Đoàn trưởng Vũ Kỳ, thương nhớ anh

Đoàn trưởng Vũ Kỳ, thương nhớ anh
Anh được vinh dự phục vụ Bác Hồ từ tối 27/8/1945 tại 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Người trực tiếp giao Anh chức Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên xung phong trong 3 năm 1953-1956.
Đoàn trưởng Vũ Kỳ, thương nhớ anh ảnh 1

Ông Vũ Kỳ chăm sóc cây ở sân nhà riêng (phố Hoàng Cầu, Hà Nội)

Nghỉ hưu, Anh sinh hoạt cựu TNXP ở tổ 3, quận Đống Đa. Anh bảo:  Cứ gọi “Anh” cho trẻ trung…

Chiều ngày 6/3 vừa rồi Tổ trưởng Lê Hùng Ca cùng anh em vào Bệnh viện Hữu nghị chúc thọ Anh 85 tuổi, theo tuổi ta Tân Dậu (1921). Anh nhận ra chúng tôi qua ánh mắt muốn nói nhiều điều.

Riêng tôi, là quân của Anh từng làm đường tại ATK Việt Bắc nhưng chưa được gặp, mãi sau này ra công tác nước ngoài mới may mắn ít dịp Anh bảo làm đôi ba việc khi Anh đi theo Bác xuất ngoại. Những năm gần đây luôn được sang nhà giúp Anh tập luyện dưỡng sinh chữa bệnh, nghe Anh kể chuyện Bác Hồ và học được nhiều điều.

Gần tròn 24 năm tận tuỵ giúp việc Bác, tới những ngày cuối tháng 8/1969, bệnh tình Người đã nặng, Anh ngày đêm túc trực, vô cùng lo lắng – anh kể. Hồi đó, muốn có quả táo cho Bác, cũng phải bay qua nước bạn. Thiếu đủ thứ, phương tiện chữa trị thô sơ. Khi tim Người ngừng đập, các thầy thuốc chuyên gia còn làm hô hấp nhân tạo cả tiếng đồng hồ bằng miếng ván đè lên bộ ngực của Người. Đau đớn quá, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phải lệnh cho thôi để Người yên nghỉ…

Nhiều ngày liền, Anh đóng cửa phòng một mình vặn to băng nhạc tang đưa tiễn Bác để nghe cho… đỡ nhớ thương Bác. Bên Tổ chức muốn Anh nguôi ngoai, đề nghị Anh nhận một chức Thứ trưởng. Anh cảm ơn và xin ở lại lo nơi Bác yên nghỉ. Sau nữa, có điều kiện về với đồng bào, chiến sĩ mọi miền trên cả nước để cùng ca ngợi, tri ân Bác Hồ…

Rồi Anh mang bệnh, 3 lần lên bàn mổ từ 7,8 năm nay. Chính nếp sống lạc quan, sự kiên trì tập luyện và sự ham say công việc đã giúp Anh chống chọi nổi với bệnh tật, không một lời kêu rên.

Sáng ngày 2/9 năm ngoái vào viện lần cuối Anh còn tỉnh, Giám đốc Di tích Phủ Chủ tịch Bùi Kim Hồng đem vào biếu Anh hai quả bưởi hái trong vườn cây Bác Hồ. Anh hỏi quả hái ở cây nào và bảo đặt một quả lên tủ cao cạnh giường để dễ nhìn thấy, nhớ đến Bác.

Anh lại hỏi ngày 21/7 ta có nhớ làm giỗ Bác không? (2/9/1969 ngày Bác mất ngày ta là 21/7). Chị Trương Xuân Mai ngồi cạnh tôi nhanh nhẹn trả lời:  Dạ thưa, có ạ. Chúng cháu thổi xôi, làm gà… Anh dặn:  Được, được, ít thôi. Đĩa nhỏ xôi vò hương cau. Gà luộc thái mỏng không có mỡ. Một đĩa nữa vài miếng giò, chả quế, miếng đậu – thế là đủ…

Anh thường dặn chúng tôi:  Làm được việc gì dù nhỏ, có ích, cố gắng làm. Anh là một tấm gương. Năm 16 tuổi học sinh trường Bưởi, Anh đã tham gia phong trào học sinh yêu nước, rồi trở thành cán bộ hoạt động bí mật. Năm 1942 bị bắt, giam tại nhà ngục Hoả Lò. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, chi bộ Đảng nhà tù tổ chức cho anh em vượt ngục.

Anh trong số đó, hoạt động suốt đời cho Cách mạng. Tới những ngày tháng nằm liệt giường bệnh, đầu óc còn minh mẫn, Anh vẫn nhờ con cháu, anh em giúp anh làm việc…

Anh ơi, dịp sinh nhật Anh năm kia, 26/11/2003, vị lãnh đạo một tờ báo đề nghị Anh viết bài, Anh nói vui: - Thôi, để mình chuẩn bị bài đi nộp cho… Bác Hồ thôi…

Ngày ấy Anh đã yếu nhiều. Anh cười má hóp, răng rụng, anh em buồn đứt ruột. Thương lắm, Anh ạ !

Nay thì Anh đi thật rồi ! Đi vào cõi ngàn thu an lạc, tiếp tục làm vị Tiểu Đồng của Bác Hồ vô vàn kính yêu mãi mãi của dân tộc ta.

Xin vĩnh biệt Anh !

MỚI - NÓNG