cá nóc. Kiểu “điếc không sợ súng” này nhiều khi dẫn đến kết cục đau lòng.

0 giờ ngày 12/1/2005, 2 người dân ở thành phố Nha Trang được đưa vào bệnh viện Khánh Hoà trong tình trạng hết sức nguy kịch do ăn cá nóc.

Chỉ mới gần 3 tháng đầu năm, chúng ta đã mất 4 mạng người do ăn thịt cá nóc. Trước đó, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Năm 1999 cả nước có 12 vụ với 86 người mắc và 15 người chết; năm 2000 có 17 vụ và 20 người chết; chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2001 đã có 13 vụ với 55 người mắc và 14 người chết. Tính từ năm 1999 đến quý I/2003, số vụ ngộ độc cá nóc tăng liên tục từ 3,7% tới 38,8%. Số tử vong cũng tăng từ 21,1% lên 86,6%.

Điếc không sợ súng

Tại Hà Nội, thịt cá nóc và các chế phẩm từ cá nóc tuy không phổ biến, nhưng loài cá gây ngộ độc cho 9 người dưới tên gọi cá bống biển thì bày bán công khai tại hầu khắp các chợ, giá thành hiện nay là 40.000 đ/kg. Đây cũng là món ăn phổ biến tại nhiều quán cơm bình dân. Cách chế biến loại cá này khá đơn giản, chỉ cần ngâm vào nước rồi đem rán giòn. Ăn khá ngon, giá cả phải chăng nên được tiêu thụ khá nhiều.

Theo một số bác sĩ khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), biểu hiện của 9 bệnh nhân sau khi ăn cá bống biển khá phù hợp với triệu chứng của người ngộ độc cá nóc, dù nhẹ hơn. Vì vậy, rất có thể đây là tên gọi khác của một loại cá nóc. Đáng lo ngại là nhiều người vẫn không lường trước được mối nguy hại tiềm ẩn trong cá bống biển nên vẫn tiếp tục mua về ăn.

Thêm vào đó, cho đến nay vẫn chưa hề có một biện pháp nào nhằm ngăn chặn việc kinh doanh, chế biến loại cá này nên người nào không may, ăn phải con cá nhiễm độc thì... ráng chịu!

Một trong những nguyên nhân khiến người dân vẫn coi thường những khuyến cáo của Bộ Y tế là do quan niệm hết sức thiếu cơ sở khoa học. Một chị bán cá tại chợ Trương Định khẳng định chắc nịch: Thịt cá nóc không độc nếu như biết làm sạch (bỏ ruột, gan...) hoặc nếu chế biến tốt (nấu thật kỹ trong vài giờ). Khi đó, “ăn chỉ có ngon thôi” và không còn độc nữa! Ông Tân, chủ quán cơm bình dân T.S trên đường Nguyễn Trãi thì “ngơ ngác”: “Bán cơm bao lâu nay, sinh viên ăn món này nhiều nhất, có nghe ai bị làm sao đâu!”.

Hiện một số nhà hàng Hàn Quốc tại Hà Nội cũng bán món sushi cá nóc (một món ăn có giá cắt cổ trên đất Hàn), nhưng công thức chế biến loại cá này một cách đảm bảo nhất vẫn còn là một bí quyết mà “nghe đâu” chỉ những đầu bếp có chứng chỉ mới được chế biến vì yêu cầu vệ sinh rất cao, chỉ lơ là trong giây phút là có thể gây chết người, làm sập tiệm dễ dàng.

Một quan chức Bộ Thuỷ sản cho biết: Đúng là thịt cá nóc có thể ăn được, nhưng phải là loài cá nóc hoàn toàn không chứa độc tố vì cá nóc bao gồm nhiều loài khác nhau. Có loài độc và không độc. Mặt khác, độc tố của cá nóc biến động khá phức tạp theo mùa vụ và theo cá thể. Trong cùng một loài có thời điểm trong năm mang độc tính cao (cá nóc trong mùa mang trứng sẽ trở nên độc hơn), và sẽ có những cá thể độc nhiều hoặc ít độc.

Độc tố cá nóc cao nhất ở gan và trứng, nhưng toàn bộ cơ thể đều có chứa độc tố cao, do đó chỉ ăn thịt cá nóc cũng có khả năng bị ngộ độc. Ngoài ra chưa có một công trình khoa học nào công bố về những giá trị dinh dưỡng đặc biệt của thịt cá nóc như những lời đồn đại, còn mức độ thơm ngon thì hoàn toàn tuỳ thuộc cảm nhận cá nhân.

Trước tình hình ngộ độc cá nóc ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế đã có Thông tư đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp có biện pháp xử lý đối với những hành vi cố tình sơ chế, chế biến, kinh doanh cá nóc làm thực phẩm cho người.

Tuy nhiên, việc quản lý đánh bắt cá nóc là hết sức khó khăn do cá nóc không có dụng cụ đánh bắt riêng biệt mà thường nằm lẫn trong nguồn cá tạp. Bên cạnh đó, cá nóc còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Hiện nay Việt Nam vẫn xuất khẩu cá nóc sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với giá 2,3USD/kg. Cá nóc thường được lột da, bỏ nội tạng, sấy hoặc tẩm ướp trước khi mang đi tiêu thụ. 

Ở Hải Phòng, cá được chế biến chủ yếu tại các hộ gia đình. ở Khánh Hoà, cá nóc còn được làm chả cá. Bình Thuận ngoài xuất cá nóc sang Trung Quốc và Campuchia còn chế biến làm nước mắm... Lệnh cấm chế biến, tiêu thụ, kinh doanh cá nóc của Bộ Y tế và các cấp, ban ngành có liên quan tại địa phương cho đến nay dường như vẫn bị làm ngơ. Lâu lâu lại thấy có vụ ngộ độc cá nóc chết người được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị triển khai tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 15/3, PGS. TS Trần Đáng - Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo: Hãy tránh xa cá nóc. Không chỉ thịt cá nóc độc hại, mà gai cá nóc đâm vào da thịt cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong.

Trong khi Bộ Thuỷ sản vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, trong khi Việt Nam chưa có thống kê hoàn chỉnh công bố về các loại cá nóc độc hại tại vùng biển nước ta, người dân tốt nhất “kiêng” ăn thịt cá nóc để tránh mua và sử dụng nhầm. TS Đáng nhấn mạnh, hiện nay Bộ Thuỷ sản vẫn đang nghiên cứu tìm ra phương pháp chế biến cá nóc đảm bảo độ an toàn, nên việc tiếp tục ăn cá nóc được chế biến thủ công là hành động hết sức liều lĩnh.             

Độc tố chiếm chủ yếu ở cá nóc là tetrodotoxin, ngoài ra còn có độc tố hepatoxin chiếm tỉ lệ thấp. Độc tố có nhiều trong buồng trứng, gan, tuỵ, máu, mang và ở đầu. Độc tố cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 100oC trong 6 giờ độc tố mới giảm đi 1/2, nếu ăn khoảng 10g cá nóc có độc tố thì sẽ bị ngộ độc.

Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay. Đôi lúc, có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1,5-8 giờ.

Hiện nay điều trị ngộ độc cá nóc chưa có thuốc chống độc đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng như: cho thở oxy để chống suy hô hấp và sử dụng một số loại thuốc chống trụy tim mạch.

MỚI - NÓNG