Độc hại nghề phun thuốc sâu thuê

Độc hại nghề phun thuốc sâu thuê
TP - Với những hộ trồng mai kinh doanh ở làng mai nổi tiếng Nhơn An (huyện An Nhơn, Bình Định), phun thuốc sâu phải được thực hiện thường xuyên nên họ đã thuê người làm thay để tránh tiếp xúc thường xuyên với những loại hóa chất độc hại.

Xã Nhơn An (huyện An Nhơn) là địa danh của làng trồng mai nổi tiếng của đất Bình Định và miền Trung. Nhà nhà trồng mai, kinh doanh mai và giàu lên cũng từ những gốc mai.

Ông Hồ Ngọc Châu, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn An cho hay: “Tính đến nay trong tổng số 2.000 hộ dân trên địa bàn của xã có tới 1.200 hộ có nghề trồng mai và đó là nghề thu nhập chính của họ. Những hộ trồng ít nhất cũng vài trăm chậu, còn lại đều chăm hàng ngàn chậu mai nên kinh tế nông dân cũng khá lên từ đó”.

“Mai là một loại cây rất nhạy cảm với sâu bệnh, có hàng chục loại sâu như: sâu sữa, sâu đục thân, bọ trĩ và bệnh khô quằn... luôn rình rập tấn công. Khi có sâu bệnh nếu chậm khâu bơm thuốc một ngày là sâu lan ra cả vườn thì “sạch sành sanh” mất trắng vườn mai” - chủ nhân của 500 chậu mai làng Nhơn An - ông Bùi Quý Nam cho biết.

Chính vì vậy, những chủ vườn mai lớn tới 2.000 - 4.000 chậu mai như hộ của các ông Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Phú..., thì không còn cách nào khác là phải thuê người phun thuốc.

Anh Ngô Văn Lì (còn gọi là Tuấn, 37 tuổi, trú tại thôn Trung Định), là một người chuyên phun thuốc sâu thuê, kể cả cho mai lẫn lúa. “Vì gia cảnh quá nghèo khó, phải lo cho 3 đứa con ăn học nên nó đành phải làm thêm nghề phun thuốc thuê” - bà Cao Thị Tư - mẹ anh Lì kể.

Chúng tôi đến nhà, nhưng không được gặp anh vì anh đang đi Tây Nguyên để mua bình phun thuốc sâu. Mẹ và vợ anh Lì - những người phụ nữ mà nỗi cực nhọc không giấu được trên gương mặt.

Bà Tư than thở: “Thấy con phun thuốc sâu mướn cho người ta về nhiều lúc nằm lăn bỏ cơm vì mệt do tiếp xúc nhiều với hóa chất độc, tui cũng khuyên nó đổi nghề nhưng nó lại bảo “vì là nghề nguy hiểm không ai làm mới có cơ hội để làm...”.

Ông Huỳnh Luận, 71 tuổi, nguyên làm công việc bảo vệ thực vật của HTX nông nghiệp 1 Nhơn An, hiện đang “hành nghề” bơm thuốc trừ sâu thuê cho các chủ vườn mai trong xã. Khi gặp chúng tôi trên vườn mai, thân hình gầy nhom của ông đang cõng bình thuốc sâu trên lưng.

Cố phun cho hết số thuốc trong bình, ông mới quay sang chậm rãi: “Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi phải đi làm cái nghề bất đắc dĩ này. Quanh năm, ngày nào cũng tiếp xúc với những loại thuốc độc hại, cái thân già héo hắt này không biết sẽ bị quật ngã lúc nào đây”.

Độc hại cả làng

Bảo vệ và duy trì nghề trồng mai vốn “hái ra tiền”, đồng nghĩa với việc  các chủ vườn mai ở Nhơn An cũng liên tục “duy trì” nguồn thuốc bảo vệ thực vật khổng lồ xuống mảnh vườn, chậu cây của mình. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính trung bình mỗi vườn mai mỗi tháng cũng phải “tưới tắm” hàng chục bình thuốc bảo vệ thực vật, mới thấy mức độ nguy hại tới môi trường cỡ nào.

Ông Huỳnh Luận bộc bạch: “Bệnh khó trị nhất của cây mai là bệnh bọ trĩ và sâu đục thân, để đối phó với nó cần phải bơm những loại thuốc cực mạnh như Monstor hoặc Bi58. Thậm chí nếu để mai bệnh nặng, có chủ vườn còn bơm cả loại thuốc độc hại như Moniter mà ngành nông nghiệp đã cấm. Chúng tôi phận làm thuê, cứ phải “bấm bụng” mà bơm”.

Được biết, mỗi lần bơm thuốc sâu người phun thuê được trả 7.000đồng/bình loại 12 lít. Nhưng dần dần vì sợ quá nên nhiều người đã bỏ “nghề”, các chủ vườn sau đó giá tăng lên dần và hiện tại công phun mỗi bình thuốc sâu được các chủ vườn mai trả 15.000đồng.

Anh Thơm, một người từng đã chinh chiến với nghề phun thuốc sâu thuê cho làng mai, đã giải nghệ khoảng 3 năm nay vẫn chưa hết lo sợ, nhắc lại: “Tui làm nghề bơm thuốc sâu thuê cho làng mai từ khi mỗi bình họ chỉ trả 5.000 đồng, nhưng càng về sau cây mai càng bị nhiều sâu bệnh tấn công nên các chủ vườn đã dùng những loại thuốc cực độc với liều lượng lớn. Lượng thuốc mới bơm chưa kịp tan thì đợt thuốc khác tiếp tục phủ xuống phát độc biểu hiện ở vật nuôi. Sợ quá, nên dù khó khăn đến mấy tui cũng quyết định bỏ nghề”.

Đó là nỗi sợ của những người phun thuốc sâu thuê. Còn với sức khỏe và sinh mạng của hàng ngàn người dân địa phương, sau mỗi vụ tết thu về bạc triệu bạc tỷ từ những gốc mai, thì nỗi nơm nớp lo sợ lại tan biến, chẳng ai cần biết tai họa sẽ ập xuống lúc nào...

MỚI - NÓNG