Doanh nghiệp chê nhà ở xã hội: Vì lời ít, thủ tục nhiêu khê

Sau 3 năm lo thủ tục, dự án nhà thu nhập thấp của bà Thê vẫn là bãi đất trống
Sau 3 năm lo thủ tục, dự án nhà thu nhập thấp của bà Thê vẫn là bãi đất trống
TP - Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong số hơn 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp được đăng ký, đến nay mới có 2 dự án đang xây dựng và 4 dự án xong phần thủ tục! Ngoài quỹ đất, nguồn vốn thì thủ tục, cơ chế là hai rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp, người dân muốn tham gia chương trình này.
Sau 3 năm lo thủ tục, dự án nhà thu nhập thấp của bà Thê vẫn là bãi đất trống
Sau 3 năm lo thủ tục, dự án nhà thu nhập thấp của bà Thê vẫn là bãi đất trống.


Hiệu quả thấp

Với kinh nghiệm xây nhà xã hội từ khi TP Hồ Chí Minh mới thí điểm cách đây cả chục năm, Tổng giám đốc Cty cổ phần địa ốc Sài Gòn Gia Định Nguyễn Phụng Thiều đúc kết: “TP Hồ Chí Minh đi đầu trong cả nước về chương trình này nhưng hiệu quả quá thấp là một điều đáng buồn”.

Trên thực tế từ năm 2005, khi Luật Nhà ở bắt đầu đề cập đến nhà ở xã hội, các doanh nghiệp địa ốc tại TP Hồ Chí Minh đều né tránh xây dựng nhà ở xã hội và nhà giá rẻ. Mỗi năm nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại TPHCM khoảng 30.000 căn nhưng Tổng công ty địa ốc Sài Gòn chỉ cung cấp chưa quá 300 căn.

Chủ đầu tư một dự án nhà giá thấp tại Q.7 còn cho hay: “Việc thẩm định, phê duyệt giá nhà để bán thường được tiến hành rất chậm. Đây là một rào cản lớn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp”. Không chỉ vì lời ít mà chính vì thủ tục nhiêu khê, luôn thay đổi khiến doanh nghiệp nản lòng.

Ông Nguyễn Văn Đực, người nổi danh gần đây với các dự án nhà giá thấp bức xúc: “Hiện thủ tục hành chính chiếm khoảng 50% chiến lược giá thành căn hộ giá rẻ. Các tuyên bố giảm 30% thủ tục hành chính chỉ là con số báo cáo chứ chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp. Trường hợp của một tư nhân lập dự án xây nhà cho người thu nhập thấp tại Q.12 cũng đưọc nhiều doanh nghiệp, chuyên gia địa ốc đưa ra làm ví dụ.

Ba năm chạy giấy toát mồ hôi

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thê (ngụ xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), có gần 5.000m2 đất tại Khu phố 3 (phường Tân Thới Nhất, quận 12). Theo quy hoạch của quận 12 đã công bố năm 2006, đất của bà nằm trong khu vực quy hoạch có công viên, đường giao thông và khu dân cư. Thực hiện theo quy hoạch trên, bà Thê đã giao cho Nhà nước 2.500m2 đất để làm đường giao thông. Còn lại khoảng 2.400m2, bà xin được đầu tư xây dựng chung cư dành cho người thu nhập thấp.

Ngày 22-9-2007, UBND Q 12 yêu cầu các cơ quan liên quan họp đánh giá về việc bà Thê xin làm dự án chung cư cho người thu nhập thấp. Tất cả ý kiến của các phòng, ban đều thuận với chủ trương xin đầu tư của bà Thê. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn bà Thê thực hiện các thủ tục đầu tư hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập, trình duyệt dự án đầu tư xây dựng theo luật định.

Bà Thê đã làm đầy đủ các thủ tục xin đầu tư dự án gửi UBND Q12 và các Sở, ngành TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sau gần 3 năm chờ đợi, bà Thê vẫn không thể đầu tư vì mới đây Phòng quản lý đô thị quận 12 ra thông báo: “Toàn bộ khu đất trên sẽ quy hoạch làm đường giao thông và công viên” dù cho đến nay quyết định điều chỉnh quy hoạch khu vực này vẫn ghi rõ “đất giao thông chiếm tỉ lệ 26,5%, đất công viên 25,2%, đất ở chiếm 40%...”.

Bà Thê được chỉ lên Sở Quy hoạch- Kiến trúc (QHKT) nhưng sở này hướng dẫn về làm văn bản hỏi UBND quận. Bà Thê gửi đơn hỏi UBND quận 12, nhưng sau nhiều tháng vẫn không được trả lời. Giờ đây bà Thê lại tiếp tục hành trình gửi đơn đến Sở QHKT, Sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, UBND Thành phố xin làm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay những trường hợp như bà Thê không phải là cá biệt. Trong một Hội thảo về nhà ở xã hội mới đây, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định luật, chính sách hỗ trợ của Nhà nước khuyến khích xây loại nhà này nhưng thủ tục hành chính còn quá nặng nề nên người nghèo vẫn chưa có nhiều lựa chọn.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đề nghị không chỉ cấp trung ương mà cả địa phương phải giảm bớt các thủ tục hành chính, chính sách phải nhất quán để doanh nghiệp và người dân cùng xã hội hóa vào các chương trình nhà ở xã hội chứ không phải chỉ kêu gọi, hô hào suông.

MỚI - NÓNG