Doanh nghiệp vẫn 'né' các dự án xây nhà ở xã hội

Doanh nghiệp vẫn 'né' các dự án xây nhà ở xã hội
TPO - Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), có thực tế là nhiều doanh nghiệp rất ngại phải triển khai các dự án nhà ở xã hội vì đó là các dự án phi lợi nhuận.
Doanh nghiệp vẫn 'né' các dự án xây nhà ở xã hội ảnh 1
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng)

Bên lề Hội thảo kinh nghiệm của Hàn Quốc về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, được tổ chức sáng 29/2 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng),  Nguyễn Mạnh Hà đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh đề án nhà ở xã hội sắp tới sẽ được trình lên Chính phủ phê duyệt.

Ông Hà cho hay, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ, từ nay đến 2012 sẽ xây dựng khoảng 500 nghìn căn nhà ở xã hội trên toàn quốc. Tuy nhiên, hoàn thành mục tiêu này điều quan trọng là cần có quyết tâm của các địa phương.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới được không?

Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương báo cáo các nhu cầu và xây dựng các chương trình phát triển để tập hợp lại trình Chính phủ một đề án tổng thể về nhà ở xã hội. Dự kiến tháng 6 này sẽ trình Chính Phủ. Đề án này sẽ áp dụng cho toàn quốc, nhưng sẽ tập trung ở một số địa phương trọng điểm.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng từ nay đến 2012 các địa phương sẽ thực hiện xây dựng khoảng 500 nghìn căn trên toàn quốc. Tuy nhiên con số này quá lớn so với tốc độ phát triển ý ạch như hiện nay. Nhưng đó là dự kiến của chúng tôi, còn thực hiện hay không thì vẫn phải là các địa phương.

Nhưng vừa qua chúng ta thực hiện thí điểm cho 3 địa phương là Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM và tiến độ thực hiện lại rất chậm chạp, thưa ông?

Hiện Chính phủ vẫn chưa phê duyệt đề án, một số cơ quan góp ý cũng chậm nên việc thực hiện cũng khó. Tuy nhiên, trong khi chờ thì một số địa phương vẫn tiếp tục triển khai như Hà Nội đã thực hiện rồi.

Thực tế các địa phương và các doanh nghiệp rất ngại phải triển khai các dự án nhà ở xã hội?

Doanh nghiệp ngại là đúng rồi! Vì các dự án nhà xã hội là phi lợi nhuận. Không có lợi nhuận thì đương nhiên không hấp dẫn các doanh nghiệp. Thế tôi mới nói là phải có quyết tâm rất cao của hệ thống chính quyền địa phương thì mới có thể thực hiện được.

Vậy trong đề án trình Chính phủ tới đây, Bộ có những cơ chế gì ưu đãi cho DN hay không?

Hiện nay các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cũng đã được nhà nước ưu đãi rồi. Nhưng trong vấn đề này thì trước hết trách nhiệm vẫn thuộc về nhà nước và phải lấy nguồn ngân sách nhà nước. Vì đây là hoạt động phi lợi nhuận thì mình có ưu đãi gì đi chăng nữa thì doanh nghiệp cũng không thể tham gia được.

Tôi cho rằng cách làm như ở như Hàn Quốc là phù hợp và dễ áp dụng nhất với chúng ta. Để xây nhà ở xã hội Chính phủ của họ sẽ huy động từ mấy nguồn: Thứ nhất là nguồn ngân sách, thứ 2 là từ quỹ phát triển nhà và đóng góp của người thuê nhà... Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20%, quỹ chiếm khoảng 30%, người thuê nhà chiểm khoàng 20%.

Nếu chúng ta thực hiện giống họ thì cần phải có một cơ quan quản lý riêng cho lĩnh vực xã hội. Cơ quan này được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương và có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội, và chính phủ đề ra. Chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu. Có như vậy tiến độ thực hiện mới nhanh và hiệu quả.

Còn đối với những địa phương chậm triển khai, chúng ta sẽ có chế tài xử lý như thế nào, thưa ông?

Chế tài thì cũng có rồi, trách nhiệm, luật cũng đã quy định hết đấy chứ! Các địa phương nào mà không thực hiện thì rõ ràng là phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý.

Tôi cho rằng, dù các quy định đã rõ nhưng vướng mắc lớn nhất là quyết tâm của các địa phương. Địa phương nào mà chả có khó khăn, nhưng không thể nói khó khăn mà không thực hiện. Đây là một mục tiêu rất tốt của chính phủ để giúp người dân cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Hải Đăng ghi

MỚI - NÓNG