Doanh nghiệp 'tố' trạm cân Quảng Ninh:Thí điểm và thí tốt?

Sang tải trước khi qua trạm cân
Sang tải trước khi qua trạm cân
TP - Lập trạm cân Quảng Ninh là để bảo vệ đường. Thế nhưng, sau hơn một tháng thí điểm, mục tiêu này không đạt hiệu quả đầy đủ, thậm chí phản tác dụng.

>>Bài 1: Kêu cứu và né trạm
>> Bài 2: Bi kịch nộp và né

Sang tải trước khi qua trạm cân
Sang tải trước khi qua trạm cân.


Đường vẫn bị phá

Suốt tháng qua, trạm cân Quảng Ninh chỉ tập trung việc cân, xử phạt và cho xe tiếp tục lưu thông. Việc các doanh nghiệp (DN) vận tải, lái xe tìm mọi cách né trạm cân như thuê dịch vụ hạ tải trước khi qua trạm và lại... lên tải sau khi qua trạm khiến chi phí vận tải của DN bị đội lên, và sau khi qua trạm cân thì xe lại vẫn quá tải. Rốt cuộc, đường vẫn bị tàn phá.

Trong bài trước, chúng tôi nêu ra một cách lái xe vượt trạm cân quái đản là nối đuôi nhau phóng như điên qua trạm cân. Không thể cổ súy cho hành động phạm luật này song nó cho thấy sự cùng cực của DN và lái xe. Phóng qua trạm là phạm luật, nếu bị bắt cũng bị phạt song tỷ lệ thoát nhiều hơn là đường hoàng qua trạm.

Những động thái của các DN và lái xe vừa qua không khiến quốc lộ 18 được bảo vệ mà càng làm trầm trọng hơn. Một lái xe bức xúc, xe của anh ta thi thoảng qua trạm cân nhưng có cảm giác như gánh cái lỗi của việc xuống cấp đường 18. Trong khi đó, hàng ngàn phương tiện không bao giờ qua trạm, ngày ngày đi trên quốc lộ 18 và nếu quá tải thì vô sự. Đoạn đường có trạm cân mới cần phải bảo vệ? Chỉ cần không qua trạm cân thì phá đường thoải mái? “Trạm cân thí điểm cùng nhiều quy định bất hợp lý khiến chúng tôi như bị thí tốt vì chỉ cần không qua trạm cân này là những ràng buộc trách nhiệm với quốc lộ không còn nữa. Tiếc là rất nhiều DN không có may mắn như vậy” - Anh này nói.

Lời giải nào?

Trạm cân thử nghiệm nhưng hoạt động của trạm khiến nhiều DN điêu đứng. Nhiều kiến nghị từ các hiệp hội vận tải và XNK đã được gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ đề nghị xem xét cách tính tải trọng, trọng lượng qua trục, thậm chí là ngừng hoạt động các trạm cân.

Nhiều lái xe, DN cho biết việc qua trạm cân bằng cách phóng như điên qua trạm thời gian qua họ thường phải nhờ đến cò. Cò đến các DN làm giá qua trạm từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/lượt xe. Tuy nhiên, các cò không có quan hệ với lực lượng chức năng tại trạm nên nhiều lái xe, DN mất tiền nhưng xe vẫn bị bắt, bị phạt.

Giám đốc một Cty vận tải cho biết, họ không phản đối trạm cân vì nó phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ đường. Tuy nhiên, áp dụng những quy định cứng nhắc và không hợp lý khiến trạm cân là nỗi ác mộng của DN và lái xe như thời gian qua. Thay vì cứ DN, lái xe thì nên thay đổi và áp dụng các quy chuẩn của quốc tế và học tập cách làm của các nước xung quanh. Làm thế nào để nhà nước, DN cùng có lợi và giảm chi phí của DN thì mới đem lại hiệu quả...

Ông Hà Hồng Chi, Giám đốc Cty Cung ứng tàu biển Quảng Ninh cho biết, các DN đều không muốn phải tìm cách né trạm cân. Để không gây bức xúc cho DN vận tải, cơ quan chức năng nên chấp nhận trọng lượng, trọng tải các loại container vì tiêu chuẩn đóng container là tiêu chuẩn quốc tế. Thứ nữa, cần tăng mức cho phép quá tải và áp dụng việc thu phí quá tải hợp lý để DN tính vào giá thành chứ không nên phạt tiền.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, trạm cân cùng quy định xử phạt đang gây ức chế và làm thiệt hại lớn cho DN và cả địa phương bởi lượng hàng hóa vận chuyển tới các cửa khẩu của Quảng Ninh là rất lớn. Làm trạm cân, xử phạt chỉ là giải pháp tình thế. Thay vì gọt chân cho vừa giày thì nên làm những đôi giày vừa chân. Trước khi nghĩ cách để giữ đường thì hãy tạo ra những con đường đủ tiêu chuẩn. Đủ tiêu chuẩn rồi mà vẫn vi phạm thì mới phạt.

Kiến nghị tạm dừng hoạt động trạm cân

Sở Công Thương Quảng Ninh vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng hoạt động trạm cân xe Quốc lộ 18 do trạm cân này có nhiều bất hợp lý.

Cụ thể, mặt bằng khu vực trạm cân chật hẹp, điều kiện cơ sở vật chất như kho bảo quản hàng sang tải, bãi bốc dỡ hàng sang tải, phương tiện bốc dỡ không có... nên không đủ điều kiện thực hiện mục đích đặt ra. Từ khi trạm cân hoạt động (ngày 1-6-2010), hầu hết các doanh nghiệp chuyển từ vận tải hàng hóa bằng đường bộ sang vận tải đường biển do trọng tải của hàng container phần lớn được đóng từ nước ngoài, khi đi qua trạm hầu hết quá tải. Tuy nhiên, vận tải bằng đường biển từ Hải Phòng ra Móng Cái phải mất 2 ngày, đồng thời không chủ động được việc xếp hàng xuống tàu.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).