Dìu nhau đi về phía yêu thương

Tay trong tay đôi tình nhân không tuổi hạnh phúc đi khắp thế giới.
Tay trong tay đôi tình nhân không tuổi hạnh phúc đi khắp thế giới.
TP - Mắt ông không còn nhìn thấy nữa, tựa vào cánh tay gầy của bà, đôi tình nhân ấy không ngần ngại chọn Việt Nam làm đích đến hằng năm cho tới khi nào còn có thể, chỉ để được giúp đỡ và sẻ chia...

Phải lòng ngay lần gặp đầu tiên!

Lần ra Hà Nội công tác đầu năm 2014, tôi tình cờ gặp nhóm thành viên Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi. Ða số họ là giáo chức về hưu, do bà Nicole Trampoglieri là Chủ tịch, đang thực hiện một số chương trình thiện nguyện tại quận Ðống Ða. 

Nghe giới thiệu tôi là một “ma xó” ở Tây Nguyên, nhóm Hội Hữu nghị cho biết họ muốn đến thủ phủ cà phê nước Việt, nơi có nhiều di sản văn hóa Pháp, nhưng còn ngần ngại rắc rối về thủ tục an ninh. Nếu được, bà Nicole đề nghị nhờ tôi “bắc cầu” hướng dẫn mọi thứ tại Buôn Ma Thuột, và tạo điều kiện cho nhóm tham gia thực hiện một phần việc từ thiện nho nhỏ trên vùng đất mới.

Khi đó Ban Ðại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đang chuẩn bị tổ chức trao học bổng Ðọt Chuối Non lần thứ Năm. Nghe tôi giới thiệu về chương trình chuyên nâng đỡ những học sinh đặc biệt hiếu học, hiếu thảo này, Hội Hữu nghị nhất trí nhận lời tài trợ mỗi năm 10 suất, mỗi suất 2 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng giá trị lan tỏa ý nghĩa chương trình học bổng bé nhỏ sang tận trời Âu khiến tôi ấm lòng. Tháng 11/2014, đoàn của Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi lần đầu tiên đến Ðắk Lắk, gồm thủ thư Evelyne Boscheron mắt xanh biếc tóc đỏ xù, tiến sĩ môi trường Eric Marazanoff tráng kiện vui tính, ông Raymond Trampoglieri thường trực kính đen chống gậy dò đường, và bà Nicole Trampoglieri nhanh nhẹn tinh tế mọi nơi, mọi lúc.

Tranh thủ đến thăm nơi ăn ở, cách sinh hoạt học hành của các học sinh khuyết tật, rồi sáng hôm sau chăm chú theo dõi suốt chương trình trao học bổng trước một sân trường rộng lớn ở nội thành Buôn Ma Thuột, khi được mời lên bục đại diện các nhà tài trợ phát biểu, bà Nicole ôm ngực nói buổi lễ giàu tính nhân văn, đã cho bà cùng nhóm đồng hương cảm nhận được sâu sắc tình người quá nồng hậu. Dù Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi chỉ là một hội nhỏ, nhưng đoàn hứa tài trợ học bổng dài lâu cho chương trình. 

Dìu nhau đi về phía yêu thương ảnh 1

Bà Nicole cùng ông Thái Văn Tài, Phó giám đốc sở GD&ÐT Ðắk Lắk trao các phong bì học bổng do Hội Hữu nghị tự thiết kế.

Nhưng rồi trước ngày chúng tôi tổ chức đợt trao học bổng Ðọt Chuối Non vào mùa thu năm 2015, khủng bố đẫm máu đã xảy ra giữa Paris. Từ Pháp, bà Nicole Trampoglieri nhắn tôi gửi danh sách 10 gương sáng để Hội tiếp tục tài trợ. Dù không trực tiếp sang được, Hội đã thiết kế bì thư đựng tiền học bổng theo mẫu riêng, ủy quyền nhờ phó giáo sư Trịnh Ðức Thái- trưởng khoa Pháp văn trường đại học Ngoại ngữ bay vào, trao tận tay các học sinh hiếu học, hiếu thảo.

Tháng 11/2016, lần trao học bổng Ðọt Chuối Non thứ 8, chúng tôi lại được đón ông bà Trampoglieri, phiên dịch là nữ nghiên cứu sinh 20 tuổi Trịnh Bích Thủy, con gái phó giáo sư Trịnh Ðức Thái, cũng là con gái nuôi của vợ chồng bà Nicole. Vẫn tự tay trao 10 suất học bổng thiết kế sẵn mẫu phong bì trang nhã với logo Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi. Bà Nicole khen chương trình chọn được rất nhiều nhân cách sống đẹp từ tuổi bé thơ để tôn vinh, nâng đỡ. Riêng bà thật sự rúng động trước nữ sinh xương thủy tinh Ðỗ Trần Tú Uyên, cô gái “đến ho cũng gãy xương”, nặng chỉ 11 kg mà vẫn chăm ngoan học giỏi, với nghị lực sống phi thường. 

