Doanh nghiệp sốt vó lo giá điện cao

Chế biến thủy sản sẽ gặp khó nếu giá điện tăng cao
Chế biến thủy sản sẽ gặp khó nếu giá điện tăng cao
TP - Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng lo ngay ngáy trước lộ trình tăng giá điện năm 2011. Chỉ cần giá điện tăng 10% là có doanh nghiệp phải ngừng sản suất.
Chế biến thủy sản sẽ gặp khó nếu giá điện tăng cao
Chế biến thủy sản sẽ gặp khó nếu giá điện tăng cao . Ảnh: Nguyễn Huy

Mức giá điện tăng cụ thể bao nhiêu chưa được ấn định, nhưng, có chuyên gia cho rằng, mức tăng có thể lên đến 30%. Đặc biệt, mức tăng mà Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất lên đến gần 50%. Cty Thép Thái Bình Dương, mới chỉ vận hành 1/3 công suất nhưng trung bình mỗi tháng đã tiêu tốn hơn 2 tỷ đồng tiền điện.

Ông Nguyễn An, Tổng giám đốc Cty Thép Thái Bình Dương, cho biết, trong sản xuất thép, điện là nguồn năng lượng chính nên giá điện tăng giảm sẽ tác động rất lớn; đợt tăng giá 6,8% hồi đầu tháng 3 vừa qua, mỗi tháng đơn vị phải gánh thêm hơn 100 triệu đồng tiền chi phí sản xuất về điện. “Chỉ cần tăng thêm 10% giá hiện hành đủ để chúng tôi phải tạm ngưng sản xuất”, ông An nói.

Cty Thép Dana - Ý cho hay, với mức điều chỉnh giá điện trước đây, đơn vị phải mất thêm khoảng 300 triệu đồng. Theo đó, giá thép phải tăng thêm 40 ngàn đồng/tấn mới bù nổi chi phí sản xuất. Nếu còn tiếp tục tăng cao, không biết đơn vị phải xoay xở thế nào.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước, chế biến thủy sản... với nguồn năng lượng chính là điện cũng đứng ngồi không yên. Phòng kinh doanh Cty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, điện chiếm hơn 10% chi phí sản xuất, trong khi đó gas và dầu chỉ chiếm một phần nhỏ chi phí nhiên liệu.

Với đặc thù sử dụng điện năng để đông lạnh thủy sản, giá điện tăng cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Theo Cty Cấp nước Đà Nẵng, với 3 nhà máy sản xuất nước là nhà máy Cầu Đỏ, Sân Bay và Sơn Trà, mỗi năm đơn vị tiêu tốn trên 10 tỷ đồng cho chi phí tiền điện, chiếm gần 12% tổng chi phí hoạt động của Cty.

Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Cấp nước Đà Nẵng, nói rằng, điện tiếp tục tăng giá ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của Cty do giá bán điện vẫn theo khung cũ.

Theo ông Văn Hữu Thiết, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, hiện hiệp hội có khoảng 300 đơn vị thành viên, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp sản xuất.

Đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm, thu hẹp sản xuất vì chi phí tăng cao. Thực tế, vốn của hầu hết doanh nghiệp Đà Nẵng phụ thuộc vào ngân hàng: khoảng 30% là vốn tự có, còn lại 70% là đi vay.

Trong khi đó, doanh nghiệp đối mặt lãi suất vay tăng cao, do lãi suất huy động tại các ngân hàng đang được điều chỉnh tăng. Giá điện tăng cao sẽ là sức ép lớn khiến doanh nghiệp khó huy động vốn, tích lũy vốn để tái sản xuất, ông Thiết phân tích.

Theo nhiều doanh nghiệp, giá điện có khả năng tăng cao trong năm 2011, nhưng chưa đảm bảo ngành điện sẽ không cắt điện luân phiên như trong thời gian vừa qua.

Đầu tư tiết kiệm điện không đủ chạy theo giá điện

Điện tăng giá, doanh nghiệp phải tìm đủ cách để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn An, giá một thiết bị tiết kiệm điện dành cho đơn vị sản xuất thép lên đến 1 - 2 triệu USD. Theo đó, sẽ tiết kiệm được từ 4 - 7% chi phí tiền điện. Mức này không thể bù đắp nếu giá điện tăng cao, ông An nói. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG