Doanh nghiệp quỵt tiền mua cá, dân khốn đốn

Doanh nghiệp quỵt tiền mua cá, dân khốn đốn
TP - Nhiều thương lái, công ty (Cty) mua cá tra, ba sa của nông dân rồi quỵt cả chục tỷ đồng, bỏ trốn khiến nhiều hộ ở khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh khốn đốn, chưa biết cầu cạnh cơ quan nào giải quyết triệt để.

Tại An Giang, lâu nay có nhóm người cầm sẵn hợp đồng mua bán của Cty Cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) đi mua cá. Đầu tháng 3/2009, bà Huỳnh Thị Hai - Phú Bình, Phú Tân - thu hoạch giao 46 tấn cá cho họ. Bà Hai đến Cty Gò Đàng thì đơn vị này cho biết không hề mua cá của bà. Trong khi nhóm người trên biến mất và tắt điện thoại di động.

Trường hợp khác, ông Hồ Văn Tiểu ở Châu Phú đến tận Cty Cổ phần Gò Đàng ký hợp đồng bán. Sau nhiều tháng, ông chỉ nhận được 432 triệu đồng. Cty trả lời 350 triệu đồng còn lại đã trả cho hai người trực tiếp thu mua là Phạm Văn Hiền và Tấn Thành, nhưng hai người này cũng mất tăm.

Giữa năm 2008, Nguyễn Văn Chính tự xưng là nhân viên Cty Gimex có trụ sở tại phường An Hòa, Châu Thành (Kiên Giang) ký hợp đồng mua 100 tấn cá của hộ Hồ Văn Trị, xã Bình Mỹ, Châu Phú.

Hai ngày đầu thanh toán đàng hoàng, đến ngày thứ ba cân cá xong, Chính bỏ trốn. Công an huyện Châu Phú cho biết, ở Kiên Giang không hề có Cty Gimex, bản hợp đồng là giả mạo.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại ĐBSCL từng xảy ra khá nhiều vụ mua cá rồi bỏ trốn tương tự. Tháng 6/2008 một nhóm người cầm hợp đồng của Cty TNHH Thiên Hà (Tiền Giang) mua cá ở Đồng Tháp rồi cao chạy xa bay. Vụ việc vỡ lở, phía Cty cho rằng đấy không phải là nhân viên của mình.

“Họ nói (phía Cty) chỉ nhận được hai chục tấn cá, số còn lại giao cho ai và nhóm người ấy ở đâu thì không biết” - ông Bùi Thanh Dân, xã Tân Thành B, Tân Hồng, bức xúc.

Cũng khoảng thời gian đó, hơn chục hộ nuôi cá ở Vĩnh Long bị doanh nghiệp tư nhân Lý Thanh Hải lừa cả chục tỷ đồng. Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã An Phước, huyện Mang Thít - cũng là nạn nhân của những vụ lừa mua bán cá, cho biết, ông bán 178 tấn cá mà chỉ nhận được 20 triệu đồng tiền cọc.

“Nhiều hộ mất bạc tỉ, trong khi bà con đang nợ ngân hàng, nợ tiền mua thức ăn cho cá. Công an huyện đã thụ lý vụ việc nhưng giải quyết chưa tới đâu, bởi chủ doanh nghiệp bỏ trốn”, ông Dũng than thở.

Nhiều hộ ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang bán cá cho Cty Basa Mê Kông kể, lúc thương lượng mua bán, Giám đốc Lê Vĩnh Thuận dẫn những người bán cá vào trụ sở Cty Giang Long (phường Bình Đức, TP Long Xuyên) giới thiệu đây là cơ sở của Cty Basa Mê Kông nên ai nấy đều tin tưởng. Mua xong vị này trốn biệt.

Họ cố hỏi mới biết ông Thuận đang ở tận Tân Sơn Nhì, Tân Phú (TPHCM). “Hằng tuần, chúng tôi kéo lên thành phố, rồi sau đó thuê luôn nhà trọ ở, để hằng ngày đến đòi nợ. Đòi mãi ông Thuận vẫn không chịu trả, đôi khi chỉ trả vài triệu đồng”, các khổ chủ ở Thốt Nốt (Cần Thơ) kể.

