Đổ xô uống nước thánh

Đổ xô uống nước thánh
TP - Hơn tuần nay, hàng nghìn người dân ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đổ xô về Miếu ông Hảo (thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để xin nước thánh.

Ngay tại miếu, các dịch vụ bán hương đèn, vàng mã, can nhựa đựng nước đắt như tôm tươi.

Đổ xô uống nước thánh ảnh 1
Chen nhau múc nước giếng Miếu ông Hảo (Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) về uống  Ảnh: Nguyễn Huy

Bệnh gì cũng khỏi

Sáng qua, có mặt tại khu vực giếng thánh, hơn chục người vây kín, chen lấn để giành múc nước. Phía bên ngoài hàng trăm người cũng đang xô đẩy để được đến lượt. Nhiều người còn dùng cả thuyền bơi trên sông Cu Đê để có thể tiếp cận được với giếng thánh.

Bắt đầu từ tin đồn “Nghe nói hơn tuần trước có một người ở Huế, có chồng bị bệnh ung thư gan, bệnh viện trả về. Đi xem bói thầy phán bệnh này chỉ có thuốc tiên mới chữa hết. Rồi thầy chỉ đường để đi lấy thuốc tiên.

Đó là từ cầu Nam Ô (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đi dọc con đường dẫn lên núi gặp Miếu ông Hảo, ở đó có một giếng nước ngọt tự sôi nằm sát bờ sông, lấy nước đó về uống sẽ khỏi bệnh”. Người này làm theo, lấy nước về cho chồng uống thấy hiệu nghiệm nên truyền miệng cho nhiều người khác. 

Phía trên miếu, từng đoàn người chen chúc vào làm lễ để xin ngài ban nước thánh. Khói hương, vàng mã cháy nghi ngút càng làm tăng vẻ huyền bí của ngôi miếu có hàng trăm năm tuổi.

Anh Nguyễn Tấn Lộc (Hòa Liên, Hòa Vang) kéo chúng tôi lại nói nhỏ: “Khoảng 20 ngày trước tui có lặn xuống giếng này, thấy có một ống sục khí nhỏ. Chắc chắn có người lợi dụng mê tín để kiếm ăn”.

“Phải đi sớm mới lấy được nước đầu tinh khiết, để trưa người đến xin nhiều chộn rộn sẽ mất thiêng”, bà Hòa, nhà ở Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã xin được đầy hai can nhựa nước đang ngồi ăn cơm gói theo từ sáng cho biết.

Nhiều người còn rỉ tai nhau, muốn nước linh nghiệm phải chờ đến chính ngọ hoặc nửa đêm, lúc giếng sôi (sủi bọt - PV) mới hiệu quả.

Theo quan sát, miệng giếng rộng chừng 50cm x 50cm, sâu khoảng một mét, nằm sát bờ sông Cu Đê. Phía trên là am thờ gắn vào cây đa cổ thụ, cách đường là một miếu nhỏ, cũ kỹ. Theo dân địa phương, Miếu ông Hảo có từ hàng trăm năm nay, cả giếng nước cũng vậy.

Bà Trương Thị Lệ, một trong những hộ dân sống gần khu vực giếng tỏ ra khá lạ lẫm: “Một số hộ gần đây, thấy nước ngọt và không bị chua như nước ở sông Cu Đê nên đã mắc ống xuống dưới giếng để lấy nước vào ăn uống, sinh hoạt chứ nào biết đích xác giếng thánh của thần thánh nào và có khả năng chữa bệnh gì.

Tự nhiên mấy ngày qua người ta kháo nhau chuyện nước thánh chữa bá bệnh rồi hàng nghìn người ùn ùn kéo đến khiến chúng tôi mất cả ăn, cả ngủ”.

