Điểm nghẽn nhân lực

Điểm nghẽn nhân lực
TP - Ba điểm nghẽn cố hữu kìm hãm kinh tế Việt Nam phát triển là: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính. Do vậy, khai thông những điểm nghẽn này là yêu cầu tiên quyết để đất nước bứt phá trong những năm tới.

Chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 24-11, đại biểu Lê Như Tiến bày tỏ sự băn khoăn, tại sao cho đến thời điểm này đất nước ta chưa có quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia. Ông Tiến cho rằng, đó là quyết định chất lượng các quy hoạch khác.

Hàng loạt các trường từ trung cấp, cao đẳng, đại học được thành lập mới trong những năm qua nhưng chúng ta lại chưa có một cuộc khảo sát cặn kẽ là các bộ, ngành, địa phương, khu công nghiệp… trên toàn quốc đang cần bao nhiêu công nhân, kỹ sư.

Việc phát triển nguồn nhân lực gần như là câu chuyện của riêng ngành giáo dục và dạy nghề. Trong khi, ngành này chỉ có khả năng làm phần cung, còn nhu cầu bao nhiêu thì bản thân họ không trả lời được. Chính vì bất cập này mà chúng ta luôn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực.

Minh chứng cụ thể là việc phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. Theo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW cần khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng.

Với mục tiêu xây dựng 2 nhà máy, Việt Nam cần ít nhất 2.000 kỹ sư điện hạt nhân. Vậy nhưng, hiện nay nguồn nhân lực điện hạt nhân còn rất khiêm tốn. Không chuẩn bị ngay từ bây giờ, chúng ta có thể lặp lại câu chuyện “nước đến chân mới nhảy”.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Lần đầu tiên các bộ quản lý ngành nghiên cứu, dự báo và đặt ra kế hoạch nguồn nhân lực cho mình. Từ đó có đầu bài cho ngành giáo dục và dạy nghề.

Chính phủ cũng xác định, Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực lập quy hoạch quốc gia, và làm luôn dự báo nguồn nhân lực. Đây là một thay đổi rất quan trọng, cả về nhận thức và phương pháp làm.

Bây giờ mới tính chuyện bài bản về nguồn nhân lực quốc gia cũng là hơi muộn. Bởi đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập được hơn 20 năm.

Tuy nhiên trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay, một quốc gia muốn bứt phá và vươn lên chắc chắn phải có một nguồn nhân lực quốc gia đủ mạnh cả về chất và lượng. Do vậy muộn còn hơn không, đây là một tín hiệu vui cho thấy điểm nghẽn nhân lực sẽ được khai thông bằng những hoạch định chiến lược đúng đắn ở tầm quốc gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG