Dọc đường cứu trợ Kỳ 5: Những người “vác tù và” trong lũ

Anh Hồ Thanh Xuân cúi đầu trước cảnh mất mát của người dân
Anh Hồ Thanh Xuân cúi đầu trước cảnh mất mát của người dân
TP - “Chỉ trong vòng nửa tháng, ông trời giáng xuống 3 trận lũ, mà trận sau cùng thì như “đại hồng thủy”, hết đôn đáo cứu dân trong lũ, rồi đến ngược xuôi phân phối hàng cứu trợ, nên anh ấy đã kiệt sức mà qua đời” - ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, ngậm ngùi khi nói về cái chết của một cán bộ Mặt trận thôn sau nhiều ngày quăng quật vì lũ.

Kiệt sức vì lũ

Không ai ngờ, người đàn ông mặc quần đùi, đi chân đất, người ướt sũng bùn đất… ra đón dàn Hoa hậu Việt Nam về cứu trợ lại là ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. “Lũ lụt làm ướt hết áo quần, với lại mặc như ri cho tiện, đi lại trong lũ đỡ vướng”, ông phân bua, giọng khản đặc.

Dọc đường cứu trợ Kỳ 5: Những người “vác tù và” trong lũ ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch xã An Thủy ngâm mình trong nước cứu dân 
(ảnh cắt từ clip một người dân quay lại)

Đã qua 5 ngày bị cơn “đại hồng thuỷ” vùi dập, lũ rút hơn 2m, nhưng tại xã An Thủy, nhiều nhà dân vẫn còn ngập nước. Một cảnh tượng hoang tàn, xác xơ bao trùm vùng quê vốn trù phú nhất nhì huyện Lệ Thủy. Ông Quyết kể: Trong hai ngày 18 và 19/10, khi nước lũ lên cao nhất, tiếng kêu cứu khắp nơi, lãnh đạo xã phải chia thành nhiều nhóm, bất chấp nguy hiểm lao mình vào lũ để cứu dân. “Cứu ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì nguy hiểm tận cùng. Nhiều nhà ở sâu trong kiệt, thuyền không vào được, buộc mình phải bơi vào, đưa áo phao rồi hướng dẫn họ cùng bơi ra thuyền. Khó nhất là các cụ già và cháu nhỏ, mình phải cõng để bơi, khi kiệt sức thì vừa bơi vừa kéo họ theo để ra thuyền. Đêm tối, sóng lớn, nước chảy xiết, chỉ cần tuột tay là coi như mất mạng người”, ông Quyết nói.

Dọc đường cứu trợ Kỳ 5: Những người “vác tù và” trong lũ ảnh 2 Ông Hoàng Ái Nhân ra đi để lại người vợ và 2 đứa con trong ngôi nhà rách nát

Nhà ông Quyết cao nhất xóm, cứu được ai là ông đưa về nhà mình trú ẩn. Đến khi ngôi nhà chật ních người, ông mới đưa họ ra trụ sở xã, hoặc trường học. Gạo, thực phẩm vợ ông tích trữ cho gia đình ăn trong lũ, hết sạch trong bữa cơm đầu tiên “chiêu đãi” người dân đến nhà tránh lũ. Vợ gọi điện cho ông thông báo tình hình, ông quát: “Lũ ngập mới chết, chứ nhịn đói vài ngày không chết mô mà sợ. Hứng nước mưa uống mà cầm hơi, đợi tiếp tế từ huyện”.

Lũ rút, cả dàn cán bộ xã An Thuỷ kiệt sức, phải gọi y tế về truyền nước để tiếp tục công việc. Giọng khản đặc, ông Quyết nói: “Lũ lên cao, lo nhất là tính mạng người dân, giờ lũ rút rồi thì lại lo điều phối hàng cứu trợ. Đây là công việc nhạy cảm, mất sức và mất nhiều thời gian nhất, chỉ cần lơ đễnh một chút là “ăn đòn” ngay tức khắc”.

Tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, ai cũng xót thương khi nghe tin ông Hoàng Ái Nhân qua đời sau mấy ngày lũ rút. Ông Nhân là cán bộ Ban công tác Mặt trận của thôn. Năm nay 61 tuổi, ông nhiệt tình, xông xáo cứu dân qua mấy trận lũ liên tục, ai cũng cảm phục.

