Đìu hiu cù lao tỷ phú

Đìu hiu cù lao tỷ phú
TP - Phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) nằm trọn một cù lao giữa sông Hậu, mấy năm trước được mệnh danh “cù lao tỷ phú” vì có nhiều người nuôi cá tra, sắm xe hơi đắt tiền. Nhưng tháng Tư này, không khí đìu hiu, ao hồ hoang hóa.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc Phạm Văn My nói: “Chuyện tỷ phú cá tra mua xe hơi bạc tỷ không còn nữa. Nhiều ông phải bán xe, cầm cố đồ đạc vì lỗ”. Cơ số xe hơi của phường từ hơn 10 chiếc nay chỉ còn hai. Sau vụ cá cuối năm 2008, đa số lỗ, từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng. “Chưa khi nào thấy nghề nuôi cá bạc bẽo như vậy”, ông My nói thêm.

Toàn phường có 179 hộ nuôi cá tra với tổng diện tích trên 243 ha nay giảm xuống chỉ còn chừng 180 ha (giảm 1/4). Khoảng 30 hộ kêu bán hoặc cho thuê ao, và chừng ấy hộ treo ao hẳn vì không có tiền đầu tư tiếp. Nhiều hộ thu hẹp sản xuất để cầm cự.

Phó chủ tịch My kể về đại gia số một của phường, ông Trần Phước Đời, có trên 20 ha ao nuôi. Ông Đời lỗ chục tỷ đồng. Ông quyết giữ nghề nuôi cá tra nhưng gom góp vốn liếng và vay mượn từ nhiều nguồn, nay cũng chỉ đủ sức nuôi trên 1/2 diện tích, còn lại bỏ trống.

Sau vụ cá cuối năm 2008, gia đình ông ôm nợ ngân hàng hơn hai tỷ đồng. Ba ao cá của ông hồi mua ngoài năm tỷ đồng, bây giờ thua lỗ, rao bán không ai ngó. Ông Nguyễn Duy An ở khu vực Long Châu chua chát: “Muốn bán cho xong, trả nợ ngân hàng rồi kiếm nghề khác làm ăn. Nghề cá bây giờ chua lắm. Thấy có ăn thì đổ xô nuôi, đến khi thừa, cá không ai mua thì rủ nhau chết chùm hết”.

 Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ): “Chuyện sang nhượng ao cá, bỏ nghề đang xảy ra ở rất nhiều nơi tại ĐBSCL. Các hộ nuôi cá kiệt sức sau những vụ chạy theo phong trào. HTX Thới An tồn tại nhờ nuôi cá theo hợp đồng liên kết với Cty Cổ phần Hùng Vương theo nguyên tắc nông dân lo con giống và nuôi cá, doanh nghiệp cung cấp thức ăn và kỹ thuật. Khi thu hoạch nông dân được hưởng 2.500 đ/kg cá nguyên liệu”.

Ở khu vực Tân Mỹ, Tân An, Đông Bình trước đây tập trung nuôi cá nhiều nhất phường thì nay ao nuôi treo cũng nhiều nhất phường.

Bà Trần Thị Ba ở khu vực Tân Mỹ chỉ vào ao cá chừng một ha nói: “Để hoang mấy tháng nay rồi, đang tìm mối cho thuê mà chưa được”. Bà cho biết sau vụ cá cuối năm 2008, bà thua lỗ hàng trăm triệu đồng, không có tiền đầu tư tiếp nên đành bỏ hoang.

Kết thúc năm 2008, ĐBSCL có khoảng 25 phần trăm số hộ nuôi cá tra bị phá sản, 30 phần trăm số hộ nuôi mất vốn, 40 phần trăm số hộ không trả được nợ ngân hàng. Hiện nay, khoảng 40% diện tích trong 6.000 ha ao nuôi cá tra cao điểm giữa năm 2008, đang treo.

Cuối năm 2008, cá tra giá chưa tới 14.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 2.000 đồng/kg. Đã vậy còn không có người mua. Cuối cùng, của đắt tiền không chỉ xe hơi mà cả ca nô cao tốc, đất đai trong nhà mới sắm lại đội nón ra đi. Nay giá cá tra nhích lên thì đa số hộ nuôi không còn được hưởng.

Cách đây một năm, nghề nuôi cá tra đang thịnh, đất nuôi cá ở Tân Lộc đắt như vàng. Có chỗ lấy và thoát nước, mỗi ha giá bạc tỷ. Còn hiện nay, ông Nguyễn Duy An rao bán ba ao cá với diện tích khoảng hai ha cặp mé sông Hậu, giá hai tỷ đồng mà bốn tháng qua chẳng thấy người hỏi mua.

“Mình mới đổ bể xong nên người ta cũng ngại đầu tư, còn nghe ngóng đã. Giá cá có tăng đấy nhưng ai cũng sợ”- ông An kể.

Có thông tin Chính phủ hỗ trợ cho các hộ vay lãi suất thấp nhưng chưa có hộ nuôi cá tra nào tiếp cận được với vốn vay. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.