Doanh nghiệp và ngư dân “đấu” với giá xăng dầu

Doanh nghiệp và ngư dân “đấu” với giá xăng dầu
TP- Khi giá xăng dầu tăng, những yếu kém của các lĩnh vực tiêu tốn nhiều nhiên liệu đã lộ ra rất rõ. Yêu cầu tổ chức lại sản xuất đang đặt ra bức bách.

Đây sẽ là giai đoạn “chọn lọc” để các doanh nghiệp và người dân tìm cách thích ứng, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cần Thơ: Hàng loạt doanh nghiệp vận tải nhỏ thua lỗ

Tại Cần Thơ có 100 doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ, đường thủy lớn nhỏ hoạt động với khoảng 1.120 tàu, xe. Sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, kiểu làm ăn manh mún, nhỏ lẻ với những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh đã lộ ra rõ hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, PGĐ Cty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ cho biết: “Hiện Cty đang quản lý 900 chiếc xe chở khách của 73 doanh nghiệp và 220 chiếc tàu cao tốc của 27 doanh nghiệp.

Trung bình một ngày ở Cần Thơ có khoảng 12.000 khách đi đường bộ trên 53 tuyến, 3.500 khách đi đường thủy trên 34 tuyến. Phần lớn lượng khách chọn các doanh nghiệp có thương hiệu, phần còn lại hàng chục doanh nghiệp nhỏ chia nhau. Khi xăng dầu tăng giá, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ lẻ đều thua lỗ nặng”.

Cty cổ phần Vận tải Sài Gòn vừa tăng giá vé tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh từ 67.000 lên 75.000 đồng/vé. Ông Nguyễn Công Đỉnh, GĐ Chi nhánh Cty này tại TP Cần Thơ, giải thích: “Với giá vừa tăng nếu xe chở đầy khách mới có lời, còn ít hơn là lỗ”. Cty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Thảo đang hoạt động trên 2 tuyến là Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng trạm Điều hành tại Bến Cần Thơ của Cty này, cho biết: “Cty có 45 xe chở khách và mấy chục xe trung chuyển. Giá vé mới tăng thêm 10%  trong khi giá xăng dầu tăng hơn 30%. Chúng tôi phải giảm bớt lợi nhuận, nếu tăng giá vé quá cao sẽ mất khách”.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa dám tăng giá vé mà cầm cự bằng cách tăng cường chèo kéo khách. Các doanh nghiệp này có đội “cò” hoạt động … không theo quy luật, quy định nào cả.

Nhiều xe bắt đầu hoạt động không tuân thủ lịch trình, chỉ khi đầy khách mới xuất bến. Thêm một số xe dán mác chất lượng cao nhưng hoạt động kiểu xe dù bến cóc. Hoạt động chở khách đang có dấu hiệu bát nháo hơn.

Ông Hùng tâm sự: “Cty Phương Thảo bình quân mỗi xe xuất bến chỉ có 8 hành khách. Cá biệt, để xuất bến đúng giờ có khi chỉ có 2- 3 khách. Cộng các khoản chi phí bến bãi, khấu hao xe, tiền nhân công còn mất gần 4 triệu đồng tiền xăng dầu mỗi ngày để trung chuyển đưa rước khách. Nếu có doanh nghiệp tương tự như Phương Thảo để liên kết lại thì giảm rất nhiều chi phí và tăng lượng hành khách lên xe”.

Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp liên kết nhau lại chưa có tiền lệ, ai cũng nghĩ đến nhưng chưa ai làm. Một vài doanh nghiệp có thương hiệu cũng không liên kết được với doanh nghiệp nhỏ hơn, yếu hơn. Ở Cần Thơ từng có doanh nghiệp P.V, H.H khá tiếng tăm nhưng khi gặp khó khăn là phá sản do thiếu đối tác chung lưng đấu cật.