Dìu nhau, và cho đi mãi mãi

Ðưa ông bà Trampoglieri tham quan hồ Lắk, buôn Ðôn, tôi ấn tượng với cách bà chăm sóc ông dịu ngọt, ân cần, còn ông luôn sẵn sàng vượt mọi trở ngại theo bà đến bất cứ nơi đâu. Trước khi bước lên cầu treo dập dềnh chao như đưa võng, trên mặt sông Sêrêpôk, tôi ngại ngần nhìn Raymond. Ông bình thản nắm chặt cánh tay bà Nicole, tay kia cầm gậy cẩn thận dò trên mặt cầu tre trơn bóng, thong thả đi từ đoạn cầu này sang nhánh cầu khác. Gương mặt đôi vợ chồng tuổi đã ngoài bảy mươi rạng ngời niềm tin yêu, vui sống.

Thời trẻ, kỹ sư xây dựng Raymond đi nghĩa vụ sang Senegal, đất nước nghèo khó vùng Tây Phi, nhận ra việc xây nhà ở đây không cấp thiết bằng việc giúp cộng đồng dân cư thất học được tiếp cận với tri thức, nên quay về học nghiệp vụ sư phạm. Ông trở lại Senegal dạy học, trước khi chuyên trách mảng giáo dục suốt 40 năm ở Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp. Ông gặp lại bà Nicole, nữ giáo viên tiểu học tận tụy với nghề năm 1993. Bỏ lại quá khứ rạn vỡ, họ tái hôn, cùng làm việc tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia, và đến hơn 20 nước trên thế giới để giúp đỡ người nghèo, trẻ em khốn khó.

Dìu nhau đi về phía yêu thương ảnh 2

Gian hàng gây quỹ học bổng của Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy Le Roi.

Thành phố Choisy Le Roi bé nhỏ, vệ tinh của thủ đô Paris vào mùa mưa tiết trời ẩm ướt kéo dài. Tại đó, ông bà Trampoglieri đón cô con nuôi Bích Thủy, cử nhân tiếng Pháp qua rèn ngôn ngữ trong căn hộ chung cư rộng khoảng 80m2. Là đơn vị hành chính của nước Pháp kết nghĩa với quận Ðống Ða - Hà Nội, chính quyền thị trấn giành hẳn một căn nhà cho sinh viên và giảng viên khoa tiếng Pháp từ Việt Nam hằng năm sang giao lưu, học hỏi. Vì sao sự chí tình này lại đến từ Choisy Le Roi?

Câu hỏi của tôi khiến ông bà Trampoglieri hồi tưởng quá khứ. Thì ra suốt cuộc đàm phán lịch sử 4 bên kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973, để dẫn đến ký kết Hiệp định Paris, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gọi là phái đoàn Bắc Việt chủ yếu cư ngụ tại Choisy Le Roi. Sự bình dị ân cần về tính cách, cứng rắn như thép về tình yêu nước, uyển chuyển khéo léo của ngoại giao đoàn, đặc biệt vẻ duyên dáng lịch lãm của “Madame Bình” trưởng đoàn đàm phán đã được trí thức địa phương ngưỡng mộ sâu sắc. Raymond và Nicole lúc đó cũng hào hứng tham gia đội tình nguyện hỗ trợ ngoại giao đoàn, khiến Choisy Le Roi “đỏ” hơn bao giờ hết với rất nhiều cuộc biểu tình công khai đòi chấm dứt chiến tranh, bày tỏ tình đoàn kết và quyên góp tiền ủng hộ Việt Nam.

Vì vậy, ngay sau khi nước Việt thống nhất, quận Ðống Ða, Hà Nội và thành phố nhỏ Choisy Le Roi nhanh chóng kết nghĩa. Còn bà Nicole trong chuyến đi đầu tiên tháp tùng Thị trưởng Choisy Le Roi sang dự đại lễ Nghìn năm Thăng Long, lập tức “phải lòng Việt Nam” để rồi sau đó, hằng năm bà đều cùng chồng thay mặt Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng này trao hàng trăm suất học bổng, tổ chức nhiều lớp song ngữ cho học sinh quận Ðống Ða, hỗ trợ khoa tiếng Pháp trường đại học Ngoại ngữ đưa sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh sang Pháp thực tập. Ðể có nguồn tài trợ, gần 50 hội viên Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy le Roi gây quỹ bằng cách quyên góp, nộp phí thành viên, bán hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, xin tài trợ từ chính quyền địa phương, mở hội chợ hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán... 

Cùng bà Nicole Trampoglieri chọn mua những món quà lưu niệm nho nhỏ, như vòng tay gỗ, áo váy thổ cẩm để ông bà góp vào quầy Hội chợ Tết Ðinh Dậu 2017 tại xứ “chú gà trống Gô-loa”, tôi hỏi ông bà sẽ trở lại Tây Nguyên bao nhiêu lần nữa? Ðôi bạn đời tuyệt diệu ôm hôn tôi thắm thiết và hứa: Nhất định sẽ trở lại hàng năm, cho đến khi nào sức khỏe không còn cho phép. Bởi hạnh phúc luôn đến từ nơi tình người vẫy gọi...

MỚI - NÓNG