Đô thị lộn xộn

Đô thị lộn xộn
Đã có nhiều công dân thiệt mạng khi ra đường vì bị điện giật, trong khi trên đầu nhiều người dân ở đô thị hiện nay là hệ thống dây điện, cáp viễn thông như “thiên la địa võng”.

Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy thu nhập người dân đô thị tăng nhưng môi trường sống ngày càng căng thẳng.

Đô thị lộn xộn ảnh 1

Trạm điện thoại công cộng hư hỏng, kính vỡ sắc cạnh dễ gây thương tích cho người đi đường (ảnh chụp tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Ngô Trung Hải (quyền viện trưởng Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng) nói: Nhiều đô thị hiện giờ rơi vào tình trạng lộn xộn. Nếu không nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng một cách đồng bộ thì sẽ có nhiều sự cố trong vòng mười năm tới, nhất là đối với những thành phố lớn.

Bây giờ có thể gọi Hà Nội và TP.HCM là thành phố cực lớn rồi. Thế giới định nghĩa mega city (siêu đô thị) là thành phố có trên 10 triệu dân. Vậy thì tương lai không xa, Việt Nam sẽ có mega city với những bài toán hết sức hóc búa của nó.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến đô thị rơi vào tình trạng lộn xộn?

Phát triển đô thị như vừa qua cho thấy sự nôn nóng. Nhà đầu tư chưa có đường đã làm khu đô thị. Người dân chưa có phép đã xây dựng. Không ai tuân thủ theo một quy trình gì hết. Chính quyền cũng nôn nóng, nhiều khi chưa có gì cũng cấp phép. Cứ như thế càng ngày càng sai lệch.

Chúng ta biết rằng, những nước có bộ mặt đô thị đẹp thì không ai được phép nôn nóng, ví dụ làm đường và hạ tầng xong thì mới được xây dựng khu đô thị, người dân muốn xây nhà phải có phép, nếu quy định là xây mái ngói thì nhất quyết phải mái ngói không được mái bằng... Nghiêm túc như vậy mới làm được cái gì hoàn chỉnh cái đó. Quy hoạch đặt ra rồi thì phải tuân thủ.

Còn ở ta, ngay tại thủ đô mà quy hoạch vành đai hai, vành đai ba hơn mười năm nay đã làm xong đâu, mặc dù ý tưởng quy hoạch rất tốt, nếu chưa làm xong thì không nên đổ lỗi cho quy hoạch. Ở đây, vấn đề nằm ở khâu thực hiện quy hoạch.

Đô thị lộn xộn ảnh 2
Trạm điện thoại công cộng hư hỏng, kính vỡ sắc cạnh dễ gây thương tích cho người đi đường (ảnh chụp tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Lẽ ra phải hướng đến những “đô thị không dây” thì có vẻ như nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố bám lấy cột điện?

Đô thị nhiều loại dây treo trên cao sẽ ít an toàn cho người dân. Chúng ta biết rằng, có những doanh nghiệp chỉ đơn giản làm một động tác kéo dây cáp qua cột điện vào nhà khách hàng, vậy là yên tâm thu tiền hằng tháng. Trong khi đó, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải hạ ngầm hệ thống dây cáp của mình.

Sâu xa hơn, câu chuyện nằm ở cách phát triển đô thị lâu nay, trong đó có cả những khu đô thị mới. Nó xuất phát từ động cơ muốn thu lợi ngay chứ không nghĩ rằng đô thị phải tồn tại lâu dài.

Người ta chỉ đơn thuần xây vỉa hè xong, bán đất, nhà dân mọc lên, có điện chiếu sáng thì nghĩ vậy là ổn, mà không thấy câu chuyện đô thị sẽ còn kéo theo nhiều vấn đề khác trong tương lai.

Đô thị lộn xộn ảnh 3
Ông Ngô Trung Hải. Ảnh: Tuổi Trẻ

Với nhiều đô thị ở nước ta hiện nay, việc hướng đến trở thành đô thị văn minh theo nghĩa tạo cảm giác thoải mái cho người dân trong sinh hoạt chắc còn lâu, bởi vì ngay cả điều đơn giản là an toàn trước lưới điện khi ra đường cũng chưa có được?

Tôi xin lấy ví dụ về ngõ hẻm ở TP.HCM. Sao không quy hoạch đường to, nếu ở trong hẻm có cháy sao xe chữa cháy vào được?

Thật ra, mấy chục năm không làm được vì không có ai làm. Không có chính quyền cấp quận hay cấp phường nào đứng ra vận động tổ dân phố, vận động từng người dân chịu lùi nhà mình vào một tí để cái ngõ to ra. Đã có ai vì việc chung mà đứng ra vận động như vậy chưa?

Trong khi đó, kinh nghiệm ở Cần Thơ cho thấy, việc nông hẻm (mở ngõ to ra) hoàn toàn có thể làm được, giờ đây nhiều ngõ hẻm ở Cần Thơ đã đẹp hơn hẳn.

Nghĩa là một trong những đòi hỏi lớn nhất là chính quyền có trách nhiệm hơn nữa với người dân, chủ động giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hằng ngày của người dân cũng là của đô thị?

Tất nhiên ở đây có nhiều vấn đề liên quan. Có thể việc nông hẻm đã được nghĩ đến nhưng ai đó thấy... khó quá lại thôi.

Ví dụ như ông chủ tịch phường, lương được bao nhiêu mà đủ sức đi vận động từng nhà dời vào để ngõ rộng ra.

Nói về việc vận động dân, người ta thường nhắc đến việc ông bí thư Thành ủy Đà Nẵng đi đến tận nhà dân để trò chuyện, thuyết phục. Chúng ta thường rất giỏi vận động quần chúng, nhưng cụ thể trong việc vận động quần chúng để chỉnh trang đô thị thì hình như chưa tốt lắm.

Theo Võ Văn Thành - Thu Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.