Đổ xô uống nước thánh ảnh 2
Người dân rồng rắn kéo nhau đi múc nước thánh

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND Xã Hòa Liên cho biết, miếu có từ lâu đời, nằm trên địa bàn xã nên do xã quản lý. Hơn chục ngày qua thấy dân ùn ùn kéo đến, kháo chuyện nước thánh chữa bá bệnh. Xã đang đề nghị lấy giếng đi xét nghiệm và cử lực lượng dân phòng địa phương trực tại giếng để đảm bảo trật tự.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi sáng 11/4, hoàn toàn không có bóng dáng của một dân phòng nào.

Chẳng biết nước giếng linh nghiệm chừng nào, nhưng không ít người công mất tật mang. Nhiều người bị ngã xe, trầy xước chân tay do chen lấn, xô đẩy và đường đi khó khăn.

Ông Nguyễn Đa (65 tuổi, ở Lộc Điền, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) trên đường vào miếu không may bị té ngã, chân va vào đá trật khớp sưng vù vẫn cố chịu đau chen vào đám đông chờ đến lượt xin nước thánh.

“Tui bị đau đầu, chóng mặt rồi cả viêm xoang. Từ Huế đi xe đò hết bốn chục ngàn, thuê xe ôm ba chục nữa mới tới được đây. Cầu trời uống nước thánh xong sẽ hết bệnh”, ông Đa nói.

Đổ xô uống nước thánh ảnh 3
Hàng trăm người tập trung để chờ đến lượt

Loạn

Tui ở đây từ xưa đến chừ có nghe nói uống nước ở giếng này chữa được bệnh tật chi mô.

Ông Nguyễn Thừa (79 tuổi, ở thôn Trường Định)

Thấy mọi người đổ về Miếu ông Hảo xin nước thánh ngày một nhiều, chiều 10/4, Lê Quang (SN 1983, trú ở Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) cầm đầu nhóm thanh niên khoảng 10 người mang theo dây thừng, cọc tre chặn ngang đường vào miếu lập chốt thu phí. Theo đó, mỗi người khi đi qua chốt phải đóng 5.000 đồng.

Để thị uy, Quang cùng nhóm thanh niên vào miếu quậy phá, đuổi những người đã vào trước đó ra khỏi khu vực giếng nước. Quang lấy nước thánh ngậm vào miệng rồi phun vào những người đang kính cẩn cầu khấn xin nước.

Thấy việc chướng mắt, bà Trương Thị Lệ (61 tuổi), dân bản địa, la Quang không được làm bừa. Tức mình, Quang chạy lại đòi bóp cổ bà Lệ. Thấy vậy, ông Mai Phước Thọ (1964) và Lê Hữu Vương (1984) cùng trú ở thôn Trường Định chạy ra can ngăn liền bị nhóm của Quang đánh.

Chẳng có cơ sở khoa học nào để khẳng định nước giếng có khả năng chữa bệnh.

Ông Ngô Đức, Trưởng trạm y tế xã Hòa Liên

Hay tin, lực lượng dân phòng địa phương nhanh chóng đến hiện trường can thiệp. Nhóm thanh niên do Quang cầm đầu bỏ chạy.  Quang bị ngã xe dập đầu gối, rách môi gần bốn cm, được lực lượng dân phòng chuyển đi cấp cứu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Thành - Trưởng thôn Trường Định, cho biết: “Việc Quang cùng nhóm thanh niên lập chốt thu tiền và vào miếu quậy phá gây mất trật tự, chúng tôi đã lập biên bản chuyển lên Công an xã Hòa Liên.

Thông tin uống nước ở giếng Miếu ông Hảo chữa khỏi bệnh xuất phát từ đâu tôi không rõ. Khoảng một tuần nay mọi người kéo đến xin nước rất đông, một ngày cả mấy trăm người. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc với lãnh đạo xã”.

Bà Hồ Thị Bảy (53 tuổi, thôn Trường Định), người thường quét dọn ở Miếu ông Hảo, nói: “Khoảng từ đầu tháng Hai âm lịch, tui nghe mọi người đến đây hương khói bàn tán uống nước ở miếu chữa được nhiều bệnh nhưng chỉ ít người đến lấy. Gần đây họ mới đến nhiều, cúng bái, đốt hương trầm dữ lắm”.

MỚI - NÓNG