'Điểm nóng' tín dụng đen ở Tây Nguyên

Lãnh đạo Vụ tín dụng NHNN đi làm việc khảo sát tại 7 tỉnh thành về nhu cầu vốn tín dụng của bà con nhằm tìm giải pháp chống tín dụng đen ảnh: CTV
Lãnh đạo Vụ tín dụng NHNN đi làm việc khảo sát tại 7 tỉnh thành về nhu cầu vốn tín dụng của bà con nhằm tìm giải pháp chống tín dụng đen ảnh: CTV
TP - Theo đại diện các tỉnh Tây Nguyên thực trạng tín dụng đen của địa bàn này đều xuất phát căn bản từ việc các nhóm xã hội đen đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nghèo sống tại vùng sâu vùng xa, bằng những thủ đoạn tinh vi, chèn ép. Ngoài ra, do tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn khó, nhiều thủ tục trong khi nhu cầu vốn của dân thì lớn.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng đem đến thông tin bất ngờ:  Tín dụng đen xuất hiện ở Lâm Đồng tương đối sớm, từ 2016  và tỉnh này đã có rất nhiều giải pháp đến nay phát huy hiệu quả cao. “Năm 2017, Lâm Đồng đã có những chuyên án và bắt những băng nhóm tín dụng đen. Nó len lỏi tất cả địa bàn, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn trong ngăn chặn. Với thủ tục đơn giản, gói vay đa dạng chúng đã tìm cách tiếp cận sát, thậm chí lợi dụng các tổ chức hội quần chúng liên quan đến hoạt động tội phạm rất tinh vi.

Năm 2017 tại Lâm Đồng có ra một loạt các xe 113, ngồi trên xe đòi nợ toàn thành phần hảo hán, có nơi dân tưởng công an đến đòi nợ”, Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng nói và cho biết, trên địa bàn Lâm Đồng có 17 doanh nghiệp đòi nợ thuê. Năm 2018 tỉnh đã xử lý không cấp  phép thêm DN nào. Từ 2018, Lâm Đồng khởi tố 28 vụ liên quan đến các tổ chức tín dụng.

Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc tín dụng đen xuất hiện nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên có nguyên nhân là dân các tỉnh rất thưa, khó khăn  vay vốn trong khi nhu cầu cao. “Thực tế có một bộ phận thanh thiếu niên cờ bạc, chơi điện tử, ma tuý, nên rất dễ bị các đối tượng xâm nhập vào. Chúng tôi đồng thuận các đề xuất triển khai giải pháp tín dụng và tiêu dùng. Tín dụng cho vay tiêu dùng cần cơ chế rõ hơn”, ông Hải nói.

Giải pháp cần đồng bộ

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đặt vấn đề: Tại sao có tín dụng đen? Theo ông, đó là vì xuất phát từ nghèo, thiếu tiền. “Tiền của ngân hàng và Nhà nước chưa đủ cho người nghèo. Do đó, có người gặp hoạn nạn khó khăn, hộ gia đình liên quan đến tín dụng đen thế chấp đất rồi mất đất, sau đó họ phải làm thuê trên mảnh đất bị mất của chính mình”, ông Trang nói.

Ngoài ra, theo ông Trang còn một thủ đoạn nữa, đó là người vay đã đủ tiền để trả gốc và lãi nhưng băng nhóm tín dụng đen không nhận gốc mà bắt họ phải vay tiếp- nông dân Gia Lai phải chịu cảnh này. “Chưa biết bao giờ Nhà nước chúng ta mới đủ tiền cho người nông dân, người hoạn nạn vay. Chưa đủ tiền để cho đồng bào nghèo vay thì sẽ tồn tại song song là tín dụng đen. Đây là một bài toán rất khó”, ông Trang nói.

Bí thư Gia Lai cũng lưu ý trong tỉnh này năm vừa qua, một ngày 24 tiếng thì mưa 4 tháng. Gần 4.000/18.000 ha tiêu bị chết; chết thì mất trắng không thu được đồng nào, bà con phải đi vào TPHCM làm thuê, làm mướn đế lấy tiền trả ngân hàng. Do đó, chúng tôi kiến nghị ngân hàng giãn nợ, lùi lãi hỗ trợ cho bà con.

Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện thủ tục giải ngân của ngân hàng cần 15-20  ngày trong khi đó vay vốn bên ngoài tính theo giờ. Đối với Hội LHPN giải pháp ngoài đẩy nhanh vốn vay, thì mở rộng các kênh cho chị em phụ nữ tiếp cận qua kênh hội, tổ vay vốn tiết kiệm. “Có những khoản tiết kiệm nhỏ lẻ chỉ 20-50 ngàn/tháng nhưng đã giúp chị em vay được vài ba triệu/tháng. Chúng tôi cũng đề xuất khi chị em phụ nữ vay vốn, kiểu gì ngân hàng như Agribank vẫn đòi có sổ đỏ. Vấn đề là phải làm sao để chị em tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn”.

MỚI - NÓNG