Điện 'giật' chủ vườn thanh long

Điện 'giật' chủ vườn thanh long
TP - Mùa thanh long năm nay ở Bình Thuận có nguy cơ thất thu do phải tiết giảm điện cho việc chong đèn (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) nhằm giúp tăng năng suất và giảm dịch bệnh.
Điện 'giật' chủ vườn thanh long ảnh 1
Thanh long chín chuẩn bị đưa vào kho lạnh

Từ năm 2006 đến nay, tại hai huyện có diện tích thanh long lớn Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, phụ tải điện thắp sáng thanh long tăng rất mạnh.

Đầu năm 2008, tổng số trạm biến áp phân phối thắp sáng thanh long là 2.121 trạm; đến nay lên gần 4.000 trạm. Trong khi công suất toàn tỉnh chỉ khoảng 190MVA, nhu cầu lúc cao điểm lên đến 205 MVA. Riêng điện thắp sáng thanh long cần 140 - 150 MVA.

Do quá tải, phải tiết giảm luân phiên phụ tải chong đèn thanh long từ 10 MVA đến 20 MVA trong khoảng 22 giờ đến 5 giờ sáng, nhiều vùng thanh long chong đèn cứ hai đêm có điện thì cắt một đêm.

Các hộ Mai Huỳnh, Lê Trung (xã Hàm Cường), hộ Đào Văn Quang (xã Hàm Minh) đều cho biết thanh long đóng ít trái vì chong đèn không liên tục, trong khi các chủ vườn phải trả vài chục triệu đồng tiền điện khi chong đèn 5 - 7 ha nên sẽ lỗ nặng nếu giá thanh long thấp. Nhiều nơi ở huyện Hàm Thuận Nam, nhân viên chi nhánh điện đi cắt điện bị người trồng thanh long cản trở, đe dọa.

Cuối tháng 2/2009, Điện lực Bình Thuận có công văn gửi Sở  NN&PTNT, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, về góp ý thay đổi phương án cấp điện chong đèn thanh long trong điều kiện quá tải nguồn. Theo đó, sẽ phân thành hai vùng phụ tải và mỗi đêm phân thành hai vùng chong đèn, vùng một chong từ đầu đêm đến 24 giờ và vùng hai chong từ 24 giờ đến sáng; mỗi vùng đều chong đèn sáu giờ/đêm.

Phương án này có ưu điểm điều hòa được phụ tải nên không xảy ra quá tải nguồn, bảo đảm thời gian chong đèn liên tục cho thanh long. Tuy nhiên, phương án có vẻ khó khả thi vì giảm thời gian chong đèn (mỗi đêm chỉ chong sáu giờ thay vì tám giờ như lâu nay) và khi thời tiết lạnh, có sương, bà con phải tăng giờ chong đèn. Nay vùng chong đèn đầu đêm tắt lúc 12 giờ khuya sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa, kết trái thanh long.

Chủ vườn Hồ Ngọc Bình (xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam) cho biết: “Để thanh long ra nhiều hoa phải chong đèn liên tục 20 đêm, mỗi đêm tám giờ. Vì cắt điện, đợt chong đèn này chỉ ra khoảng 30 phần trăm hoa so trước đây”.

Đến nay, Bình Thuận có hơn 10.000 ha thanh long, sản lượng hơn 20.000 tấn quả/năm nhưng được trồng trong vườn tược xen lẫn khu dân cư, chưa được quy hoạch vùng chuyên canh. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho điều hành cung cấp điện.

Ông Thái Đức Duy, chủ trang trại Duy Lan hàng năm xuất 500 tấn thanh long đi các nước châu Âu, kiến nghị: “Cần sớm quy hoạch vùng chuyên trồng, ưu tiên đáp ứng nguồn điện phục vụ sản xuất nhất là chong đèn thanh long nghịch vụ để bảo đảm kế hoạch đặt hàng của thị trường nước ngoài”. 

MỚI - NÓNG