Quốc hội không “êm ru” trước những bức xúc của dân

Điều trần, 'ba mặt một lời' sẽ rõ ràng hơn

Với những vụ việc nóng như cháy chung cư, BOT giao thông… Các ủy ban của Quốc hội có thể tổ chức các phiên giải trình “ba mặt một lời”. Ảnh: IT.
Với những vụ việc nóng như cháy chung cư, BOT giao thông… Các ủy ban của Quốc hội có thể tổ chức các phiên giải trình “ba mặt một lời”. Ảnh: IT.
TP - “Dù chưa có ý kiến chính thức từ các ủy ban, song đã có một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu hình thức tổ chức điều trần. Bởi như chúng ta thường nói “ba mặt một lời”, sẽ rõ hơn. Việc này sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng trao đổi với PV Tiền Phong.

Giám sát, giải trình cũng không kém điều trần

Ở nhiều nước trên thế giới, bất cứ vấn đề nóng gì xảy ra cũng có thể tổ chức các phiên điều trần ngay tức thì. Như vừa qua, ông chủ Facebook cũng phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Vì sao chúng ta chưa quy định về điều trần, thưa ông?   

Điều trần, bản chất của nó là cuộc họp ba bên. Một bên là người ban hành chính sách, một bên là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chính sách và cơ quan dân cử, cơ quan lập pháp đứng ra tổ chức phiên điều trần. Tại phiên điều trần, cơ quan dân cử đóng vai trò trọng tài, từ đó đưa ra những kiến nghị, kết luận cần thiết.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng ta có những hình thức giám sát, đặc biệt là chất vấn và giải trình. Còn hình thức điều trần như các nước vẫn làm thì chúng ta chưa quy định.

Tuy nhiên, ngay hình thức giám sát, các cơ quan dân cử hoàn toàn có thể gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, người dân, gặp gỡ các đối tượng chịu sự tác động của chính sách để lắng nghe, tổng hợp.

“Hình thức giải trình cũng có thể mời các đối tượng tác động chính sách, nhà chuyên gia và cơ quan chuyên môn đến trao đổi và lắng nghe ý kiến. Như vậy, tuy chưa phải hình thức điều trần do văn bản pháp luật quy định, song trên thực tế chúng ta cũng đã có những cuộc có thể nói là “ba mặt một lời””. 

 Ông Đỗ Mạnh Hùng

Trên thực tế, chẳng hạn khi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giảm nghèo, thì Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lúc đó đã đặt ra, bất kỳ giám sát tại một địa phương nào đều phải có nội dung chương trình, thời gian để gặp gỡ tiếp xúc với các hộ nghèo.

Còn hình thức giải trình, khác với điều trần là ở đây chỉ có hai đối tượng tham gia. Thứ nhất là cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử và thứ hai là cơ quan ban hành và thực thi chính sách. Ví dụ như Quốc hội với Chính phủ và các bộ, ngành, hoặc ở địa phương là UBND, các sở ngành với HĐND.

Tuy nhiên, tại các cuộc giải trình này cũng hoàn toàn có thể mời các đối tượng chịu sự tác động bởi chính sách, các chuyên gia cũng như các nhà khoa học đến để cùng lắng nghe và có những ý kiến, kiến nghị.

Ông đánh giá gì về hiệu quả giữa phương thức điều trần ở các nước với hình thức giám sát, giải trình của chúng ta?

Hiện nay chúng ta đang áp dụng hai hình thức giám sát và giải trình. Tuy nhiên tôi cho rằng, hiệu quả tác động cũng có thể thay thế được, hoặc cũng là hình thức phù hợp hơn đối với hình thức điều trần.

Tuy nhiên, đã có một số đại biểu Quốc hội đề nghị chúng ta nên nghiên cứu hình thức tổ chức điều trần. Bởi như chúng ta thường nói “ba mặt một lời”, sẽ rõ hơn. Việc này sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện. 

Điều trần, 'ba mặt một lời' sẽ rõ ràng hơn ảnh 1 Ông Đỗ Mạnh Hùng.

Giải trình những vấn đề nóng như BOT, cháy nổ

Tại một phiên họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh rằng, Quốc hội không thể “êm ru” trước những vấn đề nóng bỏng mà người dân bức xúc. Về thời điểm, theo ông có nên sớm xem xét, quy định về hình thức điều trần?

Như tôi đã nói, ngay bản thân hình thức giải trình cũng có thể mời các đối tượng tác động chính sách, nhà chuyên gia và cơ quan chuyên môn đến trao đổi và lắng nghe ý kiến. Như vậy, tuy chưa phải hình thức do văn bản pháp luật quy định, song trên thực tế chúng ta cũng đã có những cuộc có thể nói là “ba mặt một lời”.

Về hình thức này, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu để đến một lúc nào đó thực sự cần thiết chúng ta có thể quy định một hình thức điều trần trong hoạt động của các cơ quan dân cử.

Nếu quy định về điều trần thì cách thức, quy trình sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?

Hiện nay chưa có một đề xuất chính thức nào cả. Chẳng hạn với các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng của Quốc hội như Ban Dân nguyện, hay Ủy ban Pháp luật, hoặc một số ủy ban chuyên môn khác cũng chưa có đề xuất chính thức.

Tuy nhiên một số đại biểu Quốc hội cũng đã nêu vấn đề này. Chúng ta có lộ trình nghiên cứu, việc có ban hành hay không quy định về điều trần, tôi nghĩ sẽ phụ thuộc vào các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng từng nói, giám sát phải lựa chọn những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết. Vậy trong khi chờ đợi quy định về điều trần, ở các ủy ban có nên thực hiện các phiên giải trình về những vấn đề nóng xảy ra, chẳng hạn như vấn đề cháy nổ ở chung cư, BOT giao thông, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ, tăng vốn... để từ đó lắng nghe, đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời?

Có thể chứ. Trên thực tế, khi tôi công tác tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã tổ chức một phiên có tính chất tương tự như vậy. Đó là khi chúng ta ban hành pháp lệnh sửa đổi pháp lệnh ưu đãi người có công. Trong đó có vấn đề về tiêu chí, điều kiện, quy trình xác định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Lúc đó có rất nhiều ý kiến. Và chúng tôi đã mời Bộ Y tế đến cùng đại diện của Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam và một số địa phương đến để tham gia vào phiên giải trình.

Với những cuộc làm việc như vậy, chúng tôi cho rằng đó là những dịp rất tốt để cơ quan dân cử có thể lắng nghe ý kiến bằng nhiều kênh, như qua như tiếp xúc cử tri, nhận phản ánh bằng đơn thư… Thế nhưng sự có mặt trực tiếp của những người trong cuộc và cử tri sẽ mang tiếng nói đầy đủ hơn, cũng trực tiếp hơn.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG