Điệp khúc nước mắt nhà nông

“Cả xe rau ni của tui may lắm được mấy chục ngàn”, bà Đinh Thị Luận (thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Phong). Ảnh: Thanh Trần.
“Cả xe rau ni của tui may lắm được mấy chục ngàn”, bà Đinh Thị Luận (thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Phong). Ảnh: Thanh Trần.
TP - “Chưa có năm mô chua chát như ri cả. Chất một xe đầy ra chợ bán được mấy chục ngàn, có ngày không ai mua tui chở về nhắm mắt đổ cho heo. Từng rổ dưa, đậu, chăm cả tháng trời chừ không thu lấy một ngàn. Đắng lắm…”, bà Nguyễn Thị Miền thở dài bên luống rau xanh ngắt trên cánh đồng HTX rau Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

1 tháng và 1.000 đồng một ki lô gam đậu cô ve

Không chỉ Quảng Ngãi, Quảng Nam, nông dân Đà Nẵng cũng đang khóc ròng khi hứng chịu cơn bão hạ giá nông sản thảm hại. Rau, trái chỉ bán được giá 1.000, 2.000 đồng…, kể cả rau an toàn.

Đang vụ thu hoạch sau Tết, cánh đồng rau thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Phong) vẫn lâm cảnh đìu hiu. Những giàn dưa, bí, mướp lủng lẳng trái nhưng chỉ lác đác vài người tới hái mang ra chợ. Lão nông Nguyễn Thế Hoàng với vẻ mặt buồn rầu, nói: “Thu làm chi cho mệt, giờ được giá lắm thì bán 3.000 đồng /kg, không thì 1.000 đồng. Cô coi mấy trăm dây dưa, đổ vô biết mấy  tiền giống, phân, công người cả tháng trời mà chừ đi mót lại từng ngàn. Chi bằng hái về đổ cho bò ăn cho khỏe”. Ông dứt lời, chỉ vào ruộng dưa leo của mình đã được nhổ sạch trồng dưa hấu vì giá quá rẻ.

Ruộng rau muống, xà lách của bà Đinh Thị Luận sát bên tốt tươi. Mới Tết năm trước, thương lái về mua tận đồng với giá mấy chục ngàn mỗi kg, vậy mà giờ bà ôm ba bó rau muống non xanh trĩu tay bán 10.000 đồng. Bà hì hụi chất đầy một xe rau, uể oải nói: “Rau ni là rau an toàn, trồng dài ngày hơn, mất công hơn người ta. Chừ tui đẩy cái xe ni ra chợ, bán cũng không được mấy đồng”.

Hầu hết các loại rau, đậu từ sau Tết Nguyên đán tới nay đều rớt giá đến mức thảm hại. Dưa leo, đậu cô ve 1.000 đồng/kg, loại trái đẹp, đều 3.000 đồng, khổ qua dao động trên dưới 10.000 đồng/kg, rau muống 3.000 đồng/bó, rau xà lách 2.000 đồng/bó… Vợ chồng anh Mạc Trang (thôn Thạch Nham Tây) có 9 sào rau trái, ngao ngán nói: “Nếu là bí đỏ, bí đao, tui còn cầm cự trên giàn chờ ngày được giá rồi bán, còn mấy loại dưa, đậu ni tới ngày thu là phải hái thôi, lớn trái vàng da người ta không mua. Giờ trồng lỡ rồi, biết làm răng được”.

Xuống giống không được, bỏ đồng không xong

Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phong cũng đìu hiu không kém. Bà con cho hay thời điểm này năm trước,  nhà nhà thi nhau thu rau ra chợ, được giá nên bán rất sướng tay. Còn giờ giá rớt tới hơn chục lần, không ai buồn thu. Hai chị em bà  Nguyễn Thị Miền (xã Hòa Phong) nhẩm tính cả mùa này bán hết mấy tạ dưa nhưng không được 500 ngàn đồng. Mùng 4 Tết trở đi, tui đem đậu, dưa, rau tần ô ra chợ, họ trả 1.000đồng/1kg, nuốt nước bọt không trôi mà cũng phải bán chứ răng chừ.  Hôm sau chở ra tiếp không ai thèm ngó, tui chở về đổ ụp vô chuồng heo cho khỏe. Mấy nhà không có heo, bò thì đổ ngay tại chợ. Mấy ngày trở lại đây giá có nhỉnh hơn chút, mỗi thứ tăng lên một đôi ngàn nhưng không ăn thua. Gọi là tăng thôi chứ đời nào đủ công, đủ tiền bà con đổ xuống”, bà Miền nói.

Theo nhiều người dân, giá nông sản hạ thấp kỷ lục là do năm nay lũ rút sớm, nhuận thêm một tháng nên có thời gian làm, cộng với thời tiết thuận lợi nên cây phát triển rất tốt. Từ đó xảy ra điệp khúc “được mùa, mất giá”. Chưa kể phong trào trồng rau tại nhà của các gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua.

Hiện người dân rất hoang mang, không thể liều mạng xuống giống trồng tiếp khi giá quá thấp, nhưng cũng chẳng thể để ruộng không. Một số hộ đã chuyển sang trồng dưa hấu, bí đao để thời gian thu kéo dài, có thể linh hoạt chờ giá.

Ông Bùi Dũng, HTX rau Túy Loan cho hay, giá rau rớt thảm hại ảnh hưởng nặng tới kinh tế của bà con, tuy nhiên đây là diễn biến thị trường chung nên phải chấp nhận. Ông cho biết thêm, HTX sẽ cố gắng tìm thêm các đầu ra để giúp bà con tiêu thụ ổn định, được giá.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng nhìn nhận việc được mùa mất giá là tình hình chung, nên rất khó xin hỗ trợ từ các cấp, trừ khi đó là rủi ro thiên tai. “Địa phương sẽ tìm cách hỗ trợ vật tư, con giống…trong vụ mới để chia sẻ khó khăn với bà con nông dân”, ông Hành nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.