Theo ông Hoàng Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh, ông Nhân là người có sức khoẻ bình thường. Sau hơn nửa tháng trời lăn lộn trong lũ, ông kiệt sức và lặng lẽ qua đời, để lại vợ và hai người con chưa lập gia đình sống trong ngôi nhà rách nát. “Sáng ngày 26/10, người nhà không thấy ông Nhân dậy đi phân phối hàng cứu trợ như thường lệ, chạy vào gọi thì người ông đã cứng đờ từ lúc nào không hay biết. Ông ấy vì dân kiệt sức mà qua đời, ai cũng thương xót và nói với nhau rằng, ông ấy xứng đáng với cái tên Ái Nhân”, ông Hùng ngậm ngùi nói.

Oan thấu trời xanh

Trong nguy cấp, khó khăn của lũ lụt, ở Quảng Bình đã xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn tấm gương quên mình vì dân. Có người được vinh danh, có người âm thầm lặng lẽ, nhưng cũng có những người mang nỗi oan thấu trời xanh. Họ đã tận tâm, hết lòng vì nhiệm vụ nhưng một chút hiểu lầm, hoặc vì một lý do nào khác mà bị mạng xã hội vùi dập không thương tiếc. Anh Hồ Thanh Xuân, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lệ Thủy là một người như thế.

Anh Xuân kể, anh nằm trong ban điều phối cứu trợ huyện Lệ Thủy. Chiều 20/10, một đoàn cứu trợ từ Bắc vào, liên hệ với anh để nhờ thuyền chuyển hàng cứu trợ từ ngoài ngã ba Cam Liên vào phát cho dân đang ngập lụt. Đoàn đến muộn, anh tìm cách điều phối thuyền của chính quyền nhưng không còn chiếc nào. Trời tối, anh liên hệ với một khách sạn ở TP Đồng Hới, dẫn đoàn về đó nghỉ lại miễn phí để hôm sau quay lại cứu trợ.

Hôm sau, anh đợi đoàn cứu trợ ấy liên hệ mà không thấy, công việc cứ thế cuốn anh đi. Khuya hôm đó về tới nhà, nghe chuông điện thoại reo, vừa mở máy, anh nhận ngay một tràng chửi bới thậm tệ, bảo anh là trục lợi, là ăn trên xương máu đồng bào… Hoá ra, trong đoàn cứu trợ hôm ấy có người đưa lên Facebook nói rằng, anh không bố trí thuyền ngay chiều hôm họ đến là để điều phối thuyền người nhà lấy giá cắt cổ 3 triệu đồng/chuyến hàng. Trong Facebook này còn công khai số điện thoại anh. Vậy là khắp nơi trong nước gọi vào máy anh chửi té tát. Muốn tắt máy điện thoại cũng không được, lỡ có đoàn cứu trợ nào liên hệ, vậy là anh cứ thế chịu trận. “Cả nửa tháng nay tui có thấy mặt con đâu chú, sáng đi sớm, đến tối khuya mới về, việc nhà bỏ bê cho vợ, tất cả vì người dân lũ lụt. Vậy mà họ nói oan tui đến mức rứa, không giải thích với ai được, nhiều khi tui đã nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng lại thôi vì thương vợ con, thương đồng bào đang cần đến mình”, anh Xuân chua xót nói.

Ngày anh Xuân bị hàm oan, cũng là ngày cả Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình đứng ngồi không yên. Trang Facebook của người nhà một cháu nhỏ bị tai nạn trong lũ tố cáo bệnh viện này bỏ đói, tắc trách, không chữa trị và cũng không cho chuyển viện. Câu chuyện này nhận được hàng trăm lượt chia sẻ trên mạng xã hội và hàng nghìn bình luận chê trách, mạt sát bệnh viện.

Bác sỹ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, buồn rầu nói: “Cháu bé được Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, thượng tá Lê Văn Hóa cứu và trực tiếp bế vào bệnh viện vào chiều 20/10. Tại thời điểm đó, nước lũ ngập gần hết tầng 1 bệnh viện, máy chụp CT, X-quang đều hỏng. Bệnh viện đã thăm khám, chẩn đoán cháu bị gãy tay. Đến chiều ngày 21/10, cháu được chụp phim và bác sỹ thông báo với người nhà, sáng mai sẽ phẫu thuật vì phải đợi cháu tiêu hết thức ăn để tiến hành gây mê cho cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, người nhà cứ đòi chuyển viện đi Huế, trong lúc nước ngập hết xe cứu thương, đường vào Huế bị ách tắc do nước lũ. Chúng tôi nói, bệnh viện làm tốt việc phẫu thuật cho cháu, còn nếu người nhà muốn đi thì nên chuyển vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Mấy ngày mưa lũ, các y bác sỹ trong bệnh viện đã nỗ lực hết sức để cứu chữa bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân bị tai nạn trong lũ. Thậm chí còn nhịn đói, nhường suất ăn của mình cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng lại bị hàm oan như vậy, thật đáng buồn”.     

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.