Độc đáo cây Mai hạ cuối cùng làng Thanh Quýt

Cây Mai hạ quý cuối cùng của làng Thanh Quýt Ảnh: N.T
Cây Mai hạ quý cuối cùng của làng Thanh Quýt Ảnh: N.T
TP - Thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) còn duy nhất một cây mai quý với tên gọi là Mai hạ. Một loài mai chỉ nở vào mùa hạ. Với người dân Thanh Quýt, cây Mai hạ có vị trí quan trọng trong việc giữ yên long mạch của một làng quê.
Cây Mai hạ quý cuối cùng của làng Thanh Quýt Ảnh: N.T
Cây Mai hạ quý cuối cùng của làng Thanh Quýt. Ảnh: N.T.

Cây Mai hạ duy nhất còn lại hiện nằm ở trụ sở xã Điện Thắng Trung. Đang độ giao mùa, cây Mai hạ vẫn trơ trụi lá. Không như những loài hoa khác, Mai hạ không đâm chồi nảy lộc khi xuân về. Người dân gọi cây Mai hạ đang ngủ đông. Kỳ ngủ đông tiếp tục kéo dài đến tháng 4 âm lịch thì mới trổ hoa. Người dân thôn Thanh Quýt truyền câu chuyện bao đời về những cây mai quý độc nhất của thôn và xã.

Gặp nhà sử học làng Nguyễn Hữu Khanh người chuyên nghiên cứu sưu tầm những câu chuyện độc đáo của văn hóa làng quê vùng trũng Điện Bàn. Theo tài liệu mà ông Khanh sưu tầm được và ghi chép lại từ lời của các bô lão trong vùng thì ngày trước ở làng Thanh Quýt có tất cả 6 cây Mai hạ được trồng theo thứ tự phong vị ngũ hành để trấn giữ long mạch cho làng.

Hai cây được trồng ngay trước sân của miếu xóm, tại đây còn có Văn Thánh - nơi mà các sĩ tử của Tổng Thanh Quýt trước khi đi thi hoặc khi đỗ đạt đều làm lễ tế. Hai cây khác được trồng ở đình làng, là hai cây lớn nhất trong số 6 cây Mai hạ của làng. Một cây khác được trồng trong vườn nhà của ông Nguyễn Văn Tủng (86 tuổi) và một cây khác trồng phía dưới quốc lộ 1A bây giờ.

Tuy nhiên, đến nay 6 cây Mai hạ chỉ còn một cây trồng ở miếu xóm là còn sống, được người làng chăm trồng và lưu gìn cẩn thận mấy chục năm qua. Nay miếu và Văn Thánh được người làng dời lên phía đầu xóm, nhường đất xây dựng UBND xã Điện Thắng Trung nên giờ cây Mai hạ nằm trong khuôn viên của trụ sở xã. Cây cao khoảng 6 m, dáng thế rất đẹp tô điểm một nét đẹp cho một vùng đất.

"Cả vùng Điện Bàn ngày trước chỉ có duy nhất làng Thanh Quýt là trồng cây Mai hạ. Làng thờ Lục vị Tiên nương ứng với 6 cây Mai hạ để trấn giữ long mạch của làng quê, giúp dân làng yên bình ấm no. Không có người làng hay tài liệu nào xác định được cây trồng từ năm nào, chỉ biết đời ông cố, ông nội sinh ra đã nghe các tiền nhân của làng nhắc đến 6 cây mai với tất cả sự thành kính và đến nay câu chuyện 6 cây Mai hạ vẫn được lưu truyền. Cây mang thần thái của Mai lại ra hoa vào mùa hạ nên được người làng gọi tên là Mai hạ" - ông Khanh cho biết.

Theo lãnh đạo chính quyền xã Điện Thắng Trung: Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến địa phương để tìm hiểu về cây Mai hạ còn sống này. Có ý kiến cho rằng đây là cây Bún (có rất nhiều ở Huế). Nhưng đa phần phản bác rằng: Cây Bún chỉ là một loài cây tương cận với cây này và thống nhất với tên gọi Mai hạ như người dân địa phương bao đời nay vẫn gọi.

Mai hạ sẽ ngủ đông đến tháng 4 âm lịch thì bắt đầu nở hoa trong nắng hạ. Mai hạ có 5 cánh màu trắng sữa, nhụy xanh lấm tấm vàng. Người dân thôn Thanh Quýt quan niệm rằng: Mỗi năm nếu Mai hạ nở hoa đúng tháng 4 âm lịch báo hiệu đất trời hòa thuận, mùa màng tươi tốt bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Còn nếu Mai hạ nở thêm mùa hoa nữa và khoảng tháng 8 âm lịch sẽ báo hiệu sự xung khắc của thời tiết, đất trời sẽ có thiên tai lũ lụt. Điều này được các vị cao niên trong làng Thanh Quýt, cũng như nhà sử làng khẳng định là có thật.

Tuy cây mai nằm trong khuôn viên UBND xã, nhưng để bảo tồn cây mai quý này ngoài việc chăm trồng, Chi hội người cao tuổi thôn Thanh Quýt đã đưa việc bảo vệ cây Mai hạ vào "nghị quyết" của làng. Mai hạ độc nhất trở thành tài sản quý của cả làng Thanh Quýt, được các cụ cao niên thay phiên nhau chăm bón.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG