Quốc hội  thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:

Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân

Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân
TP - “Nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân” - Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) đã nhắc lại câu nói của người xưa, trong phần phát biểu mở đầu phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân, diễn ra hôm qua (1/11).
Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường

Bà Lan cho rằng: “Trong những năm qua, KNTC diễn biến ngày càng phức tạp, là do ít nhiều còn có tình trạng coi thường những bức xúc của người dân, mà đa số các bức xúc đó đều bắt nguồn từ các vấn đề đất đai… Đảng, Nhà nước cần thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này để chú trọng giải quyết cho tốt”.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo cứ như “đá bóng”!?

Đồng tình với cách đặt vấn đề nêu trên, nhiều đại biểu đã đăng đàn để thể hiện những nỗi bức xúc mà cử tri gửi gắm, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói: “Diễn biến của KNTC chính là hàn thử biểu cho thấy một bộ phận nhân dân đang bất bình”.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho biết: “Mỗi lần chúng tôi tiếp xúc cử tri, bà con đều phản ánh nỗi niềm của họ về chính quyền địa phương, theo bà con thì một trong những nguyên nhân làm cho KNTC nhiều lên là vì động cơ giải quyết KNTC của không ít cá nhân và tổ chức có trách nhiệm không xuất phát từ lợi ích chính đáng của người dân, chưa kể đến tình trạng can thiệp vào quá trình giải quyết KNTC bằng chỉ đạo, bằng thư tay”.

Đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) phát biểu: “Một câu hỏi thật day dứt là vì sao KNTC ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và khác thường như Báo cáo của Chính phủ. Phải chăng vì chất lượng giải quyết KNTC của các cơ quan chức năng chưa cao, còn mang tính hình thức”. Bà Hương nêu ra với QH câu chuyện về một cử tri khi cầm đơn thư đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng, thì bị các cơ quan này chỉ đi loanh quanh hết “cửa” này đến “cửa” khác, “cứ vòng vo mãi như vậy mà vụ việc vẫn không được giải quyết”.

Bà Hương nói. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ví von: “Nhiều nơi giải quyết KNTC  như đá bóng. Bóng bay vèo vèo, người nọ chuyền người kia mãi mà không ai chịu sút vào, tức mắt lắm”. Còn đại biểu Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) thắng thắn: “Thật đau lòng khi chứng kiến thực trạng KNTC, nếu cách ứng xử của các cơ quan chức năng có liên quan vẫn như cũ thì thực trạng này không thể nào thuyên giảm được”.

Không chịu đối thoại với dân

Cho rằng nguyên nhân khiến KNTC gia tăng nằm ở cách thức tiếp nhận và xử lý đơn thư, đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) lên tiếng: “Dân đi KNTC có được gặp cán bộ có thẩm quyền đâu, chỉ đến được Phòng Tiếp dân, nộp đơn là hết”.

Nhiều đại biểu khác đã phản ánh thực tế đa số lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm đối thoại với người dân đã không làm tròn nghĩa vụ của mình, đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) phản ánh: “Nhiều lãnh đạo UBND các cấp không chịu đối thoại trực tiếp với người dân theo quy định, né tránh đối thoại về những vụ việc phức tạp, kéo dài”.   

“Giải quyết dứt điểm KNTC là mệnh lệnh từ cuộc sống” - Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Mỵ (Quảng Trị) kêu gọi. Và đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bổ sung thêm: “Dân họ nói với tôi: anh thử làm dân một năm xem dân khổ thế nào. Dân khiếu kiện vượt cấp, thích gặp cán bộ cấp cao vì cán bộ cấp cao gần gũi hơn, nếu kêu thấu thì cán bộ cấp cao giải quyết nhanh hơn. Cán bộ cấp dưới vô trách nhiệm với dân như thế, cấp trên phải cho thanh tra công vụ vi hành để thấy, cần thì cho mang thượng phương bảo kiếm đi xử lý ngay”.

Hôm nay (2/11), QH nghị sự về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự.

Làm gì để giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả?

Hôm qua, QH đã nghe Báo cáo của ngành tòa án, kiểm sát và của Chính phủ về tình hình giải quyết KNTC của công dân. Theo đó, các Báo cáo đã đề ra nhiều giải pháp chủ yếu trong công tác giải quyết KNTC thời gian tới.

Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân ảnh 2

Chánh án TANDTCNguyễn Văn Hiện: Xử lý nghiêm người thiếu trách nhiệm giải quyết đơn thư của dân

Ngành toà án tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của các loại vụ án nhằm hạn chế nguồn phát sinh khiếu nại. Kiểm điểm việc việc xác định trách nhiệm  cá nhân thủ trưởng đơn vị và cán bộ không thực hiện tốt nhiệm vụ có liên quan đến KNTC, xử lý nghiêm minh đối với những người thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư của công dân… Chú trọng công tác tiếp dân, đối thoại lắng nghe ý kiến phản ánh của công dân, gắn việc tiếp dân với việc giải quyết KNTC của công dân.
Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân ảnh 3
Viện trưởng VKSNDTC Hà Mạnh Trí:Tiên shành rà soát việc thụ lý giải quyết khiếu nại6 tháng một lần
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) tiếp tục chủ trì đôn đốc kiểm tra việc giải quyết KNTC về tư pháp… 6 tháng một lần tiến hành rà soát việc thụ lý giải quyết KNTC về tư pháp, tập trung giải quyết đơn bức xúc kéo dài, đơn sắp hết thời hạn, đơn cơ quan, đơn được dư luận quan tâm… Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa VKSNDTC với Ban Tổ chức T.Ư, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc quản lý giải quyết KNTC về tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSNDTC.
Diễn biến khiếu nại, tố cáo là “hàn thử biểu” của lòng dân ảnh 4

Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền: Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải dứt điểm, có lý, có tình 

Trong việc giải quyết KNTC của công dân, các cấp các ngành từ T.Ư tới địa phương phải thống nhất chủ trương là giải quyết cho dứt điểm …, với tinh thần là xong việc, có lý, có tình, chứ không phải không xem xét vì đã hết thẩm quyền. Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải giải quyết trong thời gian còn lại của năm 2006… Người đứng đầu cơ quan chính quyền phải trực tiếp đối thoại với dân, vận động thuyết phục dân chấp hành việc giải quyết đúng pháp luật của các cấp, nếu có sai sót thì phải công khai xin lỗi, và có biện pháp khắc phục.

Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Nếu có nhiều người chưa đồng tình, phải xem xét lại quyết định phê duyệt các dự án có thu hồi đất

Bên cạnh giải pháp nâng cao  nhận thức, trình độ cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm công tác giải quyết KNTC, Chính phủ cần chỉ đạo một cách kiên quyết các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nghiêm chỉnh và tổ chức thực hiện đúng chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu công nghiệp, khu dân cư liên quan đến việc thu hồi đất của nhân dân.

Cần công khai các chủ trương chính sách, xác định rõ, minh bạch các quyền, nghĩa vụ của các bên đối với các vấn đề liên quan đến dự án, nhất là dự án có diện tích mặt bằng lớn, nếu có nhiều người chưa đồng tình thì cần phải xem xét lại quyết định phê duyệt dự án, hoặc giải thích làm rõ, tuyên truyền, thuyết phục, chưa thực hiện ngay các dự án đó.    

(Nguồn: Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật của QH)
V.V.Thành (ghi)

MỚI - NÓNG