Đôi bàn tay thay đôi mắt

Đôi bàn tay thay đôi mắt
TP - Một người hỏng cả hai mắt  nhưng  vẫn cưa xẻ, đục đẽo làm ra những bộ bàn ghế cho khách. Người mù ấy chỉ cần sờ, ngửi là biết rõ gỗ gì, độ tuổi gỗ đến nỗi giới buôn gỗ cũng phải kính nể…
Đôi bàn tay thay đôi mắt ảnh 1
Anh Quốc đang làm nghề

Buổi trưa, nắng  gắt và oi  trùm lên thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm xưởng mộc của anh Trần Minh Quốc (thương binh ¼ ấp Nam, xã Hoà Long, TX Bà Rịa) thì lũ trẻ “xung phong” dẫn đi ngay.  Bởi ở đây ai cũng biết anh “mù thợ mộc”.

Nắng chang chang, vậy mà  anh Quốc vẫn xoay trần ra mải miết cưa cưa, đục đục. Trong xưởng gỗ, tiếng cưa máy cắt gỗ xoèn xoẹt, tiếng búa, tiếng đục chí chát. Tôi dừng lại ngắm anh:  Đôi mắt chỉ là 2 mảnh da mí sít khịt lại như bị khâu kín và không còn thấy ánh sáng.

Dẫn tôi lên căn nhà mới xây dựng khá khang trang,  anh kể: “Tôi năm nay 53 tuổi và đã sống trong bóng tối 32 năm. 16 tuổi  đi chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ.

Năm 1973, trong một trận chống càn, mảnh đạn pháo M.79 của kẻ thù đã thổi bay tròng mắt trái và xuyên thủng nhãn cầu mắt phải của tôi. Từ đó cho đến năm 1979, tôi sống ở các khu điều dưỡng quân đội (đoàn 814) và khu điều dưỡng Long Hải”.

Ở khu điều dưỡng, anh  Quốc được một người con gái tận tình chăm sóc rồi sau đó họ thành vợ chồng. Từ đó, anh Quốc quyết định xin về nhà.  Vốn có biết đôi chút nghề mộc, anh bắt đầu dò dẫm sửa những chiếc bàn ghế của ngôi nhà vắng bóng đàn ông...

Mắt chẳng thấy đường, nhiều khi đầu búa nhè… ngón tay mà đóng. Rồi tiến một bước nữa là đóng bàn ghế học cho con. Anh nhờ vợ mua cái cưa tay, đục, chàng, chế ra cái thước khắc cự ly nổi để dễ sờ thấy khi đo đạc.

Anh Quốc cười: “Bây giờ tay nghề tôi đã thành lão luyện chứ hồi đó mày mò, lưỡi cưa, lưỡi đục sắc lẻm xoẹt vào tay vào chân như cơm bữa. Nhiều khi thấy máu me chồng be bét, vợ con khóc lóc xin đừng làm nữa, tôi phải tỏ ra lạnh lùng để tiếp tục công việc.

Hàng xóm nghe chuyện không tin, tôi xin sửa chữa giùm bà con những món đồ đơn giản. Phải khó khăn lắm, có người tin, nhưng có người lại bảo: Giao việc cho thằng mù, không khéo mất cả chì lẫn chài! Tuy nhiên cái nào đến tay tôi cũng được sửa ngon lành”. Dần dà, anh Quốc  cũng đóng được những vật dụng phức tạp và công phu hơn như: Tủ thờ, giường, đi văng… Từ đó hàng xóm láng giềng kéo nhau đến thuê đóng bàn ghế thông dụng.

Năm 1986, anh Quốc mở xưởng mộc nhỏ tại nhà, thuê thêm 5 thợ phụ việc. 20 năm trôi qua, với tất cả nghị lực, sự kiên trì, xưởng gỗ đó không chỉ nuôi sống gia đình mà còn  giúp anh  xây được ngôi nhà 2 tầng và giúp cho 5 đứa con anh được ăn học, 2 đứa giờ đã nên gia thất. Vừa làm việc ở xưởng, hiện anh còn kiêm Chủ tịch Hội Người mù TX Bà Rịa.

Dụng nhân như dụng mộc

Anh  uốc tâm sự: “Thợ sáng mắt chỉ cần lấy thước đo cự ly, dùng bút chì kẻ một đường thẳng rồi cứ thế cưa xẻ. Còn tui hổng thấy đường nên đóng đinh hai đầu, nối dây vào đinh rồi mò theo dây mà cưa. Còn bào tui phải “căn” nhát bào đầu tiên, thẳng hết cánh tay. Sau đó dùng tay rờ chỗ vừa bào để phân biệt chỗ nhẵn và chỗ nhám để đặt tiếp lưỡi bào tiếp theo vào đúng chỗ. Khi bào nhát đầu đưa hết cánh tay thì nhát hai cũng phải nhất nhất thế nếu không sẽ chỗ nhẵn, chỗ nhám loạn xị”.

Để dễ bề làm việc cho thật chuẩn xác, anh Quốc đã chế một cây thước ly nổi. Từ cây thước này, sau đó tay giữ gỗ, ngón tay “căn” theo lưỡi cưa cho tới khi đến “ngưỡng” thì nhẹ nhàng lật thanh gỗ sang mặt kia, không cho nó xê dịch và tiếp tục.

Lúc đục lỗ gắn mộng,  anh ngồi xổm, dồn cả sức nặng thân thể lên bàn chân tỳ chặt thanh gỗ, “căn” nơi cần đục và… chát chát đều tay. “Lúc đầu đục phá phải mạnh tay hơn, đến khi nó sâu xuống chừng 1/3  thì đều và nhẹ tay dần kẻo phá gỗ!” - Anh tâm sự.

Tôi đang trò chuyện với anh, một tay thợ cắt ngang: “Chú ơi, cái thanh trước đóng giường, một đầu nó bé hơn đầu kia phải cắt nên làm mộng bị hụt!”. Anh lần ra cái phản mà đám thợ của mình đang hoàn thiện, lấy tay rờ rờ, dí sát mũi hít hít rồi la toáng “Sao lại đánh vecni lợt thế ?”.

Tay thợ trẻ gãi đầu “Dạ thấy chú có khách, con pha áng chừng nên…”. Ông bảo người mang cồn và cánh kiến (loại hoá chất dùng để đánh vecni) rồi bắt tay thợ ngồi nhìn mình pha chế và dạy bảo:“Cứ cậy sáng mắt áng chừng là hỏng bét. Người ta ra công thức pha chế để làm gì? Cái gì cũng có nguyên lý khoa học của nó!”.

Xong việc, anh trở lại câu chuyện với tôi. Anh bảo tôi: “La nó vậy thôi chứ chúng toàn là thợ giỏi cả đấy. Các cụ nói dụng nhân như dụng mộc mà. Thường ngựa chứng là ngựa giỏi, mình phải biết khơi cho nó phát huy cái giỏi để lấn lướt cái “chứng” của nó! Cũng như tôi, nếu không kiên trì theo kiểu “dụng nhân như dụng mộc” thì có lẽ đã buông tay ăn nhờ vào sức vợ rồi”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.