Bình Thuận: Ngành chế biến nước mắm và ngư dân lao đao

Doanh nghiệp và ngư dân “đấu” với giá xăng dầu ảnh 1
Tàu thuyền nghỉ chờ ra khơi trên sông Phan Thiết

Vụ cá chính tại Bình Thuận kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, tuy giá nhiên liệu tăng cùng giá cả mọi mặt hàng đều tăng đẩy chi phí sản xuất tăng cao nhưng “làm ba tháng, ăn cả năm” nên các tàu thuyền đánh bắt cá nổi đều khắc phục khó khăn để nhổ neo hướng về biển khơi.

Từ ngày 23/7 đến nay, cá cơm xuất hiện dầy, giá cá cao giúp chủ tàu và người lao động trang trải nợ nần thời tàu thuyền thường xuyên nằm bến.

Trong khi đó các chủ tàu thuyền nghề đánh cá đáy như nghề giã cào thì tiếp tục khốn đốn vì sản lượng mùa này đạt thấp, tàu thuyền hoạt động liên tục trên vùng biển rộng nên rất hao tốn nhiên liệu. Nhiều chủ thuyền không có năng lực tài chính nên không thể chuyển qua các nghề đánh cá nổi.

Ở Mũi Né, nhiều chủ tàu thuyền giã cào rơi vào thế bế tắc vì bán tàu nhưng không người mua; có người phải bán ve chai: vỏ thuyền, máy thủy, ngư cụ rao bán riêng từng món.

Bình Thuận ngày càng đông du khách nên ngư dân đánh bắt hải đặc sản như ghẹ, vòm xanh, cá đục, cá suốt, cá liệc dầu…“sống” được. Thường phương tiện đánh bắt các loại hải đặc sản này là thuyền công suất nhỏ ít hao tốn nhiên liệu, có thể là thuyền chèo, và đánh bắt ven bờ, rạng đá.

Một đối tượng có nguy cơ vừa chủ nợ vừa con nợ là người bán nhiên liệu cho tàu thuyền. Bà Cúc, một người bán nhiên liệu ở Mũi Né cho biết các chủ tàu nợ bà hơn 500 triệu đồng, và có nguy cơ thành nợ khó đòi; trong khi bà phải trả tiền mua nhiên liệu.

Ngoài lực lượng trực tiếp sản xuất và hậu cần nghề cá, ngành chế biến nước mắm cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khi nhiên liệu tăng giá. Giám đốc Cty cổ phần nước mắm Phan Thiết- Lê Trần Phú Đức cho biết đến nay, Cty đã muối được khoảng 2.000 tấn cá chượp, đạt 50% kế hoạch.

Giá cá cơm làm nước mắm năm 2007 chỉ 3.000 đồng/kg thì nay đã lên 5.000 đồng; giá muối tăng gấp 5 lần (từ 400 đồng lên 2.000 đồng/kg); lương công nhân tăng khoảng 30% so cuối năm 2007 nhưng giá bán nước mắm đến nay chỉ tăng khoảng 15%.

Trà Vinh: Ngư dân quyết liệt tổ chức lại sản xuất

Doanh nghiệp và ngư dân “đấu” với giá xăng dầu ảnh 2
Tàu đánh bắt trên vùng biển Trà Vinh  Ảnh: Diệu Hiền

Tỉnh Trà Vinh có 1.128 chiếc tàu khai thác biển với tổng công suất trên 52.000 CV, trong đó 245 chiếc khai thác xa bờ, chiếm 21,7% tổng số tàu. Với giá dầu diesel từ 13.950 đồng/lít tăng lên 15.950 đồng (hơn 14,3%), ngư dân đang quyết liệt tổ chức lại sản xuất để duy trì hiệu quả khai thác.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, một ngư dân cha truyền con nối ở ấp Định An, xã Định An (Trà Cú, Trà Vinh) có 4 chiếc tàu lưới vây (lưới đèn), công suất mỗi chiếc từ 250 đến 380CV. Nhiều năm qua, đội tàu đánh bắt của anh khai thác đạt hiệu quả nhất, nhì tỉnh Trà Vinh.

