Doanh nghiệp xử lý rác đi xả rác

Doanh nghiệp xử lý rác đi xả rác
TP - Hàng ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hàng ngàn tấn rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt được các doanh nghiệp bao thầu xử lý. Tuy nhiên, có những kiểu xử lý rác lạ là chất rác thành núi, đổ lén làm tổn hại sức khỏe nhân dân.
Doanh nghiệp xử lý rác đi xả rác ảnh 1
Xe chở chất thải nguy hại của Cty Tân Phát Tài đi đổ lén bị bắt quả tang

Tân Phát Tài là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) duy nhất ở tỉnh Đồng Nai được Cục Bảo vệ Môi trường cấp giấy phép hành nghề vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại. Với chức năng này, DN Tân Phát Tài bao thầu xử lý rác cho nhiều Cty trên địa bàn Đồng Nai.

Nhưng trong quá trình hoạt động, DN Tân Phát Tài nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ngày 12/6/2008, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) Tỉnh Đồng Nai xử phạt DN Tân Phát Tài năm triệu đồng đối với hành vi quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định.

Các chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng nhưng, trong vụ việc này, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) Công an Tỉnh Đồng Nai phát hiện DN Tân Phát Tài thuê Cty Bách Quy vận chuyển 300kg chất thải nguy hại không đúng chức năng.

Tháng 10/2008, PC36 lại phát hiện DN Tân Phát Tài đổ chất thải nguy hại tại ấp 7, xã An Phước, huyện Long Thành. Với tình tiết tăng nặng và tái phạm, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai xử phạt DN Tân Phát Tài 10 triệu đồng.

Đến tháng 6/2009, PC36 lại tiếp tục phát hiện DN Tân Phát Tài thuê đất của bà Nguyễn Thị Giang ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành để làm nơi đổ rác, lần này Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai tiếp tục phạt 10 triệu đồng. 

Ngày 9/7/2009, Thanh tra Sở TN&MT kiểm tra tại bãi rác tự phát ở ấp Xã Hoàng, xã Long An, huyện Long Thành phát hiện tại đây có chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại như bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau nhiễm dầu, nhiều thùng chứa hóa chất thải được dán nhãn “nơi đến: DNTN Tân Phát Tài”.

Trước đó, ngày 7/7/2009, PC36 phát hiện xe bồn mang biển số 57L- 3431 của DN Tân Phát Tài do ông Lê Quang Thắng, tài xế của DN Tân Phát Tài, điều khiển đang đổ chất thải vào khu rừng tràm tại ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Khối lượng chất thải chứa trong xe khoảng 3m3, được vận chuyển từ kho của DN Tân Phát Tài.

Kết quả phân tích mẫu nước thải thu được cho thấy, độ màu vượt 440 lần, BOD5 vượt 5014 lần, COD vượt 9623 lần, hàm lượng chì vượt chín lần, hàm lượng Cyanua vượt 6056 lần. Với sự việc như vậy, ông Mai Văn Phát chủ DN Tân Phát Tài chỉ nhìn nhận do không quản lý tốt đã để cho nhân viên đem chất thải đổ sai quy định.

Nhà máy xử lý biến thành bãi chứa

Năm 2007, một nhà máy xử lý rác được đưa vào hoạt động tại KP3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Cty Vũ Nhựt Hồng chủ đầu tư nhà máy rác công bố đây là nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, khép kín.

Rác sau khi phân loại sẽ được sản xuất phân vi sinh. Tuy nhiên, hoạt động không lâu, nhà máy xử lý rác đã gây ô nhiễm trầm trọng trong khu dân cư.

Ngoài mùi hôi của rác, nước rỉ rác trong nhà máy đã tràn ra khu dân cư, buộc lòng dân phải chặn cổng nhà máy, không cho đưa rác vào. Kiểm tra hoạt động nhà máy, các cơ quan chức năng mới biết nhà máy hoạt động nhưng không thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sau hơn một năm hoạt động, UBND TP Biên Hòa chi từ ngân sách để trả cho nhà máy hàng tỷ đồng tiền xử lý rác. Đến đầu năm 2009, Cty Vũ Nhựt Hồng thay chủ đầu tư và đổi tên thành Cty CP Môi trường Đồng Xanh.

Cty này hoạt động lại gây ô nhiễm và bị dân phản ứng. Kiểm tra nhà máy xử lý rác, các cơ quan chức năng mới thấy nhà máy xử lý rác đã trở thành bãi rác khổng lồ, ước lượng trên 100 ngàn tấn rác trơ đọng và hàng ngàn mét khối nước rỉ rác.

Ngày 19/5, sau khi đình chỉ hoạt động nhà máy xử lý rác, UBND Tỉnh Đồng Nai ra thời hạn trong hai tháng, Cty CP Môi trường Đồng Xanh phải xử lý xong lượng rác tồn đọng trong nhà máy, hút nước rỉ rác chuyển qua xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của Cty dịch vụ Môi trường Đô thị TP Biên Hòa và nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

UBND Tỉnh ra quy định nếu không khắc phục được tình trạng ô nhiễm, UBND Tỉnh sẽ có phương hướng di dời nhà máy.

Tuy nhiên, quá thời hạn quy định, Cty CP Môi trường Đồng Xanh chỉ rinh được khoảng 6.700 tấn rác trơ ra khỏi nhà máy, còn nước rỉ rác, Cty không bơm hút vận chuyển đi xử lý theo quy định.

Trong báo cáo kết quả giám sát khắc phục ô nhiễm tại nhà máy xử lý rác của Cty CP Môi trường Đồng Xanh, dù đã nêu những hạn chế và sai phạm của Cty, nhưng bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP Biên Hòa lại kiến nghị UBND Tỉnh cho Cty này gia hạn thời gian khắc phục.

MỚI - NÓNG