Đình chỉ ngay việc thi hành tiêu chuẩn sức khoẻ cho người lái xe

Đình chỉ ngay việc thi hành tiêu chuẩn sức khoẻ cho người lái xe
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn trao đổi với PV chiều 26/10 xung quanh những tiêu chuẩn sức khỏe lái xe của Bộ Y tế

>> Bộ Y tế giải thích về "ngực lép" không được lái xe
>> Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn!
>> Xem xét lại việc "40kg không được đi xe trên 50cm3"
>> Bộ Y tế khẳng định: Dưới 40kg không được đi xe xe máy trên 50cm3
>> Nặng dưới 40 kg không được lái xe máy trên 50cm3 

Đình chỉ ngay việc thi hành tiêu chuẩn sức khoẻ cho người lái xe ảnh 1
Tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe sẽ có thay đổi theo đề xuất của bộ y tế (tại một trung tâm dạy lái xe trên hệ thống máy vi tính - ảnh minh hoạ).

Trước đó, ngày 24/10, Cục KTVBQPPL đã có CV số 120/KTrVB đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc "tự kiểm tra, xử lý" đối với QĐ số 33/2008/QĐ-BYT "về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" và QĐ số 34/2008/QĐ-BYT "về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người khuyết tật điều khiển xe môtô, xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật" theo tinh thần: "Đình chỉ ngay việc thi hành, tạm ngừng hiệu lực áp dụng".

Thưa Cục trưởng, trên cơ sở nào Cục KTVBQPPL có đề nghị như trên?

Cục KTVBQPPL thấy rằng, việc ban hành các tiêu chuẩn sức khoẻ của người điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết. Tuy vậy, căn cứ vào Điều 55 Luật Giao thông đường bộ thì: "Người lái xe phải có sức khoẻ phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe và quy định việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người lái xe ôtô".

Đồng thời, căn cứ vào CV số 1992/TTg-CN ngày 21.12.2007 của Thủ tướng về việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới dùng cho người tàn tật thì Thủ tướng đã giao: "Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ GTVT quy định về sức khoẻ, mức độ bị hạn chế về vận động của người tàn tật được phép sử dụng xe cơ giới dùng cho người tàn tật".

Như vậy, việc quy định tiêu chuẩn sức khoẻ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ liên tịch ban hành. Việc Bộ Y tế tự ban hành "tiêu chuẩn sức khoẻ" là không đúng thẩm quyền.

Cục trưởng có thể giải thích thêm về khẳng định các QĐ 33 và QĐ 34 của Bộ Y tế không đúng thẩm quyền và đi ngược lại cải cách hành chính?

Qua nghiên cứu nội dung hai QĐ trên, chúng tôi thấy rằng việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn (83 tiêu chuẩn), đặc biệt có những tiêu chuẩn cụ thể về chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác lỏng lẻo sẽ khiến một bộ phận công dân không được sử dụng phương tiện giao thông nữa, trong khi hiện nay họ đang sử dụng an toàn và bình thường, là không phù hợp với pháp luật.

Các QĐ trên đã hạn chế quyền của công dân trong việc sử dụng tài sản, ở đây là phương tiện giao thông. Thứ hai, việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn cũng không bảo đảm được yêu cầu về cải cách hành chính là đơn giản, thuận tiện cho người dân.

Việc ban hành QĐ33 và QĐ34 có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dễ dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khoẻ cho người điều khiển phương tiện.

Trong trường hợp Bộ Y tế bảo lưu ý kiến thì Cục KTVBQPPL sẽ xử lý ra sao, thưa Cục trưởng?

Chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoài Nam
Lao động

MỚI - NÓNG