Kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5:

Đôi bạn anh hùng và bức ảnh mới tìm thấy

Anh hùng La Văn Cầu (phải) và anh hùng Đặng Đức Song. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Anh hùng La Văn Cầu (phải) và anh hùng Đặng Đức Song. Ảnh: Kiến Nghĩa.
TP - Cùng sư đoàn, một người là anh hùng trong chiến dịch Biên Giới, còn người kia là anh hùng trong chiến thắng Điện Biên. Tình bạn bền lâu của hai anh hùng La Văn Cầu và Đặng Đức Song có những điểm chung mà đến nay còn ít được biết.

Bức ảnh mới tìm thấy

Gần đây, tôi có dịp đến nhà anh hùng Đặng Đức Song, người còn lại duy nhất trong số 24 “Dũng sĩ Đồi Xanh” tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Trong câu chuyện, anh hùng Đặng Đức Song chợt chỉ vào một bức ảnh treo trên tường, cho biết: “Gần đây, tôi mới tìm lại được bức ảnh này nên phục chế lại và tặng anh La Văn Cầu một bản. Đây là bức ảnh rất ý nghĩa đối với anh Cầu và tôi”.

Lại gần bức ảnh quan sát, căn cứ vào những dòng chú thích phía dưới, tôi nhận ra đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng một số sĩ quan cấp cao của quân đội ta chụp cùng hai người trẻ tuổi mặc quân phục là La Văn Cầu và Đặng Đức Song.“Bức ảnh chụp năm 1960 khi tôi và anh Cầu cùng về dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II tại Hà Nội” - anh hùng Đặng Đức Song cho biết. Rồi ông kể, thời đó, được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ, Đặng Đức Song ứng cử đại biểu quốc hội tại tỉnh Hải Dương, còn La Văn Cầu ứng cử tại Cao Bằng. Sau khi trúng cử, cả hai tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II. Một ngày, vào giờ giải lao, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) thân mật nói với mọi người: “Đoàn đại biểu Quốc hội của Quân đội chúng ta chụp một bức ảnh kỷ niệm nhé”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với một phóng viên đứng gần đó chụp ảnh cho đoàn. Biết mình quân hàm thấp nhất nên trung úy La Văn Cầu và chuẩn úy Đặng Đức Song vội đứng về phía sau. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi La Văn Cầu: “Ở đây ai là người trẻ tuổi nhất?”.Anh hùng La Văn Cầu đáp: “Dạ, đồng chí Đặng Đức Song ạ”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời Đặng Đức Song lên hàng đầu, đứng gần mình chụp ảnh. Bức ảnh chụp khi đó, đứng hàng đầu còn có đại uý Hồ Thị Bi (đại biểu nữ duy nhất của đoàn Quân đội) và anh hùng La Văn Cầu. Còn hàng sau có những tướng lĩnh nổi tiếng của quân đội ta như thượng tướng Chu Văn Tấn, thiếu tướng Lê Quảng Ba, thiếu tướng Hoàng Sâm, đại tá Hoàng Đạo Thúy… “Lần chụp ảnh đó khiến tôi và anh La Văn Cầu rất xúc động khi thấy cấp trên quan tâm đến thanh niên. Sau khi chụp ảnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn nói với tôi: Thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước, cần phấn đấu, học tập tốt nhé”.

Đặng Đức Song rất thích bức ảnh, cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy ra xem. Tuy nhiên, sau nhiều năm, bức ảnh thất lạc. Mãi gần đây, khi soạn lại một số tài liệu, ông thấy bức ảnh được kẹp trong cuốn sổ nhật ký cũ từ thời đánh Điện Biên của mình. Xem ảnh, anh hùng La Văn Cầu bồi hồi: “Mới đó mà đã gần 60 năm. Hồi đó hai ta trẻ nhất đoàn, Song mới 26, còn mình 28 tuổi”.

