Tiếp việc nông dân đổ sữa bò:

Doanh nghiệp vẫn 'ngoảnh mặt' với nông dân

Doanh nghiệp vẫn 'ngoảnh mặt' với nông dân
TP - Cuộc họp chiều qua tại Hà Nội, bàn giải pháp tiêu thụ sữa nguyên liệu cho nông dân rơi vào bế tắc khi không doanh nghiệp nào có mặt nhận ra tay cứu giúp.

Mở đầu, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao nói: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn với nông dân. Nhưng việc đổ sữa vừa qua là không văn hoá. Tại sao các bác không làm sữa chua, bánh sữa, mang đến trường học mà lại đổ đi?”.

Lão nông Nguyễn Như Tám (xã Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) trả lời: “Bác nói không văn hoá chúng tôi cũng chịu. Nông dân không còn cách nào khác. Tôi đã liên hệ để cho trường tiểu học sữa. Nhưng sữa nấu lên, nếu đồ uống của trường không đảm bảo, nói dại, nếu các cháu bị làm sao thì tôi mang tiếng oan!”.

Trước đây, ông Tám thu mua để bán cho Cty sữa Hà Nội (Hanoimilk) mỗi tháng khoảng 120 tấn sữa. Từ khi có thông tin sữa nhiễm melamine, công ty chỉ cố gắng thu mua 90 - 100 tấn. “Bốn tháng qua, chúng tôi tồn 110 tấn sữa, phần lớn phải đổ đi”- Ông Tám nói.

Anh Vũ Văn Thực (Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) nói như cầu xin: “Mỗi ngày tôi mua của dân 2,5 tấn sữa, chỉ bán được 1,5 tấn. Giờ tôi sẵn sàng cắt hợp đồng để bán tất cả cho doanh nghiệp, xin các anh giúp đỡ”.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Hoàng Đức Cường cho biết, giờ thì người dân không còn quan tâm đến giá sữa nữa mà chỉ lo có bán được hay không mà thôi. Hiện nay, tại Phù Đổng, trạm thu mua của anh Dương còn tồn hơn một tấn mỗi ngày, buộc người dân phải đổ đi.

“Tôi khẳng định nông dân đang chịu thiệt”- Ông Cường nói, và đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngay để giữ đàn bò, giúp các công ty thu mua sữa.

Đề nghị bất thành

“Tôi đề nghị các anh phải nói thẳng, nói thật. Bây giờ mỗi ngày nông dân Hà Nội tồn hơn một tấn sữa, chúng tôi đã đề nghị Vinamilk mua giúp, vậy mà cả tháng nay chưa được giải quyết, vì sao vậy?”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm bức xúc.

Ông Phạm Tuyên đại diện cho Vinamilk thủng thẳng: “Chúng tôi phải quy hoạch các vùng nguyên liệu. Phải kiểm soát được rõ xuất xứ chúng tôi mới mua”.

Ông Tuyên không hề cam kết mua sữa giúp nông dân mà lại quay sang kiến nghị giảm giá sữa vì giá sữa bột thế giới đang giảm mạnh. Đến khi đại diện Văn phòng Chính phủ hỏi “Giá sữa của công ty bán ra thị trường giảm chưa?” thì ông Tuyên lúng túng “cũng chưa giảm” (!?).

Ông Tâm bật lên: “Ông đừng diễn giải lòng vòng nữa. Ông cần Sở hỗ trợ gì chúng tôi làm ngay”.

Đại diện Vinamilk lại nói: “Vinamilk có bốn bước để xác lập hợp đồng mua bán sữa với nông dân. Bắt buộc phải đi qua các bước này”. Cục trưởng Hoàng Kim Giao gợi ý: “Nguyên tắc là như vậy. Nhưng trong lúc khó khăn này, anh xem đẩy nhanh được không?”.

Đại diện Vinamilk tiếp tục lắc đầu “Một cân sữa chúng tôi cũng phải kiểm soát chặt từ con bò đến nhà máy”.

Mặc dù ông Tâm cam kết cử cán bộ đi cùng Vinamilk để kiểm tra chất lượng từng con bò nhưng Vinamilk vẫn quyết nói không! Ông Tuyên nại: Cty đang lấy sữa tươi làm sữa cô đặc nên Cty bị lỗ, không thể mua được. Nếu có mua thì phải giảm giá.

Cuộc tranh cãi giữa đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp không có kết quả. Ông Trình, đại diện Văn phòng Chính phủ bày tỏ,  họp tiêu thụ sữa mấy lần rồi, đúng là buồn quá. Chúng ta nhập khẩu sữa, vậy mà chỉ một đến hai tấn sữa tồn đọng một ngày vẫn không giải quyết được! Sao các công ty khác không vào mua cho nông dân.

“Nông dân sản xuất một lít sữa thì còn uống được, đằng này hàng mấy chục cân mà không bán được cho công ty thì chỉ có đổ đi. Các anh phải xem lại, phải biết tự ái với thương hiệu của mình”- Ông Trình bức búc.

MỚI - NÓNG