Đắk Lắk:

Diện mạo mới từ chương trình giảm nghèo bền vững

Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Trong vòng 5 năm (2016-2020), Chương trình giảm nghèo tại Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giúp thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, nhất là xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%

Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh Xã hội Đắk Lắk, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh hiện còn 9,33%, dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 5%; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 18,93%, dự kiến cuối năm nay còn 12,43%. Để đạt được kết quả này có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, tỉnh này cũng huy động đóng góp từ người dân để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nhất là khu vực vùng nông thôn, DTTS, miền núi, đặc biệt là xã, thôn ĐBKK. Công tác đầu tư hạ tầng được triển khai kịp thời, trọng tâm, dân chủ, công khai, sát nhu cầu người dân.

Các công trình làm xong phát huy hiệu quả, bước đầu đã giải quyết được những khó khăn cho người dân, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, trường học... hướng trực tiếp vào giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo vùng ĐBKK. Chính quyền tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo như: Hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế...

Chương trình giảm nghèo còn giải quyết cho hơn 250 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, với doanh số cho vay gần 7 tỷ đồng. Việc tăng nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có vốn để đầu tư, sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập và thoát nghèo; hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, nhà vệ sinh, nhà ở, giáo dục…

Diện mạo mới từ chương trình giảm nghèo bền vững ảnh 1 Giao bò cho hộ nghèo (huyện Krông Năng) từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

Trên 80 nghìn người được học nghề

Trong 5 năm 2016-2020, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững dành hơn 855.492 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS, ĐBKK. Giải quyết cơ bản tình trạng hộ DTTS không có đất ở và đất sản xuất; Kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đến nay, có trên 80.870 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ở cấp độ sơ cấp, giải quyết việc làm cho hơn 113.000 lượt người, trong đó 36.900 lượt lao động DTTS.

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 46,50%; tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi đạt trên 99%. Trong những năm qua các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh như: Miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo...giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Toàn tỉnh Đắk Lắk có 87,60% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trong 5 năm qua, Chương trình giảm nghèo bền vững đã đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, và các tầng lớp dân cư và của chính người nghèo. Sắp tới, chương trình tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động; Tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho vùng DTTS…

Sở Lao động Thương binh Xã hội Đắk Lắk đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là hộ nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững; Khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên; Phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

MỚI - NÓNG