Quảng Nam:

Điều tra, truy trách nhiệm đến cùng vụ phá rừng Pơ mu

Hàng chục gốc Pơ mu quý hiếm bị đốn hạ.
Hàng chục gốc Pơ mu quý hiếm bị đốn hạ.
TP - 280 phách gỗ Pơ mu bị lâm tặc đốn hạ tại khu vực giáp ranh biên giới Việt - Lào thuộc huyện Nam Giang, Quảng Nam. Tiếp tục kiểm tra, phát hiện nhiều cây Pơ mu có tuổi đời hàng trăm năm bị lâm tặc triệt hạ. Vụ việc khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ngày 15/7, Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết đơn vị đã nhận hồ sơ để điều tra theo thẩm quyền về vụ phá rừng Pơ mu đặc biệt nghiêm trọng này.

Pơ mu trăm tuổi bị đốn hạ

Trước đó, ngày 9/7, người dân phát hiện và báo cho cơ quan chức năng địa phương có nhiều gỗ Pơ mu bị lâm tặc khai thác trái phép tại khoảnh 10 và tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Se Kông, Lào). Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện khoảng  60 cây Pơ mu quý hiếm, đường kính 1–2m bị triệt hạ.

Ngoài số gỗ được cưa thành 280 phách (khối lượng 28m3) đã được đưa về tạm giữ tại khu vực đồn công an Chà Vàl (huyện Nam Giang), khoảng 5m3 gỗ phách vẫn còn nằm ở hiện trường. Nhận định của cơ quan chức năng, đây là vụ phá rừng Pơ mu lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn. Điều đáng nói, số gỗ được tập kết trong rừng nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chừng 500m, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng vài cây số đường rừng.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn tất khám nghiệm hiện trường, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Trả lời báo chí, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết vụ việc xảy ra ở giáp ranh biên giới Việt – Lào, do đó UBND tỉnh đề nghị kiểm lâm làm rõ với các đơn vị liên quan, trong đó Bộ đội biên phòng, ban quản lý rừng và chính quyền địa phương.

Nếu có tiếp tay sẽ tước quân hàm, trả về địa phương

Trao đổi với Tiền Phong, Đại tá Dương Hoài Nam - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết đã nắm sự việc từ cấp dưới báo lại. Vụ việc xảy ra ở khu vực nhạy cảm, nằm trong khu vực vành đai biên giới Việt Nam - Lào.

Nhận nguồn tin, Đồn phó cùng 5 chiến sĩ lên đến hiện trường điểm giấu gỗ. Lực lượng biên phòng tổ chức trông giữ và mật phục. Lâm tặc tập kết gỗ dưới khe sâu và chia nhỏ giấu kín hai bên lối. Từ điểm tập kết đến nơi khai thác ở khu vực cách đó 5 – 7km. Sau khi kiểm tra, đã lập biên bản, bàn giao tang vật là 280 phách gỗ cho kiểm lâm.

Do địa bàn biên giới nên hằng tháng, hằng tuần đơn vị tiến hành tuần tra song phương. Trước khi vụ việc xảy ra, anh em biên phòng mới tổ chức tuần tra nhưng không phát hiện được. Sau vụ việc, đơn vị đã chỉ thị các đồn biên phòng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời nắm bắt phát hiện vụ việc có dấu hiệu khai thác lâm, khoáng sản.

“Quan điểm của Bộ đội biên phòng tỉnh là không bao che, kiên quyết điều tra tìm cho ra manh mối. Nếu có sự tiếp tay của cán bộ lực lượng biên phòng trong vụ việc thì sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là tước quân hàm, trả về địa phương” - Đại tá Nam khẳng định.

Đề cập đến trách nhiệm của BĐBP khi để xảy ra vụ việc, Đại tá Nam cho rằng: Trách nhiệm của bộ đội biên phòng trên khu vực biên giới là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới, đường biên cột mốc. Còn về vấn đề bảo vệ rừng thì BĐBP cũng chỉ là lực lượng phối kết hợp. Tuy nhiên, để vụ việc xảy ra cũng do biên phòng không nắm bám chắc địa bàn, không kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

MỚI - NÓNG