Doanh nghiệp vận tải hoang mang

Doanh nghiệp vận tải hoang mang
TP - Trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc tồn tại hai cách thức xử lý khác nhau đối với cùng một phương tiện vận tải gây hoang mang, lo lắng và thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp vận tải (DN) và tài xế.

Mấy ngày qua, nhiều DN phải hủy bỏ hợp đồng vì không dám cho xe chạy, Công văn số 40/HHVT ngày 29/7 của Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết.

Để phục vụ cho chủ trương chống và truy quét xe chở hàng quá tải, nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông (do xe quá tải cố tình đi vào các đường tránh xung quanh khu vực đặt Trạm Kiểm tra Trọng tải (KTTT) Dầu Giây - tỉnh Đồng Nai), mấy ngày qua, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe tại Cổng khu Công nghiệp AMATA, khu vực Xuân Lộc...

Theo ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM (HHVTHH), sau một tuần triển khai, công tác kiểm tra bộc lộ một số bất cập như Trạm cân Dầu Giây áp dụng tính theo tải trọng trục để xử phạt xe chở quá tải còn lực lượng CSGT lại đang áp dụng hình thức cân xe tính theo tổng trọng tải để xử phạt.

Điều này đã dẫn đến tình trạng, nhiều xe không vượt quá giới hạn cho phép về tổng trọng tải và tải trọng trục xe khi đi qua Trạm cân Dầu Giây nhưng lại bị Công an Tỉnh Đồng Nai xử phạt với hình thức phạt tiền và tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế.

Công văn của HHVTHH cho biết căn cứ xử phạt của lực lượng CSGT là vào tải trọng cân thực tế mà cơ quan đăng kiểm cho phép. Cục Đăng kiểm đưa ra tiêu chuẩn lại không dựa vào tiêu chuẩn chung của các nước sản xuất phương tiện và thông lệ quốc tế nên đã dẫn đến tình trạng phương tiện giao thông muốn tham gia lưu thông phải cắt bớt chiều dài hoặc tải trọng thiết kế.

Các doanh nghiệp vận tải (nhất là vận tải container) không thể đưa phương tiện vào hoạt động được vì trước đó họ đã đầu tư hướng phương tiện theo cách tính của Trạm kiểm tra tải trọng hướng dẫn (dựa vào Quyết định số 60 của Bộ GTVT ).

MỚI - NÓNG