Đôi bạn anh hùng và bức ảnh mới tìm thấy ảnh 1 (Hàng đầu, từ trái sang)  Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại uý Hồ Thị Bi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chuẩn uý Đặng Đức Song, Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Trung uý La Văn Cầu trong đoàn đại biểu Quân đội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II. (Ảnh do anh hùng Đặng Đức Song cung cấp)

Trước khi cùng là đại biểu Quốc hội khoá II, anh hùng La Văn Cầu và Đặng Đức Song từng thân thiết với nhau khi cả hai cùng học Trường bổ túc văn hóa tại Lạng Sơn vào năm 1958.  Trước đó, khi tham gia chiến dịch Điện Biên năm 1954, Đặng Đức Song đã biết tới chiến công của anh hùng La Văn Cầu tại trận Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới năm 1950. Còn sau đó, anh hùng La Văn Cầu cũng biết đến tinh thần chiến đấu quả cảm của Đặng Đức Song tại trận chiến Đồi Xanh nổi tiếng, và sau đó là tại đồi C1 trong chiến dịch Điện Biên. La Văn Cầu được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đợt đầu vào năm 1952, còn Đặng Đức Song được phong Anh hùng đợt 3 năm 1956. Điều khá trùng hợp là cả hai cùng thuộc Sư đoàn 316, La Văn Cầu ở Trung đoàn 174, còn Đặng Đức Song ở Trung đoàn 98. Cả hai cũng xấp xỉ tuổi nhau nên nhanh chóng trở nên thân thiết khi cùnghọc bổ túc văn hoá tại một nơi. Do bị mất tay phải, anh hùng La Văn Cầu phải tập viết sang tay trái nên việc hoc tập khá vất vả. Vốn học giỏi, Đặng Đức Song luôn giúp đồng đội trong học tập, đặc biệt là môn toán. “Về sau, tôi và anh La Văn Cầu mới biết còn có quan hệ họ hàng với nhau. Bởi vợ tôi không chỉ là đồng hương Cao Bằng với anh Cầu, mà còn là em họ”- anh hùng Đặng Đức Song cho biết.

Chiến công năm xưa

Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, anh hùng La Văn Cầu và Đặng Đức Song luôn được Hội truyền thống Sư đoàn 316 mời gặp mặt. “Năm nay, nhận được giấy mời tôi đã gọi điện cho anh Cầu để rủ cùng đi, nhưng có lẽ gần đây anh hơi nặng tai nên chưa thấy nghe máy…”- anh hùng Đặng Đức Song cho biết. Thấy vậy, tôi liền đề nghị được đưa ông đến nhà anh hùng La Văn Cầu và chủ nhân  lập tức đồng ý.

Từ phố Pháo Đài Láng (Hà Nội) đến nhà anh hùng La Văn Cầu tại phố Tây Sơn cũng không xa. Tới nơi, sau một hồi chuông đã thấy anh hùng La Văn Cầu ra mở cửa. Người anh hùng đánh bộc phá năm xưa nay đã ở tuổi 85, nhưng vẫn mạnh khỏe. Vừa vào nhà, anh hùng Đặng Đức Song đã tặng luôn một bức ảnh cho chủ nhân khi hai ông có dịp chụp chung trong buổi gặp mặt truyền thống tại Quân khu 2 (đơn vị chủ quản của Sư đoàn 316 hiện nay) cách đây chưa lâu. Anh hùng La Văn Cầu cho biết: “Sau giải phóng Điện Biên, có lần tôi được đồng chí Nguyễn Chí Thanh hỏi ý kiến về việc định dùng tên tôi để đặt cho một phố của Hà Nội. Tôi xin phép được từ chối và nói xin hãy dùng việc đặt tên đó dành cho những người đã khuất”.

