Đổ tiền khoan giếng tìm nước giữa lòng hồ

Một giếng trung chuyển nước.
Một giếng trung chuyển nước.
TP - Hồ chứa nước Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã khô kiệt hoàn toàn. Người dân địa phương phải bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng khoan giếng sâu 40-50m giữa lòng hồ để tìm nguồn nước tưới cây, nuôi gia súc.

Hạn nặng chưa từng thấy

“Nhà tôi có 7 sào nho, không có nước tưới phải bỏ hơn 4 sào, chỉ còn 2,8 sào”. Chị Phạm Thị Thái Hiền ở thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải nói, trong khi dẫn tôi đi xem vườn nho bỏ hoang. Năm 2015 hạn nặng, anh Dương Phá Thiên, chồng chị Hiền đã thế chấp giấy tờ đất, vay được từ Agribank 150 triệu đồng đầu tư hệ thống giếng khoan, máy bơm nước, hệ thống tưới phun. Khoan đến 5 giếng mà không trúng mạch nước, không có nước, những giàn nho nhà chị Hiền tàn lụi dần. May có hàng xóm khoan trúng mạch, san sẻ cho quyền sử dụng giếng khoan, vợ chồng chị Hiền giữ được 2,8 sào nho.

Trước kia hai vợ chồng làm không hết việc, nay phải bỏ đất không, anh Phá Thiên phải đi làm thuê, để vợ con trông vườn và đàn cừu. Đàn cừu nhà chị Hiền đầu năm 2015 có 23 con, do thiếu nước, thiếu cỏ ăn nên chết dần, nay chỉ còn 14 con. “Không còn tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng, chúng tôi tính vay nóng 15 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng để khoan giếng tìm nước một lần nữa, may ra trúng mạch”, chị Hiền nói.

Theo ông Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, năm 2015, xã đã bị hạn nặng, năm nay hạn đến sớm hơn, khốc liệt hơn, mọi ao, hồ, giếng đều cạn nước. Hồ Ông Kinh có dung tích thiết kế 834.000m3, cung cấp nước tưới cho 150 ha canh tác đã cạn kiệt hoàn toàn từ cuối tháng 1. Xã có gần 300 ha đất canh tác, nay chỉ còn 45 ha nho, 18 ha táo, 25 ha cỏ có nước tưới. Đàn dê, bò, cừu của xã có 23.000 con, tuy chỉ 67 con bị chết được xác nhận và cấp tiền hỗ trợ, nhưng số bị chết do người dân báo lên rất nhiều.

Tốn cả trăm triệu đồng khoan lòng hồ tìm nước

Hồ Ông Kinh có dung tích 834.000m3, nay nước chỉ còn đọng trong một vũng rộng chừng 10m2. Cả lòng hồ trắng xóa màu cát, rải rác những đàn cừu gầy lang thang mót những ngọn cỏ hiếm hoi còn có thể mọc lên. Cách dăm chục mét lại có một giếng khoan hoặc một hố đào để tìm nước. Đang cùng hai người em sửa máy bơm nước, anh Nguyễn Hữu Mộc, ở thôn Mỹ Tường 1 cho biết, trong lòng hồ Ông Kinh hiện có hàng trăm giếng khoan tìm nước. Năm 2015, khoan sâu khoảng 25m - 30m là có nước, năm nay phải khoan sâu 40m - 50m. Mỗi giếng khoan tốn khoảng 25-30 triệu đồng, nếu gặp đá không khoan sâu được hoặc khoan không trúng mạch nước phải khoan lại, chi phí cho mỗi giếng khoan còn cao hơn.

Tuy nhiên, khoan giếng tìm thấy nước mới là bước đầu tiên. Tiếp theo, phải đào giếng hay ao để chứa nước bơm từ giếng khoan lên, rồi bơm nước từ ao về vườn. Nhà anh Mộc có 5 sào đất trồng hành, ớt ơ cách hồ Ông Kinh 500m, tổng chi phí cho giếng khoan, ao, máy bơm, ống dẫn nước là hơn 60 triệu đồng. Gia đình anh Trần Tịnh có 7 sào đất trồng nho ở cách hồ Ông Kinh gần 2km, riêng tiền xây một giếng sâu 7m, rộng 6m để trung chuyển nước đã tốn 46 triệu đồng, tổng chi phí để đưa nước về vườn nho là trên 100 triệu đồng.

“Nhờ có ông Bộ trưởng Cao Đức Phát về đây thăm và chỉ đạo, cuối năm ngoái đường điện đã được kéo về lòng hồ, chúng tôi có điện chạy máy bơm, đỡ tốn, chứ năm ngoái chỉ 3 tháng chạy máy nổ để bơm nước, gia đình tôi tốn 9 chục triệu đồng”, anh Tịnh nói. Chị Hiền cũng cho biết, nhờ có điện lưới, số tiền chị phải chi để bơm nước từ gần 10 triệu đồng mỗi tháng đã giảm xuống 1,7 triệu đồng. Ông Phạm Khắc Hào xác nhận, năm 2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về xã Nhơn Hải kiểm tra tình hình hạn hán, đã chỉ đạo kéo điện về khu vực hồ Ông Kinh để dân có điện bơm nước. Chỉ sau mấy tháng, hệ thống điện về hồ Ông Kinh với kinh phí đầu tư 4,2 tỷ đồng đã hoàn thành.

Nhờ có nước giếng khoan, gia đình anh Trần Tịnh vẫn giữ được 7 sào nho. Nhưng anh lo, một vài tháng nữa nước ngầm ở lòng hồ Ông Kinh cũng cạn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.