Di tích Côn Sơn: Rừng đã cháy và núi đã lở

Di tích Côn Sơn: Rừng đã cháy và núi đã lở
TP - Cháy! Tiếng kêu thất thanh vang lên giữa núi rừng Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương). Chỉ trong một buổi sáng của ngày hôm qua (17/5), đến 2 lần du khách ngoạn cảnh ở khu di tích Côn Sơn giật mình vì báo động cháy rừng...

Nếu như 2 loại cây đặc trưng trong Côn Sơn ca của ức Trai Nguyễn Trãi là thông và trúc, thì đến nay khung cảnh Côn Sơn trúc mọc đầy gò/ Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao không còn nữa, vì qua năm tháng cây trúc ở đây gần như đã bị tuyệt diệt.

Còn một Côn Sơn thông tốt ngất trời/ ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do đang từng ngày bị đe doạ bởi giặc lửa.

Quả thực, sáng hôm qua chúng tôi đã tận mắt chứng kiến 2 đám cháy lớn, nhỏ khác nhau tại khu di tích này. Đám cháy thứ nhất, theo bà Sâm cũng là đám cháy đầu tiên trong năm nay ở Côn Sơn.

“Cháy rừng ở đây đã thành chuyện thường niên. Khi cháy lớn, lúc cháy nhỏ, lần mòn cướp đi của khu di tích những cây thông tốt, nhưng đến nay vẫn chưa thể có biện pháp khắc phục triệt để”.

Bà Phùng Bích Sâm-Phó Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc

Nó nhanh chóng được dập tắt bởi lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ (gồm một tổ kiểm lâm 4 người và vài ba nhân viên của khu di tích...) chỉ với những dụng cụ thô sơ.

Nhưng “đám cháy này đã phát đi tín hiệu về một mùa hè nóng bỏng”- Một nhân viên kiểm lâm thốt lên lúc dùng gót giày dẫm tắt đốm lửa cuối cùng ở hiện trường cháy.

Khi mồ hôi trên lưng áo của lực lượng chữa cháy còn chưa kịp khô hết, thì đám cháy thứ hai âm thầm diễn ra. Chưa đến nửa giờ đồng hồ, đám cháy từ chỗ nhỏ thôi đã bùng phát khỏi sự kiểm soát của những bóng người lẻ loi.

Nhiều giờ sau, tiếp viện chưa đến, nhưng dưới những cuộn khói đen ùn ùn bốc lên, cả một khu rừng thông vừa xanh mát đã xám đen hoang tàn. Chứng kiến đám cháy rừng, nhiều du khách không khỏi ngậm ngùi lắc đầu...

Núi bị “xẻ thịt”

Chỉ cách đám cháy không xa, một quả núi nằm trong dãy núi bao quanh khu di tích Côn Sơn đang bị “xẻ thịt” từng ngày. Theo một người dân địa phương thì đây là quả núi thiêng có tên là núi Rùa, một trong bốn ngọn núi (Long-Ly-Quy-Phụng) nằm kề nhau hình chiếc ngai bao bọc khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc và đền thờ Chu Văn An.

Mặc dù là núi thiêng nhưng vẫn bị khai thác đất đá, không những ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu di tích, mà còn tác động xấu đến môi trường sống của người dân.

Nhắc đến núi Rùa, ông Nguyễn Quy Mộc-Trưởng thôn Cầu Dòng, nơi có quả núi đang bị khai thác- trầm ngâm:

“Là địa bàn dân cư cận kề di tích Côn Sơn, có thể nói mỗi tấc đất ngọn núi ở đây đều in đậm các chứng tích lịch sử. Tuy nhiên, năm tháng qua đi, đã xuất hiện nhiều dị bản về các sự tích  cũng như cách gọi tên các địa danh.

Dù quả núi đang bị khai thác ở thôn chúng tôi, có người gọi là núi Rùa, có người không gọi như vậy, nhưng chắc chắn là việc khai thác nó không thể nói là tốt cho cảnh quan cũng như môi trường.

Biết vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi đến, thì công ty khai thác đất đá ở quả núi này đều đưa ra các giấy tờ hợp lệ có đóng dấu đỏ của cấp trên, nên chúng tôi cũng không thể can thiệp gì được”.

Trả lời về việc núi thiêng bị khai thác, ông Hoàng Công Chương-Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (thôn Cầu Dòng thuộc xã Cộng Hòa) cũng nói rằng chủ trương cho phép khai thác quả núi là của cấp tỉnh và cấp huyện, còn “cấp xã chỉ chấp hành chủ trương của cấp trên”.

Ông Chương cho biết: “Hiện nay nhu cầu san lấp mặt bằng để xây dựng các khu đô thị mới ở Hải Dương rất lớn, nếu không lấy đất đồi núi thì không biết lấy đâu được”.    

Côn Sơn là một di tích cấp quốc gia, nhưng đến nay một bản đồ cụ thể về di tích này vẫn chưa có, tất cả mới chỉ có ở một sơ đồ cũ kỹ, chính vì vậy bà Sâm chỉ biết than thở về quả núi bị xẻ thịt rằng “có thể quả núi này nằm ở vành đai II của khu di tích, nhưng ngay cả vành đai I chúng tôi cũng còn lúng túng trong việc định ranh giới và bảo vệ”.

Được biết cả chính quyền xã Cộng Hòa và Ban quản lý di tích đều đang chờ một bản đồ quy hoạch cụ thể về Khu di tích Côn Sơn, trong khi đó rừng đã cháy và núi đã bị “xẻ thịt”.

MỚI - NÓNG