“Điểm đen” trong quản lý đường sắt

“Điểm đen” trong quản lý đường sắt
Sau vụ tai nạn đổ tàu E1, dư luận mới giật mình trước những sự thật  khó tin trong việc quản lý Nhà nước với ngành đường sắt.  Có khá nhiều “điểm đen” lộ ra...

Trên đường bộ, đường sông, cơ sở hạ tầng được tách riêng do Nhà nước quản lý nên đã được Cục đường bộ, Cục đường sông giám sát đưa ra  quy định tiêu chuẩn về tải trọng, về tốc độ, bảo dưỡng duy tu, giải quyết những “điểm đen” để đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn...

Trong khi đó tất cả những việc  thuộc lĩnh vực đường sắt này vẫn chất lên vai một doanh nghiệp là Tổng Cty đường sắt. Ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT khi được báo cáo về đề án chạy tàu 28 giờ cũng chỉ có thư công tác đề nghị TCty lập đề án chuyển cho Cục đường sắt VN thẩm định, đề xuất kiến nghị trình Bộ quyết định mà không có những quy định quản lý Nhà nước bằng văn bản pháp quy.

Đến khi Tổng Cty tổ chức chạy tàu 29 giờ rầm rộ cả nước trong khi chưa được phê duyệt đề án nhưng  Bộ vẫn không có ý kiến gì mà còn xếp vào 10 sự kiện của ngành GTVT năm 2004. Đây phải chăng là căn bệnh thành tích lộ diện?

Với trách nhiệm quản lý,  Bộ GTVT đã để cho một doanh nghiệp kiêm chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng đường sắt trong nhiều năm. Thống kê cho thấy mỗi năm tàu hoả đã cướp đi khoảng trên dưới hai trăm sinh mạng với gấp đôi số người bị tàn phế.

Tàu càng chạy nhanh số vụ tai nạn chết người càng nhiều. Trong khi môi trường giao thông chưa an toàn với quá nhiều đường ngang, hệ thống hạ tầng đường sắt kém, thì việc chạy tàu  tốc độ cao lại tăng nguy cơ tai nạn cho cả hành khách đi tàu và người dân tham gia giao thông.

Các lái tàu cũng luôn trong trạng thái căng thẳng, hậu quả xảy ra họ lại thường là người đầu tiên và nhiều khi là người duy nhất hứng chịu trách nhiệm.

Còn hàng loạt vấn đề kỹ thuật đặt ra như độ rung cho phép của tàu là bao nhiêu? Phương tiện chạy tàu liên tục đổi mới có phù hợp với hệ thống đường ray cũ, liên tục phải sửa chữa không? Độ ồn mà hành khách phải chịu trong suốt hành trình có phù hợp với tiêu chuẩn cho phép?... Mọi vấn đề đó đều do ngành đường sắt tự quyết định. Những hiện tượng này cần được thẩm định bằng các cơ quan có trách nhiệm.

Vấn đề đặt ra ở đây là Bộ GTVT đã quên hay cố tình quên trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, để ĐSVN “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Xảy ra vụ đổ tàu E1,  trách nhiệm trực tiếp trước tiên thuộc về ĐSVN,  song Bộ GTVT cũng có phải chịu trách nhiệm liên quan không nhỏ khi không phát hiện ra và bịt kịp thời lỗ hổng về quản lý an toàn trong ngành đường sắt. 

Bộ trưởng Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo tỉnh TT - Huế về vụ tai nạn tàu E1

Theo lịch trình, trong sáng hôm nay (23/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế về những vấn đề liên quan đến vụ tai nạn tàu E1; Đến thăm và trao phần thưởng của UBATGT Quốc gia cho BV TW Huế. Tiếp đó Bộ trưởng sẽ về huyện Phú Lộc (địa bàn xảy ra vụ tai nạn) để thăm hỏi, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân đã tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn trong vụ tai nạn tàu E1 vừa qua.

MỚI - NÓNG