Điều trị cúm không cần xét nghiệm: Chữa mò

Điều trị cúm không cần xét nghiệm: Chữa mò
TP - Nhiều bệnh viện tuyến dưới cho biết sẽ rất khó khăn nếu như điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 chỉ dựa vào chẩn đoán và biểu hiện bệnh, vì đội ngũ tuyến y tế cơ sở vừa yếu lại vừa thiếu đủ đường.

GĐ Sở Y tế TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng cho biết, khi không còn xét nghiệm để khẳng định dương tính cúm A/H1N1  thì chỉ còn cách chữa mò.

Điều trị cúm không cần xét nghiệm: Chữa mò ảnh 1

Bệnh nhân cúm A/H1N1 và thân nhân nằm tràn ra hành lang Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia - Ảnh: Đỗ Hợp

Với những người có triệu chứng được đưa vào bệnh viện, bác sỹ sẽ tổ chức hội chẩn, nếu ho, sốt trên 38 độ C, nhất là trước đó từng tiếp xúc với người bị cúm hoặc có đến điểm phát dịch cúm thì phải điều trị. “Chữa mò nhưng cũng có cơ sở chứ không mò lung tung”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, cúm A/H1N1 đã lây ra cộng đồng, làm sao xác định được người có triệu chứng từng tiếp xúc với người bị cúm thì ông Dũng nói “đó là vấn đề khó nhưng biết sao bây giờ”.

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, bác sĩ Từ Thanh Chương - GĐ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện có hai labo xét nghiệm được cúm A/H1N1 là BV Đa khoa Đồng Nai và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế công nhận. Trong khi mẫu bệnh phẩm gửi lên các đơn vị xét nghiệm ở TPHCM lại phải chờ và những nơi này cũng hết sinh phẩm xét nghiệm.

“Theo quy định của Bộ Y tế, điều trị theo triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 không phải chi phí cho xét nghiệm, nhưng lại gây không ít khó khăn” - Bác sĩ Chương cho biết.

Theo người đại diện Sở Y tế Đồng Nai, việc điều trị bệnh nhân sẽ khó vì không xác định dương tính cúm A/H1N1 thì làm sao điều trị đúng phác đồ.

“Nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho rồi cứ cho uống Tamiflu thì thuốc đâu cho xuể. Rồi còn chuyện tác dụng phụ nếu bệnh nhân không phải bị cúm A/H1N1 nữa” - bác sĩ Chương nói.

Theo bác sĩ Từ Thanh Chương, hiện Đồng Nai có 1.200 bệnh nhân đang điều trị theo hướng không xét nghiệm. Hiện tỉnh này cũng thành lập các đội chống dịch cơ động do các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đảm trách có chức năng quyết định việc điều trị bằng Tamiflu theo phác đồ cho bệnh nhân ở tuyến xã, phường khi nơi đây có ổ dịch xảy ra làm nhiều người mắc.

Ông Huỳnh Văn Nhị - GĐ Sở Y tế Bình Dương cho Tiền Phong biết, trước mắt chưa nghe phản ánh khó khăn từ tuyến cơ sở vì việc điều trị cúm A/H1N1 theo triệu chứng.

Tuy nhiên, ông Nhi cho biết, nhiều trường hợp nếu bệnh nặng sẽ rất khó khăn khi chẩn đoán và điều trị nếu như không xét nghiệm. Đó là chưa kể khi ổ dịch xuất hiện nếu như không xét nghiệm để cách ly sẽ rất khó khăn cho công tác dập dịch.

Bác sĩ Phan Văn Báu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng ngưng xét nghiệm cúm A/H1N1 sẽ lợi bất cập hại, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc chẩn đoán và điều trị. Theo bác sĩ Báu, nhiều loại virus gây bệnh cảnh tương tự như cúm A/H1N1 nên không xét nghiệm sẽ khó cho điều trị đúng bệnh.

“Bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 có bệnh lý tim mạch, viêm phổi nhưng không xét nghiệm thì không thể can thiệp điều trị thích hợp. Bệnh nhân có tử vong cũng không xác định được liệu có mắc cúm hay không, và cũng không thể xác định được tỷ lệ kháng thuốc” - Bác sĩ Báu cho biết.

Nguy hiểm hơn không xét nghiệm cúm A/H1N1 sẽ không có bằng chứng xác định ca dịch, ổ dịch nên việc triển khai quy trình cách ly, dập ổ dịch như quy định cũng khó thực hiện.

Tiến sĩ Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng hiện bệnh viện chỉ tiến hành xét nghiệm các ca bệnh nặng để chẩn đoán điều trị, còn bệnh nhân nhập viện nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 thì điều trị luôn mà không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, theo BS Hiền, không xét nghiệm sẽ rất khó chẩn đoán, điều trị.

Lấy đâu ra thuốc

Theo bà Đặng Thị Minh - Giám đốc Sở Y tế Nam Định, chủ trương của Bộ Y tế, khi dịch xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, các địa phương chủ động lên phương án. Tuy nhiên, sẽ khó khăn khi ở Nam Định, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu do hạn chế về kinh phí.

“Nếu cứ dịch lan tràn như hiện nay thì chúng tôi không biết lấy đâu ra thuốc vì hiện tại Sở Y tế Nam Định chỉ còn 3.000 viên Tamiflu. Trong khi đó riêng huyện Giao Thủy đã dùng 4.500 viên và huyện Nghĩa Hưng là 3.000 viên” - Bà Minh lo lắng.

Nam Định có 400 bệnh nhân mắc cúm, 86 bệnh nhân vẫn phải nằm điều trị. Với những bệnh nhân thể nhẹ thì có thể điều trị được chứ nếu các ca nặng, khó thở cần tăng cường máy móc là máy thở thì tuyến cơ sở và tuyến huyện không đủ trang thiết bị nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện tuyến trên.

Các bệnh viện của huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy,… đều quá tải. Tại các bệnh viện ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng đành phải cho bệnh nhân lao về nhà điều trị để lấy giường cho bệnh nhân cúm nằm.

Bà Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cũng cho rằng việc điều trị cúm A H1N1 ở các tuyến dưới đã dẫn đến những khó khăn trong công tác cách ly, điều trị cúm.

“Chúng tôi không được tiến hành xét nghiệm, không có định hướng điều trị, điều kiện cơ sở vật chất ngay tại các bệnh viện còn thiếu, thiếu thuốc men, trang thiết bị…” – Bà Lan nói.

Gia Lai: Bệnh nhân đầu tiên chết vì cúm A H1N1

Cơ quan chức năng Gia Lai xác nhận bệnh nhân Đinh Văn Tăng, dân tộc Bahnar, 14 tuổi, học sinh lớp 9, trường Cao Bá Quát, quê ở xã Đăk Sông, huyện Kông Chro, Gia Lai, tử vong sáng 8/10, dương tính với cúm A/H1N1.

Đinh Văn Tăng bị cảm cúm kéo dài, điều trị không khỏi, được gia đình chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Gia Lai ngày 5/10. Theo bệnh án, Đinh Văn Tăng mắc cúm A trên nền bệnh lao phổi và suy thận.

Điều ngạc nhiên là bệnh nhân này ở vùng sâu, vùng xa không hề tiếp xúc với bên ngoài trước khi có triệu chứng nhiễm cúm.

Đến nay tỉnh Gia Lai đã có 120 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 song đây là trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh này. 

MỚI - NÓNG