Chưa đủ cơ sở để truy tố?

Doanh nghiệp quỵt tiền mua cá, dân khốn đốn ảnh 1
Anh Nguyễn V.D. ở An Giang bị quỵt tiền cá lâm cảnh nợ nần

Cơ quan chức năng ở các địa phương từng nhận hàng trăm đơn tố cáo, đơn cầu cứu của nông dân bị quỵt tiền bán cá. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào được xử lý đúng mức, khiến tình trạng mua cá rồi bỏ trốn ấy có chiều hướng phổ biến.

Năm 2005, thương lái Võ Văn Cắt, ngụ Khánh Hòa, Châu Phú quỵt hàng tỷ đồng của hàng chục hộ nuôi ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, cho biết, người dân tổ chức truy tìm mãi mới bắt được Mười Cắt giao công an. Thế rồi, cơ quan chức năng cho là chưa đủ cơ sở để khởi tố nên thả. Không trả tiền mua cá, Mười Cắt tiếp tục lấy danh nghĩa các Cty, tổ chức đi thu mua cá, lừa gạt nhiều người.

Nguyễn Thanh Hùng, thương lái ở xã Mỹ Phú, Châu Phú mở Cty TNHH Sơn Hùng, mua cá của hàng chục hộ ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… rồi ẵm hàng tỷ đồng trốn biệt.

Chi cục Thuế huyện Châu Phú cho biết, Cty này còn nợ thuế gần 160 triệu đồng, nợ tiền phạt gần 13 triệu đồng. Ngày 24/10/2006, UBND huyện Châu Phú ra quyết định cưỡng chế nhưng không được, vì… tài sản của Cty TNHH Sơn Hùng chỉ có căn nhà cấp 4 tồi tàn cất nhờ trên đất người khác.

Thế nhưng, qua năm 2007, Hùng lại tái xuất giang hồ thu mua cá rồi lại lặn mất tăm. Nhiều hộ bị quỵt, không còn vốn để nuôi cá đành bỏ nghề, lâm cảnh khốn quẫn.

“Sau này chúng tôi mới biết thay vì mua cá để chế biến thì Hùng bán lại cho hai vựa cá tư nhân với giá rẻ (1.500 đồng/kg) để chiếm đoạt tiền” - ông Nguyễn Văn Thái, khổ chủ ở Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ) kể.

Ngày 20/9/2007, Hùng bị người dân truy bắt giao công an. Công an huyện Châu Phú lại thả, cũng do… chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Giữa năm 2008, Cty Cổ phần Bảo Vinh (Tắc Cậu, Châu Thành, Kiên Giang) mua cá tra của 11 hộ ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… với hợp đồng thanh toán trong vòng 30 ngày.

Sau đó Cty chỉ trả cho mỗi hộ vài trăm triệu đồng, còn giám đốc Cty này là Phan Hữu Trang thì trốn về TPHCM. Dân gửi đơn tố cáo, Công an Kiên Giang cũng xác định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên vụ việc dừng lại ở quan hệ dân sự.

Ông Bùi Hữu Trí, Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cho biết, có thực trạng nhiều Cty đứng ra mua cá nhưng… không trả tiền.

“Chúng tôi xác minh được biết số này chẳng có nhà máy, chẳng có trụ sở, chỉ thuê một căn nhà nhỏ, đặt một cái bàn làm việc rồi đứng ra thu mua. Mua rồi họ bán cho ai, chẳng biết. Dân đòi tiền thì cứ hẹn, hẹn mãi. Hợp đồng thanh toán trong 20 ngày nhưng nhiều trường hợp đã nửa năm mà vẫn không trả” - ông Trí nói.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang thì khẳng định, việc mua cá quỵt tiền nói trên là lừa đảo cơ quan chức năng cần quan tâm xử lý.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.