Doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng lao động đã qua đào tạo

Doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng lao động đã qua đào tạo
TPO - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố Dự thảo mới nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ chưa qua đào tạo để có thể dễ dàng đào thải nhằm “chạy” tăng lương, "trốn" tăng mức đóng báo hiểm xã hội, 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ – TB – XH) vừa công bố dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo. Dự thảo thông tư này quy định lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp chứng nhận, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ sơ cấp, bằng tốt nghiệp nghề, bằng tốt nghiệp các trình độ trung cấp, CĐ (hoặc tương đương), ĐH, sau ĐH; các chứng chỉ chuyên môn theo quy định của các luật chuyên ngành hoặc người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Ngoài ra, lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài, được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và công nhận tương đương với các trình độ đào tạo của Việt Nam.

Hoặc người được cấp chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh/thành phố trở lên và người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với trình độ sơ cấp cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên.

Tại dự thảo thông tư, có 3 danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo.

Danh mục 1 gồm 68 ngành, nghề được áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như lắp đặt giàn khoan, xây dựng công trình thuỷ điện, công nghệ sơn ô tô, hàn, khoan thăm dò địa chất, bảo trì và sửa chữa thiết bị hoá chất, xử lý chất thải công nghiệp và y tế...

Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế), như công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, đúc dát đồng mỹ nghệ, chế tạo khuôn mẫu, cắt gọt kim loại, lắp đặt điện công trình, vận hành máy xây dựng, sửa chữa cơ khí động lực, lái tàu đường sắt...

Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2024.

MỚI - NÓNG