Doanh nghiệp, người dân khốn đốn

Doanh nghiệp, người dân khốn đốn
TP - Từ cuối năm 2009, tại quốc lộ 18 tuyến Mông Dương - Móng Cái liên tục ùn tắc. Nhiều vụ kéo dài hàng chục giờ khiến doanh nghiệp vận tải điêu đứng vì phải gánh thêm hàng loạt chi phí phát sinh do chậm giao hàng, còn hành khách thì chỉ biết kêu trời.
Doanh nghiệp, người dân khốn đốn ảnh 1
Xe container ách tắc trên tuyến Mông Dương - Móng Cái. Ảnh: P.V

Nguyên nhân tắc đường được xác định là do thi công nâng cấp  tuyến quốc lộ 18 Mông Dương - Móng Cái (khởi công từ 9-2008) thực hiện liên tục trên toàn tuyến. Gần đây do thời tiết xấu, quá trình san gạt đồi để thi công gặp trời mưa nên hay xảy ra sạt lở.

Nhiều đoạn đường có cầu, cống, đường cua hẹp, dốc cao nhưng không có biện pháp chống lún, trượt nên khi trời mưa, đường trơn, xe trọng tải lớn qua đây thường bị sa lầy.

Điển hình nhất là vụ tắc đường  xảy ra tại đoạn Mông Dương đi Cộng Hoà kéo dài từ sáng 31-12-2009 đến đêm 2-1 mới giải toả được. Vụ tắc gần đây nhất xảy ra từ 3 giờ đến  20 giờ ngày 5-1 khiến quốc lộ đoạn từ Mông Dương, TX Cẩm Phả đến cầu Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) hoàn toàn tê liệt…

Ám ảnh

Mỗi khi ùn tắc, các phương tiện giao thông bị dồn ứ, hành khách lại một khiếp vía.Thực phẩm và dịch vụ xe ôm được dịp nâng giá mức cắt cổ. Một cuốc xe ôm ra khỏi đoạn đường tắc mất hàng trăm nghìn đồng. Có gia đình mất gần 10 triệu đồng để thoát khỏi chuyến xe khách đen đủi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đi xe ôm, hàng ngàn lượt người dân và chủ phương tiện chỉ còn biết khóc vì không có lựa chọn nào ngoài chờ đợi thông đường và phải ăn mỳ tôm 10.000 – 30.000 đồng/gói và nước 10.000 – 15.000 đồng/chai. Nhiều người không dám đi qua đoạn đường này vì sợ tắc đường.

Hành khách đã khổ nhưng doanh nghiệp vận tải hàng xuất nhập khẩu từ Hải Phòng đến Móng Cái còn khổ hơn. Anh Mai Duy Thông, Cty Vận tải Quốc tế Việt Trung chuyên làm dịch vụ chở hàng xuất nhập khẩu bằng container có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, thông thường xe mất 8- 10 giờ để từ Hải Phòng tới Móng Cái nhưng hiện nay phải mất tới ba ngày, thậm chí có chuyến năm ngày. Do không giao hàng kịp chuyến nên chi phí vận tải, lưu kho bãi vô cùng tốn kém.

Anh Trần Tiến Dũng, Cty CP Giải pháp tiếp vận DKP cũng có trụ sở  tại Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển hàng đã thiệt hại, nhưng doanh nghiệp vừa làm dịch vụ vận chuyển vừa là chủ hàng còn thiệt hại lớn hơn.

Mỗi lần tắc đường, chi phí lưu container hàng hóa tại cảng, bảo quản đối với hàng tươi sống trong nhiều ngày phải đội lên. Trung bình mỗi container hàng lưu phải mất 80 USD chi phí trả bến bãi/ngày. Mỗi ngày có cả trăm container phải vận chuyển tới cửa khẩu Móng Cái.

Nhẩm tính sơ sơ mỗi tuần có khoảng ba đến bốn nghìn container được vận chuyển từ Hải Phòng - Móng Cái và ngược lại trong đó có khoảng 2.000-2.500 container lạnh phải bảo quản. Nếu nhân chi phí mỗi ngày lưu container, các doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng tiền phát sinh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho biết, ngay cả chúng tôi đi kiểm tra đôn đốc thi công cũng bị tắc.

Công tác phân luồng có vấn đề. Hiện, cảnh sát giao thông đang quyết liệt phân luồng dừng xe từ xa để khắc phục nếu xảy ra sạt lở ùn tắc cục bộ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, công tác thông tin, phổ biến điểm tắc đường tới các doanh nghiệp hiện chưa có nên khi xảy ra tắc đường mất rất nhiều thời gian giải tỏa…

MỚI - NÓNG