Khi được hỏi về trận chiến đấu năm xưa, anh hùng La Văn Cầu cho biết: “Trước đây, từng có mô tả khi bị thương, tôi đã nhờ đồng đội chặt luôn cánh tay cho khỏi vướng để tiếp tục đánh lô cốt địch là chưa thật đầy đủ”. Rồi ông kể, trong trận đánh Đông Khê thuộc chiến dịch Biên Giới năm 1950, ông được phân công chỉ huy tổ đánh bộc phá gồm 5 người với nhiệm vụ phá chiếc lô cốt lớn nhất tại cứ điểm này. Khi hai chiến sĩ đầu tiên trong tổ ôm bộc phá đánh lô cốt, lập tức bị địch bắn trọng thương không thể tiếp tục chiến đấu. Thấy vậy, ba người còn lại tiếp tục lao lên thì hy sinh hai, chỉ còn La Văn Cầu. Ôm chặt bộc phá, ông nhích được đến gần lô cốt thì trúng đạn vào tay phải. Do phần tay gãy lủng lẳng bất lợi cho di chuyển, La Văn Cầu quyết định quay lại nhờ đồng đội chặt hộ phần tay bị gãy. Người tiểu đội trưởng nói: “Cậu bị thương thế này khó chiến đấu tiếp, hãy về phía sau để y tá băng bó”. Nhưng La Văn Cầu cả quyết nhờ đồng đội thực hiện giúp đề nghị của mình. Sau khi được chặt đứt một phần tay bị gãy, ông tiếp tục ôm bộc phá tiến gần lô cốt, rồi dùng lựu đạn ném vào lỗ châu mai. Súng địch chĩa trong lỗ châu mai bắn ra như vãi đạn. Chờ cho chúng thay băng đạn, La Văn Cầu lập tức lao lên ấn bộc phá bịt chặt lỗ châu mai, rồi giật nụ xoè. Chiếc lô cốt bị đánh sập cũng là lúc La Văn Cầu bị sức ép ngất đi.Khi tỉnh lại, ông thấy bộ phận cứu thương mang cáng đến để đưa mình về bệnh xá. Thấy đồng đội bị thương nhiều, trong khi hai chân vẫn lành nên La Văn Cầu đề nghị để mình tự đến bệnh xá. “Do tự đi mất nhiều thời gian, nên khi đến bệnh xá phần cánh tay còn lại bị nhiễm trùng nặng nên bác sĩ buộc phải cắt cụt tay phải của tôi đến tận bả vai như hiện nay”- anh hùng La Văn Cầu cho biết.

Anh hùng Đặng Đức Song chia sẻ: “Trước đây, chiến công của anh La Văn Cầu được phát động để toàn quân học tập. Tinh thần đó đã tiếp lửa cho chúng tôi trong trận chiến tại Đồi Xanh, một cao điểm trọng yếu của chiến trường Điện Biên”. Đồi Xanh thực chất là cao điểm 781, có vị trí chiến lược khi cách cánh đồng Mường Thanh có vài cây số, tại đây có thể bao quát toàn bộ khu vực phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay từ đầu năm 1954, đơn vị của Đặng Đức Song đã chốt giữ tại đây, và ông đã góp sức giữ vững cao điểm này trước những đợt tấn công của địch. Đỉnh điểm của trận chiến Đồi Xanh diễn ra ngày 5/3/1954, khi đơn vị của Đặng Đức Song chỉ gồm 24 chiến sĩ do trung đội trưởng Nguyễn Thế Lợi chỉ huy đã đánh bại quân địch với số lượng đông hơn nhiều. Sáng sớm hôm đó, địch nã pháo dữ dội khiến cây cối tại Đồi Xanh xơ xác, sau đó chúng điều động 2 tiểu đoàn tiến lên đồi. Chờ địch tới thật gần, ta mới dùng súng trung liên, lựu đạn đánh tới tấp khiến chúng thương vong nặng. Ta và địch cứ giằng co như vậy 5-6 lần, khi chúng bắn pháo thì ta lui vào hầm, tràn lên ta lại đánh. Cuối cùng, do thương vong nặng nên địch phải rút lui, từ bỏ hẳn việc đánh chiếm Đồi Xanh. Sau trận đánh, 24 chiến sĩ (kể cả những người đã hy sinh) được cấp trên tặng huân chương, đồng thời được gọi là những “Dũng sĩ Đồi Xanh”. “Trận chiến hôm đó vậy mà đã 63 năm. Cuối năm ngoái, trung đội trưởng Nguyễn Thế Lợi mất, nên đến nay 24 chiến sĩ Đồi Xanh năm xưa chỉ còn lại mình tôi” - anh hùng Đặng Đức Song bồi hồi cho biết.

Sau nhiều năm, tình bạn của hai người anh hùng trong những tháng năm chống Pháp góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên vẫn luôn bền chặt,lan toả đến thế hệ sau…

MỚI - NÓNG