Anh rất nhạy bén trong việc tính toán đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm. Khi giá dầu tăng lần trước, anh không khỏi băn khoăn: “4 chiếc tàu ra khơi đánh bắt tốn 24.000 lít dầu, giá hồi đầu năm là hơn 200 triệu đồng, mỗi chuyến đi biển lời trên 80 triệu đồng. Nay giá dầu lại tăng lên, riêng tiền dầu đã tăng thêm hơn 100 triệu đồng, lỗ là chắc chắn nếu không tổ chức lại sản xuất”.

Anh Đỗ Văn Út, ở ấp Bến Tranh, xã Định An có 2 cặp tàu lưới kéo đôi (cào đôi), công suất mỗi chiếc 350 - 420CV, nói: “Bây giờ chúng tôi cân nhắc rất kỹ mới ra khơi. Các chuyến khai thác không có lời nhiều. Hy vọng được Chính phủ hỗ trợ dầu, bảo hiểm, thay máy … chúng tôi sẽ nâng cao được năng suất khai thác”.

Ông Lâm Tấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, cho biết: “Trà Cú là địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ khá lớn của tỉnh Trà Vinh. Tính đến nay toàn huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ hơn 120/173 tàu của ngư dân. Tuy nhiên, chưa hộ ngư dân nào nhận được vốn. Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt để đầu tháng này kinh phí hỗ trợ tới tay ngư dân”.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở xã Định An vừa nêu, cho biết: “Tôi phải để một chiếc chở sản phẩm vào bờ và chở nhiên liệu cùng các vật phẩm thiết yếu phục vụ 3 chiếc kia, nên mỗi đợt đánh bắt đã tiết kiệm được 500 - 600 lít dầu. Tuy nhiên, kiếm đồng lời đã rất khó. Hy vọng sự hỗ trợ giá dầu của Chính phủ theo Quyết định 289 sẽ giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Ông Nguyễn Trung Dũng, PGĐ Sở Thủy sản Trà Vinh cho hay: “Điều đáng mừng là kể từ khi có chủ trương của Chính phủ đến nay số tàu  của ngư dân đến đăng ký, đăng kiểm,… tăng lên đáng kể không những đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu mà còn là dịp để ngư dân tổ chức lại sản xuất.

Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Thanh tra Thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư, Hội Nghề cá của tỉnh đang phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nghề đánh bắt, mở các lớp thuyền - máy trưởng miễn phí cho ngư dân.

 Ngoài ra, tiếp tục vận động ngư dân thành lập các tổ, đội khai thác trên biển nhằm hỗ trợ nhau như cử ra 1 tàu làm dịch vụ để giảm chi phí; giúp nhau khi gặp nạn”. 

Đến nay, Trà Vinh đã thành lập được 12 tổ khai thác với trên 50 tàu có công suất từ 90- 350CV. Ngành NN-PTNT đang khẩn trương hoàn chỉnh đề án xin hỗ trợ miễn phí 1 máy thông tin liên lạc hiệu Icom cho các tổ khai thác sau khi thành lập, giúp ngư dân có thêm thông tin khi ở trên biển để nâng cao hiệu quả đánh bắt.  

Tỉnh Bình Thuận có 7.705 tàu thuyền, tổng công suất 462.652CV với lực lượng đánh bắt hải sản 38.000 người; trong đó tàu thuyền công suất lớn trên 90CV là 1.233 chiếc có tổng công suất 230.000CV. Trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đánh bắt được khoảng 70.000 tấn hải sản các loại, ước đạt 43,3% kế hoạch. Tính đến ngày 31/7, có 879 tàu thuyền được hỗ trợ nhiên liệu lần thứ nhất tổng cộng 3.353 triệu đồng.
MỚI - NÓNG