Doanh nghiệp tố trạm cân Quảng Ninh

Trạm cân gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp
Trạm cân gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp
TP - Từ khi trạm cân Quảng Ninh đi vào hoạt động hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa đã đồng loạt kêu cứu…

Bài 1: Kêu cứu và né trạm

Trạm cân gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp
Trạm cân gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp . Ảnh: Th.D

Trạm cân Quảng Ninh đặt tại km 103+800 thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh) được Tổng cục Đường bộ đưa vào hoạt động thí điểm từ 1-6-2010. Trạm cân án ngữ quốc lộ 18 đi cửa khẩu Móng Cái và chắn đường đi vào nội địa.

Theo thống kê, gần một tháng trạm cân đi vào hoạt động, đã có tới hơn 200 đầu xe của DN vận tải bị giữ vì chở quá tải trọng cho phép. Rất nhiều lái xe bị giữ bằng lái.

Trạm cân này cân tải trọng của xe qua hai thông số kỹ thuật: tổng tải trọng của xe và tải trọng cho phép trên trục xe. Xe có tổng tải trọng trên 40 tấn (dù hàng hóa không vượt tải trọng) cũng bị cho là vượt mức tải trọng cho phép, lái xe đương nhiên phạm luật và bị lập biên bản giữ xe, bằng lái.

Tiêu chuẩn quốc tế cũng phạt

DN vận tải phục vụ XNK chỉ biết “kêu trời” và đang tìm mọi cách để né trạm cân gây thất thu cho địa phương, thiệt hại thêm cho DN và có thể phát sinh thêm tiêu cực. 

Ông Trần Tiến Dũng - GĐ Cty CP giải pháp tiếp vận DKP (có trụ sở tại Hải Phòng) cho biết, quy định xe có tổng tải trọng không được quá 40 tấn là bất cập. Thông lệ quốc tế cho phép tổng trọng tải của container đến 32 tấn (28 tấn hàng với 4 tấn vỏ) cộng với trọng tải của thân xe, đầu kéo là trên 45 tấn.

Hơn nữa, quy định tải trọng trên các trục xe còn tùy thuộc vào việc sắp xếp hàng trong ruột container. Có nhiều container chở hàng là khối linh kiện không thể tháo rời, trọng lượng đầu khối lớn hơn đuôi khối, nên trọng lượng dồn lên trục xe đương nhiên thường ở phía sau trục lớn hơn nhiều so với đầu trục.

Nhiều trường hợp cân tổng trọng tải của hàng và xe thì không vi phạm nhưng tính trọng tải trên trục xe thì vi phạm quy định…

Một lãnh đạo DN xin được giấu tên cho biết, cách tính tải trọng trên đầu trục, khiến hầu như xe container tạm nhập tái xuất, hàng nhập niêm phong kẹp chì cứ lưu thông là bị phạt. Quy định này đang khiến nhiều doanh nghiệp không dám chuyển hàng quá cảnh, tạm nhập dù nhiều lô hàng đang cần phải đưa tới cửa khẩu.

Hàng trong các container được đóng theo khối lượng chuẩn của quốc tế. Lái xe, doanh nghiệp không có quyền tháo kẹp chì, hạ tải, hay san hàng để cho phù hợp với chuẩn của Việt Nam. Phi lý ở chỗ, các container được đóng theo tiêu chuẩn quốc tế, được phép thông hành trên toàn thế giới, được phép nhập vào Việt Nam nhưng lại bị coi là... vi phạm về tải trọng nếu lưu thông trên đường.

Tìm đường né trạm

Ông Hà Hồng Chi, Giám đốc Cty CP Cung ứng vận tải biển Quảng Ninh, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực XNK hàng hóa, vận tải hàng XNK tại Quảng Ninh cho biết, việc xe trên 40 tấn bị phạt về tải trọng ảnh hưởng rất lớn tới DN.

Hàng khó giải tỏa, chi phí lưu cảng của tàu bè, lưu kho bãi, lưu xe hàng ngày đội lên cộng với tiền phạt quá tải trọng khiến DN gần như không có lãi, thậm chí có DN còn lỗ nặng.

“Nếu không công nhận chuẩn quốc tế, thì lẽ ra ngay khi tàu chở hàng cập cảng họ phải từ chối tiếp nhận để doanh nghiệp biết đường tính. Đầu thông, đuôi chặn khiến các DN không vận tải hàng đúng hẹn, hư hỏng hàng thì bị đối tác phạt, lưu thông thì cũng bị phạt. Cứ phạt xe nào thì xe ấy lỗ vì tiền phạt quá tải, rồi đủ thứ chi phí không tên khác đã nhiều hơn lãi từ phí làm dịch vụ…”, ông Chi phân tích.

Ông Chi cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc và tìm mọi cách để né trạm cân này. Nhiều doanh nghiệp cũng tính tới vận tải đường thủy dù mất thời gian (hai ngày để tới Móng Cái), chi phí cao, mất nhiều phí chuyển tải. Luồn lách theo đường Lạng Sơn, Đình Lập để tới Móng Cái… đang là lựa chọn tối ưu bởi chi phí thấp và không bị phạt vô lý dù mất nhiều thời gian, công sức hơn…

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái đang rất khó khăn. Trong khi đó, trạm cân này chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động như bến bãi, phương tiện giảm tải…thì đã tăng cường xử phạt. DN vận tải phục vụ XNK chỉ biết “kêu trời” và đang tìm mọi cách để né trạm cân gây thất thu cho địa phương, thiệt hại thêm cho DN và có thể phát sinh thêm tiêu cực.

Mới đây, trong một cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Ninh với các ban ngành liên quan để tháo gỡ tình trạng khó khăn trong hoạt động XNK, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải tạm dừng hoạt động của trạm cân này…

Ông Chi cho biết, nhiều DN đang phải chịu cảnh nhận hàng tại cảng Cái Lân đi Móng Cái (không phải qua trạm cân) nhưng sau đó lại bắt xe quay đầu ngược lại trạm cân để kiểm tra… Chi phí đi từ cảng Cái Lân qua cầu Bãi Cháy rồi quay lại trạm cân do DN chịu. Tính trung bình mỗi container vận chuyển đúng hợp đồng, sau khi trừ tất cả chi phí chỉ lãi trên một triệu đồng.

“Trước đây, tổng chi phí vận chuyển một container tới Móng Cái khoảng 8 triệu đồng nhưng nay đội lên gần 11 triệu đồng/container, doanh nghiệp không lỗ mới lạ. Bây giờ nhiều lái xe không dám nhận chuyển hàng nữa vì sợ bị phạt. Lái xe mà bị thu giữ bằng lái thì lại cực kỳ khốn đốn…”, ông Chi nói. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.